Dịch Covid-19 vẫn đang có nhiều diễn biến phức tạp, mặc dù đã có lộ trình tiêm vaccine nhưng nếu người dân lơ là công tác phòng dịch, chẳng hạn như không đeo khẩu trang nơi công cộng thì sẽ dẫn đến hậu quả vô cùng nghiệm trọng.
Thời gian qua, đã có rất nhiều trường hợp người dân bị lực lượng chức năng xử phạt nặng do không đeo khẩu trang. Bên cạnh việc xử phạt tại chỗ, những người không đeo khẩu trang cũng có thể bị "phạt nguội" nếu không chấp hành quy định chống dịch. Cụ thể, cơ quan chức năng xử phạt có thể làm việc kiểm tra phát hiện trực tiếp; hoặc "phạt nguội" qua thông tin hình ảnh trong quá trình thực hiện các hoạt động nghiệp vụ hoặc do quần chúng nhân dân cung cấp.
Căn cứ theo điểm a khoản 1 điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, mọi vi phạm hành chính phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và phải bị xử lý nghiêm minh, mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật. Khoản 1 điều 3 Luật này cũng nêu rõ, người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm chứng minh vi phạm hành chính; cá nhân, tổ chức bị xử phạt có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp chứng minh mình không vi phạm hành chính.
Như vậy, trường hợp người dân không đeo khẩu trang nơi công cộng để phòng, chống Covid-19 theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thì người có thẩm quyền xử phạt vẫn được phép "phạt nguội" dựa vào video, hình ảnh... do chính mình hay nhân dân cung cấp.
Lưu ý, theo điểm c khoản 1 điều 65, nếu hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính (trong trường hợp này là tối đa một năm) hoặc hết thời hạn ra quyết định xử phạt thì không được ra quyết định xử phạt.
Theo luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), việc không đeo khẩu trang nơi công cộng trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay là rất nguy hiểm, có nguy cơ lây lan dịch bệnh ra cộng đồng. Bởi vậy các địa phương có thể căn cứ vào quy định tại Nghị định 117 để tiến hành xử phạt hành chính đối với những trường hợp không đeo khẩu trang.
Pháp luật không quy định là phạt nguội hay phạt nóng đối với các hành vi vi phạm quy định về phòng chống dịch bệnh Covid-19 (không đeo khẩu trang nơi công cộng). Song, căn cứ để cơ quan chức năng xử phạt có thể làm việc kiểm tra phát hiện trực tiếp; hoặc "phạt nguội" qua thông tin hình ảnh trong quá trình thực hiện các hoạt động nghiệp vụ hoặc do quần chúng nhân dân cung cấp.
Việc xử lý vi phạm hành chính dựa trên các chứng cứ là hình ảnh thì cần phải thận trọng xác minh làm rõ hình ảnh đó được ghi, được chụp ở thời điểm nào. Bởi việc phòng chống dịch bệnh Covid-19 kéo dài và mỗi địa phương, mỗi thời điểm lại có những quy định khác nhau.
Tại thời điểm mà địa phương quy định bắt buộc phải thực hiện các biện pháp bảo vệ cá nhân trong đó có đeo khẩu trang nơi công cộng mà cá nhân không chấp hành thì lúc đó mới có cơ sở để xử phạt.
Còn các hình ảnh trên tivi, mạng xã hội về việc nhiều người không đeo khẩu trang nơi công cộng thì phải làm rõ là những hình ảnh đó thực hiện thời điểm nào, có vi phạm pháp luật hay không thì mới xử lý.
Việc xử lý phải hướng đến mục đích là đảm bảo an toàn cho cộng đồng, là một hoạt động tuyên truyền, giáo dục tránh trường hợp xử lý thiếu căn cứ, dẫn đến khiếu kiện, gây bức xúc trong dư luận.
Theo Nghị định 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế sẽ tăng mạnh mức xử phạt đối với hành vi không đeo khẩu trang nơi công cộng khi có yêu cầu để phòng dịch từ ngày 15/11/2020.
Cụ thể, tại điểm a khoản 1 Điều 12 Nghị định 117/2020/NĐ-CP, quy định phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế.