Không còn tâm lý băn khoăn như những năm trước, hiện nay hầu hết các trường ĐH, gồm cả các trường ĐH lớn, danh tiếng ở khu vực phía Nam đều đã chọn phương thức xét tuyển bằng học bạ để tuyển sinh.
Đặc biệt, việc tuyển chọn bằng học bạ cũng khá đa dạng, với nhiều hình thức như tổ hợp điểm 3 năm (lớp 10,11,12) hay tổ hợp điểm 3 môn trong lớp 12, tổ hợp kết hợp các môn học, năm học… Việc thay đổi các tổ hợp, các môn hay từng năm học giúp các trường chủ động, có điều kiện sàng lọc và lựa chọn thí sinh tốt hơn, dù không cần một kỳ thi chính thức.
Trước khi kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT, hàng chục trường ĐH ở khu vực phía Nam đã công bố danh sách điểm chuẩn của từng khối ngành nghề cho hình thức xét tuyển này. Với chỉ tiêu từ 20 đến 50% tổng chỉ tiêu, đã có hàng chục ngàn thí sinh biết chắc chắn mình đậu đại học trước khi thi tốt nghiệp THPT. Hầu hết các thí sinh chỉ đợi kết quả với mục đích xét tốt nghiệp.
Nhiều năm qua, tỷ lệ đậu tốt nghiệp THPT luôn rất cao, thường ở ngưỡng từ 95 tới 97%. Theo đại diện một trường ĐH trên địa bàn TP HCM, do đặc thù kỳ tuyển sinh năm 2020 diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến nhiều trường đã có một thời gian ngắn ở thế bị động, phải chờ đợi tin tức từ các quyết định của cơ quan chủ quản. Vì vậy, cộng với việc chất lượng đào tạo ở các trường THPT đã có nhiều thay đổi, các trường ĐH đã đưa ra nhiều phương án tuyển sinh bằng điểm học bạ.
Ngoài điểm các môn chính thức thì điểm một số môn phụ, điểm các năm lớp 10 hay lớp 11 cũng được xét tới. Điều này đảm bảo thí sinh có quá trình học xuyên suốt. Ngoài ra, mức điểm chuẩn đậu ĐH ở hình thức xét điểm học bạ cũng có sự thay đổi, nhiều trường ở mức rất cao tới 20 tới 28 điểm/3 tổ hợp. Thay vì là phương án “vớt vát” tuyển sinh như những năm trước thì năm 2020 này, hầu hết các thí sinh có học lực cao đã nộp hồ sơ tuyển sinh bằng điểm học bạ. Chính vì nguồn tuyển sinh dồi dào nên điểm chuẩn ở nhiều trường cũng ở mức cao.
Trong khi đó, theo một chuyên gia giáo dục, lâu nay tuyển sinh ĐH vẫn thường được quyết định bằng một kỳ thi. Việc thí sinh không phải thi mà có thể đậu ĐH, nhất là các ĐH danh tiếng thường rất hiếm hoi. Tuy nhiên hiện nay, dù không thi nhưng nhiều trường ĐH đưa ra các tổ hợp xét tuyển bằng học bạ THPT rất chi tiết, đa dạng khiến tỷ lệ thí sinh học lực kém mà điểm học bạ ở nhiều môn đồng loạt giỏi là rất khó. Có thể trong những năm tới, nếu chất lượng giáo dục THPT được cải thiện thì mô hình tuyển sinh ĐH không phải thi sẽ được mở rộng. Hoặc ít nhất, các trường ĐH sẽ an tâm tuyển sinh mà không cần quan tâm quá nhiều tới kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT.