Ẩn họa từ các tàu chứa dầu khổng lồ 'hết đát'

Hà Anh 04/11/2023 07:00

Những con tàu - kho chứa dầu thô khổng lồ có tuổi đời trên 50 năm vẫn được khai thác trên các đại dương bất chấp cảnh báo rủi ro từ các chuyên gia hàng hải.

Đống đổ nát của tàu Trinity Spirit sau vụ nổ ngày 4/2/2022. Ảnh: REUTERS/Tife Owolabi.

5 công nhân thiệt mạng, 2 người khác có khả năng cũng đã tử vong trong vụ nổ trên Trinity Spirit – con tàu chở dầu rỉ sét đang neo cách bờ biển Nigeria 24km để hút dầu thô từ đáy đại dương.

Vụ nổ tàu Trinity Spirit vào tháng 2 năm ngoái là một trong những tai nạn kinh hoàng nhất trên tàu hoặc giàn khoan dầu trong những năm gần đây. Trinity là tàu chở dầu kiểu cũ được dùng để khai thác và lưu trữ dầu thô ngay cả khi máy móc đã rệu rã. Con tàu có công suất khai thác 22.000 thùng dầu mỗi ngày.

Theo AP, ít nhất 8 cơ sở chế xuất dầu thô đã phải đóng cửa sau vụ nổ. Trong khi đó, hơn 30 con tàu tương tự Trinity Spirit vẫn đang được sử dụng để lưu trữ dầu trên khắp thế giới.

Jan-Erik Vinnem, chuyên gia nghiên cứu những rủi ro của việc sản xuất dầu ngoài khơi, cho biết, ông bị sốc khi nhìn thấy những hình ảnh về vụ nổ tàu dầu ở châu Phi.

Trinity Spirit thuộc lớp tàu được chế tạo với mục đích khai thác dầu ngoài khơi và lưu trữ trên biển (FPSO). Kể từ những năm 1970, những con tàu này ngày càng phổ biến, được sử dụng khai thác, xử lý dầu thô ở vùng nước sâu và những nơi không có đường ống dẫn dầu. Theo nhóm môi trường SkyTruth, hiện có khoảng 240 công ty khai thác dầu dạng này trên khắp thế giới.

Theo bà Meghan Mathieson - Giám đốc chiến lược tại Trung tâm hàng hải Clear Seas, có trụ sở tại Canada, FPSO không giống hầu hết các tàu vì một lý do: Nó chỉ đứng im một chỗ. Sau khi được kết nối với đáy đại dương nơi có mỏ dầu, chúng ở đó trong nhiều năm, thậm chí nhiều thập kỷ. Chúng có thể được các cơ quan quản lý trong nước hoặc thanh tra viên được thuê kiểm tra, nhưng các tàu FPSO hoạt động bên ngoài luồng giao thông vận tải thông thường trong khi các cuộc kiểm tra pháp lý và an toàn thường diễn ra tại cảng.

“Nếu một tàu đang đậu trong vùng biển nội địa của một quốc gia và không di chuyển, chúng ta không thể giám sát nó”, bà Mathieson nói.

Theo công ty Rystad Energy có trụ sở tại Oslo - nơi lưu giữ dữ liệu về các con tàu - hơn một nửa đội tàu FPSO hiện tại là tàu chở dầu tái chế. Nhà phân tích cấp cao Edvard Christoffersen cho biết, nếu không được đại tu, hầu hết các tàu chở dầu đều được chế tạo với thân tàu có tuổi thọ khoảng 25 năm. Nhưng trên thực tế, một số FPSO được sử dụng lâu hơn, đôi khi gây ra hậu quả nguy hiểm.

Cùng thời điểm tàu Trinity Spirit bốc cháy, các thanh tra phát hiện vấn đề với một chiếc FPSO cũ kỹ mang tên Bunga Kertas neo đậu ngoài khơi Malaysia. Con tàu chở dầu này được chế tạo trong những năm 1980, đến 2004 được hoán cải thành FPSO và có niên hạn sử dụng dự kiến thêm 10 năm nữa. Nhưng 18 năm sau, Bunga Kertas mới tạm dừng hoạt động vì vấn đề an toàn.

