Người dân vùng biên giới Việt Nam - Campuchia không thể quên ngày 14/4/1978, hai sư đoàn quân Pol Pot tràn từ dãy núi Voi (gần đường biên giới Việt Nam - Campuchia) đánh sang An Giang. Hơn 10 ngày đêm, chúng bao vây, dồn toàn bộ lực lượng tập trung đánh vào xã Ba Chúc, huyện Tri Tôn, giết hại người dân vô tội một cách dã man. Hơn 3.157 người dân Ba Chúc đã bị chúng sát hại.
Nén nhang thành kính trong khu tưởng niệm nhà mồ Ba Chúc.
Ký ức khốc liệt
Về Ba Chúc những ngày này, tìm lại những người sống sót trong đợt càn quét của lính Pol Pot, chúng tôi gặp bà Hà Thị Nga (Ba Chúc, Tri Tôn, An Giang). Chia sẻ với chúng tôi bà Nga nghẹn ngào không nói nên lời. Cả gia đình bà chết thảm dưới bàn tay bọn Pol Pot. Chứng kiến cảnh kẻ thù giết hại người thân, chồng và lần lượt 6 đứa con do bà dứt ruột đẻ ra, để rồi hàng chục năm qua còn mình bà trơ trọi ở thế gian này, ngày đêm bà vẫn gặm nhấm nỗi đau tột cùng.
Bà Nga nhớ lại, sau khi trốn trên núi không thành, lính Pol Pot đã giải gia đình bà cùng nhiều người dân đến giữa cánh đồng để hành quyết. Mọi người bị chúng trói quặt tay bằng dây kẽm gai, cào da thịt rách tả tơi, tứa máu. Càng giãy giụa, dây kẽm gai càng siết sâu vào da thịt. Sau khi giết hết 6 người con của bà, chúng đánh đập bà một cách dã man, chúng còn xả đạn vào bà nhưng rất may chỉ có 1 viên đạn trúng cổ. Thấy bà còn cựa, chúng còn dùng gậy đập nhiều nhát vào đầu khiến bà bất tỉnh, chúng tưởng bà đã chết. Giết hết những người còn lại, chúng rút đi. Hơn 10 ngày phải nằm ở ruộng không dám đi đâu vì bọn chúng vẫn lởn vởn đâu đó…
Đến ngày thứ 12, bộ đội chủ lực của ta tấn công vào Ba Chúc, đẩy đuổi lính Pol Pot về bên kia biên giới, thì tìm thấy bà Nga nằm ở cánh đồng Tân Quới. Bộ đội đã đưa bà về Bệnh viện đa khoa An Giang và cứu sống bà một cách kỳ tích.
Ông Nguyễn Văn Mến cũng là một nhân chứng trong cuộc thảm sát của lính Pol Pot ở Ba Chúc. Ông Mến nhớ lại, lính Pol Pot tràn qua biên giới từ Campuchia sang Việt Nam, mọi người ẩn náu trong chùa vì cho rằng đây là nơi an toàn nhất, rằng kẻ thù sẽ nương tay nơi cửa Phật. Ai ngờ chúng dùng pháo bắn vào chùa Tam Bửu. Lúc đó ông Mến và một số người đang trốn phía sau nhà bếp của chùa Tam Bửu may mắn thoát chết, hơn 50 người ở trên chùa chết không toàn thây, hàng chục người khác bị thương, máu loang đỏ nền chùa. Không dừng lại ở đó, chúng tràn vào chùa Tam Bửu, bắt hơn 800 người đang ẩn nấp tại đây và xua họ đi thảm sát tập thể ở cánh đồng Cầu Sắt và giồng Ông Tướng…
Còn nhiều, rất nhiều câu chuyện đau thương khác không ai có thể kể hết. Khắc cốt ghi tâm tội ác của bọn diệt chủng Pol Pot với bà con nhân dân Ba Chúc, vào ngày hai ngày 15 và 16/3 âm lịch hàng năm Đảng bộ, nhân dân tỉnh An Giang nói chung, huyện Tri Tôn và thị trấn Ba Chúc nói riêng vẫn tổ chức lễ giỗ tập thể rất trang trọng cho các nạn nhân, đồng thời không quên nhắc nhở người dân nơi đây ra sức làm ăn phát triển xây dựng vùng này ngày một khang trang hơn…
Theo Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Thủy - Tư lệnh Quân khu 9, từ thực tiễn cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và tham gia tổng phản công đập tan chế độ diệt chủng, lực lượng vũ trang Quân khu 9 luôn luôn thể hiện ý chí quyết chiến, quyết thắng, quyết tâm khắc phục mọi khó khăn để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao, đã tô thắm thêm truyền thống “Quân dân đoàn kết, kiên cường bám trụ, tự lực tự cường, anh dũng chiến đấu” của Quân khu, đồng thời, để lại những bài học kinh nghiệm quý báu.
