Kinh doanh thực phẩm Online đang phát huy thế mạnh nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm, kể cả mua hàng từ cơ sở kinh doanh có thương hiệu.
Hình thức mua bán Online, bán hàng mang về thuận tiện cho cả người bán và người mua trong mùa dịch Covid-19, nhưng việc quản lý phương thức bán hàng này vẫn còn nhiều lỗ hổng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn, ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng, đòi hỏi cần sớm được siết chặt.
Lỗ hổng vệ sinh an toàn thực phẩm?
Dịch Covid-19 liên tục bùng phát kéo dài đã làm thay đổi phương thức mua hàng của nhiều người tiêu dùng, từ trực tiếp sang trực tuyến. Việc dễ dàng đăng tải thông tin trên mạng xã hội như Zalo, Facebook khiến hình thức kinh doanh, buôn bán Online ngày càng nở rộ.
Dạo quanh các trang mạng xã hội, có thể thấy, tất cả các các loại sản phẩm, hàng hóa, từ rau, củ, quả đến thịt gia súc, gia cầm… đều được rao bán trên chợ Online. Chỉ cần ngồi nhà, lướt mạng vài phút rồi bấm điện thoại, người tiêu dùng có thể mua bất kỳ thực phẩm gì và được giao hàng đến tận của nhà.
Không chỉ trên các trang mạng xã hội, trên các sàn thương mại điện tử như Lazada, Shopee, Grab Việt Nam…, các mặt hàng thực phẩm tươi sống hay được chế biến sẵn cũng đã có mặt trên các gian hàng. Theo các sàn thương mại điện tử này, số lượng đơn hàng của ngành hàng thực phẩm tươi sống có mức tăng cao so với trước đây.
Tuy nhiên ghi nhận cho thấy, hầu hết các địa chỉ bán hàng Online đều không có giấy phép kinh doanh, các sản phẩm chế biến không có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong khi đó, đa số các chủ gian hàng đều đưa ra các lời quảng cáo, cam kết bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, song chất lượng thật của sản phẩm liệu có như lời quảng cáo hay không thì khó có thể kiểm chứng?
Tìm hiểu trên một group bán thực phẩm đông lạnh, nhiều loại mặt hàng như ba chỉ bò, nầm lợn, xúc xích, trứng non, kê gà, chân gà… được giao bán với giá rẻ hơn rất nhiều so với thị trường, như “gà nguyên con sỉ 9x, gà khay đầu to 6x, gà khay đầu nhỏ 5x, cung cấp sỉ lẻ, số lượng lớn”, “trứng gà non từ 7x-8x/kg” , “nầm siêu ngon, siêu rẻ 7x-9x”… Đáng chú ý là, khách hàng của group này đa số đều là các nhà hàng, quán ăn.
Chị Nguyễn Thùy Dung, trú tại ngõ 82 Kim Mã (quận Ba Đình, Hà Nội) phản ánh: “Vừa qua tôi có đặt mua trứng gà non tại một tài khoản facebook. Người bán có khẳng định hàng tươi mới. Thế nhưng khi nhận hàng, trứng gà là loại hàng đông lạnh, rã đông xong trứng chảy nước, có mùi lạ, tôi có liên hệ lại với người bán nhưng không được hoàn tiền như lời cam kết trước khi mua”.
Trong khi hình thức kinh doanh này hiện nay mang lại lợi nhuận không nhỏ cho người bán nhưng hiện nay đều không phải chịu thuế. Với những sản phẩm đến tay người dùng trong tình trạng không nhãn mác, không nguồn gốc và không có hạn sử dụng, nhiều người đặt câu hỏi rằng, liệu nguồn gốc chất lượng sản phẩm có được bảo đảm.
Kinh doanh Online không chỉ nở rộ trên mạng xã hội mà các nhà hàng cũng linh hoạt chuyển sang hình thức bán Online để duy trì hoạt động khi dịch bệnh kéo dài. Tuy nhiên, ngay cả những cơ sở kinh doanh có thương hiệu, ngay từ khâu chế biến cũng còn chưa được bảo đảm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm.