Một con tàu cũ kỹ khác đang trôi nổi ngoài khơi Yemen có khả năng gây ô nhiễm đại dương với lượng dầu khổng lồ. FSO Safer được chế tạo cùng năm với Trinity Spirit và trở thành một mối nguy hiểm trôi nổi sau nhiều năm bị lãng quên trong cuộc nội chiến Yemen. Nước biển rò rỉ vào phòng máy của tàu từ năm 2020.

Liên hợp quốc (LHQ) cho biết trong một tuyên bố hồi đầu năm rằng con tàu có thể vỡ bất cứ lúc nào, hoặc nghiêm trọng hơn là phát nổ. Theo LHQ, Safer chứa hơn một triệu thùng dầu có nguy cơ gây ra sự cố tràn dầu, tàn phá nghề cá ở Biển Đỏ, đe dọa các nhà máy khử muối và bờ biển các quốc gia xung quanh vùng Sừng châu Phi, bán đảo cực Đông lục địa này. Sau nhiều cuộc đàm phán, dầu đã được chuyển sang một tàu khác trong tháng 8, nhưng tàu Safer rỉ sét vẫn ở ngoài khơi bờ biển Yemen, đang chờ tháo dỡ.

Tuy nhiên, tuổi tác không phải là thước đo duy nhất về tình trạng của con tàu: Khí hậu, bão và sóng biển có thể gây thêm căng thẳng cho các bộ phận của con tàu hoặc khiến độ ăn mòn tăng tốc.

Theo Rystad Energy, tuổi trung bình của thân tàu FPSO đã tăng từ 22 lên gần 28 năm kể từ năm 2010. Cục Vận tải biển Mỹ - một trong số các cơ sở chứng nhận an toàn tàu thuyền - thành lập một nhóm làm việc vào năm 2021 để giải quyết các thách thức của các FPSO cũ.

Ông Ian Ralby - chuyên gia an ninh hàng hải, người cảnh báo về Safer - cho biết: “Nếu chúng không được bảo trì tốt và theo dõi cẩn thận, chúng có thể chìm, có thể gây ô nhiễm, có thể nổ tung”.

Trong số hơn 30 con tàu cũ hơn Trinity Spirit có Al-Zaafarana, đang trôi nổi ngoài khơi bờ biển Ai Cập. Ở tuổi 54, nó là một trong những FPSO lâu đời nhất vẫn còn hoạt động. Theo sát phía sau là các FPSO ở Malaysia và Brazil, mỗi chiếc đều có tuổi đời ít nhất nửa thế kỷ.

Dọc theo bờ biển Nigeria, cách nơi tàu Trinity Spirit bốc cháy khoảng 320 km về phía nam, tàu FPSO Mystras vẫn đang hoạt động ở tuổi 47, mặc dù đã có báo cáo lưu ý các vấn đề về cấu trúc trên con tàu. Theo Rystad Energy, ban đầu tàu chỉ được thiết kế để hoạt động đến năm 2014.

Ngoài khơi Nigeria, con tàu Trinity Spirit vẫn còn được nhìn thấy – bị tách làm hai mảnh và một nửa chìm trong nước. Hồi tháng 9, hình ảnh vệ tinh cho thấy dầu dường như đã rò rỉ từ xác tàu. Không rõ khi nào cơ quan chức năng sẽ gỡ bỏ mối nguy hiểm hay trục vớt số dầu còn lại vì con tàu đang dần chìm sâu hơn.

Theo bà Mathieson, FPSO không giống hầu hết các tàu vì một lý do: Nó chỉ đứng im một chỗ, vì vậy nó được xem là hoạt động bên ngoài luồng giao thông vận tải thông thường và “miễn nhiễm” trước các cuộc kiểm tra pháp lý và an toàn tại cảng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ẩn họa từ các tàu chứa dầu khổng lồ 'hết đát'