Đánh giá sự giúp đỡ của Quân tình nguyện Việt Nam đối với nhân dân Campuchia trong việc đánh đổ tập đoàn phản động Pol Pot, Quốc vương Xihanúc khẳng định: “Nếu họ (Việt Nam) không đánh đuổi bọn Pol Pot thì tất cả mọi người (Campuchia) có thể đã bị chết. Không chỉ riêng tôi mà là mọi người. Chúng (tập đoàn Pol Pot - Iêng Xary) đã có thể giết chết tất cả chúng ta... Nếu chúng ta không được giải phóng khỏi bọn Pol Pot thì toàn dân tộc có thể bị tiêu diệt”.
Cuộc sống hồi sinh
Ngày nay, trở lại vùng đất chết này các chứng tích vẫn còn đó, những cánh đồng nhuốm máu đỏ đã được phủ một màu xanh của sự sống, của niềm hi vọng.
Ông Nguyễn Văn Sấm- Bí thư Đảng ủy thị trấn Ba Chúc cho biết, sau sự kiện diệt chủng 40 năm trước, những người còn sống sót đã biến đau thương thành hành động, bắt tay xây dựng lại quê hương. Là địa phương chịu nhiều đau thương, mất mát nên người dân nơi đây thấu hiểu được trách nhiệm và nghĩa vụ của mình. Chỉ trong thời gian ngắn, Ba Chúc đã khởi sắc hơn về nhiều mặt.
Cụ thể trong lĩnh vực giáo dục, từ một vùng quê miền núi có trình độ dân trí thấp, đến nay, thị trấn đã có trường mầm non đạt chuẩn phổ cập giáo dục cho trẻ 5 tuổi; Trường Trung học Phổ thông Ba Chúc với tỷ lệ học sinh đậu tốt nghiệp 100% liên tục nhiều năm qua; nhiều học sinh đỗ vào các trường cao đẳng, đại học trong và ngoài tỉnh. Đến cuối năm 2018, số hộ nghèo của thị trấn chỉ còn 11% (469 hộ); thu nhập bình quân đầu người đạt gần 42 triệu/người/năm.
Đặc biệt, năm 1980, Nhà mồ Ba Chúc được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia. Đến 2013 khu di tích lịch sử nhà mồ Ba Chúc được khởi công xây dựng lại với quy mô 5 ha, kinh phí gần 30 tỷ đồng. Các hạng mục trong khu di tích như: khu nhà mồ trung tâm thiết kế theo hình hoa sen 16 cánh màu trắng, có lầu chuông phù hợp với đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa; khu trưng bày 1.159 bộ hài cốt bị Pol Pot giết hại; nhà trưng bày chứng tích hình ảnh, hiện vật, phương tiện đã thảm sát người dân Ba Chúc…
“Tính đến cuối tháng 11 năm 2018, khu di tích quốc gia nhà mồ Ba Chúc, chùa Tam Bửu - Phi Lai thu hút hơn gần 500.000 lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan, cúng viếng. Đây vừa góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng đất Ba Chúc phát triển, cũng là nhắc nhở, giáo dục thế hệ hôm nay về tội ác diệt chủng, đề cao tinh thần cảnh giác trước những thủ đoạn độc ác của các thế lực gieo rắc chiến tranh”- ông Sấm nói.