Mới đây, phóng viên có chứng kiến nhân viên chế biến tại cửa hàng của Domino’s Pizza – một thương hiệu pizza nổi tiếng ở Việt Nam dùng tay để chế biến bánh cho khách mà không sử dụng găng tay. Đáng nói, đây không phải là lần đầu tiên. Trước đó, báo chí cũng đã từng phản ánh nhân viên của thương hiệu này dùng tay không để chế biến đồ ăn.
Theo quy định của Bộ Y tế, người chế biến thức ăn, phục vụ ăn uống phải đeo khẩu trang, găng tay khi chế biến, tiếp xúc trực tiếp với thức ăn. Quy định đã rõ, nhưng nhân viên của cửa hàng này có thể chưa biết hay cố tình bỏ qua?
Trong khi dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, việc mua hàng Online dù đang phát huy thế mạnh nhưng cũng đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ, ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng, ngay cả khi mua hàng từ các cơ sở kinh doanh có thương hiệu.
Cần sớm được siết chặt
Còn nhớ thời điểm giữa năm ngoái, dư luận xôn xao trước các vụ ngộ độc thực phẩm cấp tính khi sử dụng Pate Minh Chay của Công ty TNHH Hai thành viên Lối sống mới. Theo thông tin từ Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh, chỉ trong hai tháng 7, 8/2020, có 1.290 khách hàng tại TP Hồ Chí Minh đã đặt mua 1.559 hộp Pate Minh Chay qua hình thức Online. Từ vụ việc này, cho thấy nhiều kẽ hở trong khâu quản lý hoạt động kinh doanh thực phẩm Online.
Trước thực trạng hoạt động kinh doanh thực phẩm Online nở rộ, thực phẩm không bảo đảm, lực lượng quản lý thị trường đã tăng cường kiểm tra, xử lý và ngăn chặn nhiều vụ thực phẩm không rõ nguồn gốc, không bảo đảm vệ sinh ăn toàn thực phẩm.
Đầu tháng 7/2021, Cục Quản lý thị trường Hà Nội thu giữ gần 3.000 kg các loại thịt, sườn bò, trâu, lợn đông lạnh, chân gà, đùi gà đông lạnh, tôm đông lạnh... tại cơ sở kinh doanh ở làng Kim 1, xã Kim Quan, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chủ cơ sở chưa xuất trình được giấy tờ, hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ.
Cục Quản lý thị trường Đồng Nai cũng phát hiện vụ vận chuyển hơn 500 chai mắm nêm, mắm nước, mắm mực, mắm ruốc là thực phẩm phụ gia không rõ nguồn gốc, xuất xứ (hàng hóa không nhãn)…
Tuy nhiên phía cơ quan quản lý cũng nhìn nhận, hiện nay các cá nhân kinh doanh hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng ngày càng tinh vi, phức tạp, gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong quá trình thực hiện kiểm tra, giám sát.
Theo ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cùng với trách nhiệm thanh tra, kiểm tra và giám sát việc tuân thủ các quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, xử lý vi phạm, thành phố sẽ tập trung vào giáo dục, tuyên truyền đối với người sản xuất, kinh doanh từ khâu xác định nguồn nguyên liệu, sử dụng phụ gia, bảo quản trong quá trình lưu thông, đến công bố tiêu chuẩn chất lượng.
Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cũng nhìn nhận, việc mua bán thực phẩm Online trên các website, ứng dụng thương mại điện tử và các mạng xã hội tiềm ẩn một số rủi ro, nhiều đối tượng lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh thực phẩm kém chất lượng, thực phẩm giả, hàm lượng chất dinh dưỡng thấp hơn tiêu chuẩn công bố. Hoặc các sản phẩm có thành phần các chất không đúng theo tiêu chuẩn quy định, không nằm trong giới hạn cho phép…
Do đó, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi mua sắm trực tuyến, Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số khuyến cáo người tiêu dùng chỉ nên mua hàng tại những website đã đăng ký hoặc thông báo với Bộ Công Thương. Trong trường hợp mua hàng qua các mạng xã hội, người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ thông tin người bán, chất lượng thực phẩm…
Mặt khác,người tiêu dùng cũng nên chú ý vấn đề đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm ở khâu vận chuyển. Thực tế cho thấy trong các thành phố lớn như Hà Nội hiện nay, hình thức giao hàng chủ yếu bằng vận chuyển xe máy, không đảm bảo được môi trường nhiệt độ cho thực phẩm. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngộ độc thực phẩm.