Theo giới chuyên gia, lời giải tối ưu nhất cho bài toán an ninh năng lượng nằm ở “năng lượng tái tạo”.
Năng lượng tái tạo được coi là giải pháp cho nguy cơ thiếu điện cũng như cho sự tăng trưởng bền vững, tăng trưởng xanh, khi mà nhiệt điện dù rẻ và dồi dào hơn song lại gây ra nhiều hệ lụy cho môi trường.
Càng ngày bài toán an ninh năng lượng càng được đặt ra bức thiết. Không chỉ bởi nguy cơ thiếu hụt điện năng, mà quan trọng hơn, vấn đề về phát triển bền vững mới là yếu tố cần phải được chú trọng hơn cả.
Theo cảnh báo của giới chuyên gia ngành điện, trong vòng 15 năm tới, mức tăng trưởng điện năng thương mại liên tục tăng cao và dự kiến sẽ còn tiếp tục tăng nhanh và mạnh nên Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức rất lớn về nhu cầu năng lượng.
Thủy điện nhỏ vốn được đánh giá là dạng năng lượng tái tạo khả thi về mặt kinh tế - tài chính, ít tác động tiêu cực đến môi trường, góp phần quan trọng vào giải quyết vấn đề điện khí hóa nông thôn, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn tại các quốc gia đang phát triển.
Việt Nam hiện có trên 1.000 địa điểm được xác định có tiềm năng phát triển thủy điện nhỏ, quy mô từ 100 kW tới 30 MW, với tổng công suất đạt trên 7.000 MW (đứng đầu các nước ASEAN), tập trung chủ yếu ở vùng núi phía Bắc, Nam Trung bộ và Tây Nguyên.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tác động của biến đổi khí hậu dẫn đến khô hạn, hồ thuỷ điện thiếu nước để sản xuất hay một số dự án điện theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh bị chậm tiến độ so với yêu cầu đặt ra…
Bên cạnh đó, Bộ Công thương cũng cho biết, sẽ hạn chế các dự án thủy điện nhỏ và kiên quyết loại khỏi quy hoạch những dự án thủy điện siêu nhỏ dưới 30MW, cho thấy, thủy điện cũng không phải là loại hình có thể là lời giải cho bài toán an ninh năng lượng quốc gia.
Nhiệt điện đã từng là một trong những giải pháp cho bài toán này. Với lợi thế giá rẻ hơn so với các loại hình năng lượng tái tạo khác, nhiệt điện đã được nhà quản lý đưa vào Quy hoạch điện VII với tỷ lệ khá lớn.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các quốc gia đã không còn ưu tiên phát triển nhiệt điện bởi những nguy cơ mà loại hình năng lượng này có thể gây ra cho môi trường. Thời gian qua, xác định được những bất cập mà các nhà máy nhiệt điện than có thể gây ra đối với môi trường, những điều chỉnh đã được đưa ra trong Quy hoạch điện VII.
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, khi triển khai sơ đồ điện VII hiệu chỉnh, nhiều địa phương đã đề nghị không tiếp tục thực hiện các dự án điện than “do những nhu cầu và yêu cầu khác nhau trong giai đoạn phát triển”. Một số dự án điện than và nhiệt điện khác đã và đang bị chậm tiến độ khi không còn được hưởng các cơ chế như bảo lãnh của Chính phủ hay những cơ chế ưu đãi đặc biệt.
Những động thái trên cho thấy, nhà quản lý đã hướng đến sự phát triển các nguồn năng lượng tái tạo thay vì nhiệt điện than để đảm bảo sự tăng trưởng xanh, bền vững. Cũng theo người đứng đầu ngành Công thương, thời gian qua, hàng loạt dự án đã bị chậm tiến độ, thậm chí có những dự án mắc nhiều sai phạm trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện, như điện Thái Bình 2, ảnh hưởng rất lớn đến cơ cấu của nguồn điện cũng như đảm bảo cân đối cung, cầu điện.
“Và dựa trên tình hình thực tế, các hình thức năng lượng tái tạo mới được bổ sung để đảm bảo yêu cầu phát triển của đất nước. Điều này cũng là lý do liên tục trong thời gian qua, Chính phủ đã có các biện pháp để bổ sung các quy hoạch điều chỉnh về năng lượng, trong đó cho phép phát triển các năng lượng tái tạo để đảm bảo cân đối cung, cầu điện” - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết đồng thời khẳng định rằng, chắc chắn tới đây, những nguồn năng lượng mới, năng lượng có tiềm năng và năng lượng sạch, năng lượng có điều kiện để phát triển khai thác có hiệu quả ở Việt Nam sẽ được quan tâm.
Phát triển các nguồn năng lượng tái tạo là xu hướng tất yếu, tuy nhiên, thời gian qua, sự phát triển quá nhanh, quá nóng của hàng loạt các dự án điện mặt trời tại một số địa phương trên cả nước dẫn đến sự quá tải về công suất truyền tải... cũng đang đặt ra những yêu cầu về phát triển cơ sở hạ tầng cũng như hàng loạt các cơ chế, chính sách khác liên quan đến bài toán an ninh năng lượng mà nhà quản lý cần phải quan tâm trong thời gian tới.