An sinh xã hội cho lao động phi chính thức: Cửa mở… nhưng khó vào - Bài 2: Cửa nào cho lao động phi chính thức?

Lan Hương 25/06/2015 14:09

Nhằm tạo sự bình đẳng về quyền tiếp cận dịch vụ ASXH giữa các đối tượng, Luật BHXH sửa đổi năm 2014 đã có những quy định tiến bộ về BHXH tự nguyện, tạo cơ hội cho người lao động (NLĐ) với thu nhập bấp bênh, nguy cơ rủi ro cao tham gia.

Bao giờ nông dân mới thực sự được tham gia BHXH?

Cơ hội cho lao động phi chính thức

Một trong điểm đáng chú ý của Luật BHXH là đã mở rộng đối tượng tham gia theo hướng không khống chế tuổi trần; hạ mức sàn thu nhập làm căn cứ đóng; đa dạng các phương thức đóng và đặc biệt quy định về việc Nhà nước hỗ trợ, tạo điều kiện cho NLĐ tham gia bảo hiểm tự nguyện.

Để quy định này đi vào đời sống, Bộ LĐTB&XH đang xây dựng chính sách hỗ trợ NLĐ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện. Chính sách này được kỳ vọng sẽ tạo nên những sự thay đổi tích cực trong việc thu hút người lao động trong khu vực nông nghiệp, lao động tự do tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Theo bà Trần Thị Thúy Nga, Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐTB&XH), để tạo điều kiện cho lao động phi chính thức tham gia BHXH, Bộ đã đề xuất hai phương án là Nhà nước hỗ trợ tiền đóng BHXH cho tất cả người tham gia BHXH tự nguyện hoặc chỉ hỗ trợ cho người lao động ở khu vực nông thôn.Về thời gian hỗ trợ và mức hỗ trợ, Bộ cũng đưa ra hai phương án: Hỗ trợ 10 năm đầu tham gia BHXH tự nguyện (5 năm đầu là 50% mức đóng tối thiểu, 5 năm tiếp theo là 30%) hoặc hỗ trợ 30% mức đóng tối thiểu toàn bộ thời gian.

Mặc dù mới chỉ đang trong giai đoạn lấy ý kiến, song đề xuất trên của Bộ LĐTB&XH nhận được khá nhiều ý kiến ủng hộ, đồng thuận. Bởi lao động phi chính thức phần lớn là lao động có công việc mùa vụ không ổn định, tuổi lao động cũng là thời điểm phải lo toan cho gia đình, con cái nên bỏ ra một khoản tiền đóng để đóng BHXH tự nguyện là điều mà nhiều người lao động không hề nghĩ đến và cũng là việc vô cùng khó khăn nếu không có sự trợ giúp của Nhà nước.

Bên cạnh việc hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện, bà Trần Thị Thúy Nga cho biết, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 cũng đã tập trung nhiều nội dung nhằm mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện như: Bỏ khống chế tuổi trần lao động không được tham gia, mức đóng thấp nhất cũng giảm từ 22% của tiền lương cơ sở xuống còn 22% của chuẩn nghèo để phù hợp với lao động thu nhập thấp, phương thức đóng linh hoạt hơn trước đây theo tháng hoặc quý đã mở rộng ra đóng một năm một lần hoặc một lần cho nhiều năm.

Cần sự nỗ lực của toàn xã hội

Mặc dù có rất nhiều quy định “mở”, có lợi cho NLĐ, song có một thực tế là đưa những quy định trên vào đời sống không dễ. Thống kê của Bộ LĐTB&XH về thực trạng triển khai chính sách BHXH tự nguyện từ năm 2008 đến nay cho thấy, số người tham gia vẫn còn thấp, tính đến hết năm 2014, số người tham gia BHXH tự nguyện mới chỉ đạt 196.254 người, chỉ chiếm 0,45% so với số người thuộc diện tham gia BHXH tự nguyện, tốc độ gia tăng đối tượng bình quân năm giai đoạn 2010- 2014 chỉ đạt 39,4%. Đáng chú ý, trong số hơn 190.000 người tham gia BHXH tự nguyện có tới 70% là nhóm đã tham gia BHXH bắt buộc, còn ít thời gian hưởng lương hưu thì tham gia tiếp BHXH tự nguyện để đủ điều kiện hưởng lương hưu, còn lao động nông dân, người tự tạo việc làm tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện lại rất ít.

Những con số trên cho thấy, những thách thức đối với chính sách BHYT toàn dân nói riêng cũng như tạo sự bình đẳng về ASXH nói chung đang gặp rất nhiều thách thức.

Theo bà Thu Giang, người tham gia BHXH tự nguyện phải trích một phần thu nhập hàng tháng để đóng bảo hiểm với các mức khác nhau và họ cũng phải tham gia đủ 20 năm mới được hưởng lương hưu hàng tháng. Quy định này đôi khi bị xem như một rào cản, giảm đi tính hấp dẫn của dịch vụ này. Chính vì vậy, sự hỗ trợ một phần của Nhà nước sẽ tạo nên những sự thay đổi tích cực trong việc thu hút người lao động trong khu vực nông nghiệp, lao động tự do tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Làm thế nào để những quy định mới của Luật BHXH đến với người dân cũng là trăn trở của Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Minh Huân. “Vì sao một hình thức bảo hiểm ưu việt hơn, nhiều người mong muốn tham gia lại có độ bao phủ thấp như vậy? Hạn chế đến từ kinh tế một phần nhưng trong đó lớn hơn cả là do công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về BHXH tự nguyện chưa đến được với NLĐ trong khu vực nông thôn, khu vực phi chính thức. Thậm chí, NLĐ nếu có biết thông tin về hình thức bảo hiểm này, nhưng đến đâu để đăng ký, các thủ tục thực hiện như thế nào, mức đóng tiền ra sao... lại không được hướng dẫn” – Thứ trưởng Phạm Minh Huân nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    An sinh xã hội cho lao động phi chính thức: Cửa mở… nhưng khó vào - Bài 2: Cửa nào cho lao động phi chính thức?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO