An toàn cho người bệnh và trách nhiệm nghề nghiệp

Xuân Thủy 29/07/2019 14:24

Vừa qua, vụ việc bé sơ sinh tử vong tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) với vết thương dài trên cổ cùng trường hợp một sản phụ tử vong tại Trung tâm Y tế huyện Lục Yên (Yên Bái) đã khiến dư luận bàng hoàng vì mức độ nghiêm trọng và hậu quả nặng nề mà người bệnh cũng như thân nhân gia đình họ phải gánh chịu. Vậy người bệnh có an toàn khi vào bệnh viện? Trách nhiệm của bác sĩ ở đâu khi sự cố xảy ra? – điều đó đã và đang là thắc mắc của không ít người dân.

An toàn cho người bệnh và trách nhiệm nghề nghiệp

Những cái chết thương tâm...

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Tĩnh gửi Bộ Y tế ngày 2/7, sản phụ Nguyễn Thị Tình - mang thai lần thứ 5, thai nhi được 35 tuần tuổi - vào BVĐK huyện Đức Thọ vì đau bụng và có dấu hiệu chuyển dạ. Khi vào viện, sản phụ tỉnh táo, thể trạng trung bình, sau đó được các bác sĩ theo dõi chuyển dạ và cơn co tử cung. Đến 18 giờ 35 phút ngày 30/6, tim thai âm tính; cơn co tử cung tần số 5/50 giây; cổ tử cung mở hết; ối vỡ, nước ối có màu xanh; đầu lọt, nữ hộ sinh tiến hành đỡ đẻ ngôi đầy nhưng thế không xoay; ngay sau đó, báo cáo trực lãnh đạo và bác sĩ chuyên khoa sản trực thường trú đến để xử lý. BS Nguyễn Minh Đức -Trưởng khoa sản - đã tiến hành các thao tác đỡ đẻ ngôi đầu, tuy nhiên, trong quá trình tiến hành đỡ đẻ, khi BS Đức mới kéo nhẹ thì phần đầu của bé sơ sinh bị đứt lìa. Sau đó, các BS tiến hành thao tác lấy phần thân, quan sát mắt thường thấy phần da đầu có nốt phỏng nước, bị trợt da, các phần chi tím; da bụng, da bìu bị trợt. Kíp trực đã tiến hành khâu phần đầu và thân, chụp ảnh thai nhi và thông báo, giải thích cho chồng của sản phụ.

Đáng chú ý, khi hình ảnh được tham vấn, các chuyên gia sản khoa đã nhận định thai chết lưu trên 7 ngày.

Được biết, sau khi sự việc xảy ra, kíp trực đã kịp thời động viên sản phụ, giải thích cho người chồng cũng như gia đình; tiến hành công tác tử thi và bàn giao tử thi thai nhi cho người nhà đưa về quê mai táng. BVĐK huyện Đức Thọ đã họp hội đồng chuyên môn và kíp trực để có đánh giá ban đầu về vụ việc; tiến hành niêm phong hồ sơ bệnh án của sản phụ Nguyễn Thị Tình, tạm đình chỉ công tác đối với kíp trực. Đặc biệt, báo cáo của Sở Y tế Hà Tĩnh đã nêu rõ: Việc thăm khám, theo dõi, chăm sóc của kíp trực không đúng theo quy trình của Bộ Y tế dẫn đến việc không phát hiện thai chết lưu trước khi sản phụ nhập viện.

Tính đến thời điểm hiện tại, có thể thấy mặc dù đã có báo cáo của Sở Y tế về vụ việc và các cơ quan chức năng đang tích cực điều tra làm rõ, nhưng sự mất mát và nỗi đau vô hạn - cháu bé ra đời với một vết thương dài trên cổ - có lẽ sẽ trở thành nỗi ám ảnh đối với gia đình của cháu bé.

Dư luận xã hội vẫn chưa hết bàng hoàng với vụ việc kể trên, thì trường hợp một sản phụ tử vong tại Trung tâm Y tế huyện Lục Yên (Yên Bái) lại một lần nữa khiến dư luận dậy sóng.

Sản phụ Trần Thị Bích Lai, 28 tuổi, đến sinh con tại Trung tâm Y tế huyện Lục Yên (Yên Bái) vào chiều ngày 28/6/2019. Khi nhập viện, sản phụ đã làm các xét nghiệm nghiên cứu cơ bản, được hội chẩn, thống nhất chẩn đoán: thai 39 tuần, ngôi đầu, chuyển dạ đẻ, có sẹo mổ cũ lấy thai do xương chậu hẹp. Hướng xử trí là lấy thai bằng phương pháp mổ gây tê tuỷ sống. Tuy nhiên, sau khi mổ được 1 giờ, sản phụ xuất hiện triệu chứng khó thở, kêu nghẹn cổ và nôn ra một ít bọt màu hồng, chân tay tê. Sau đó, BS kiểm tra, các chỉ số sinh tồn của sản phụ đều giảm (huyết áp 90/40, mạch nhanh trên 100 lần). Trước tình hình đó, Trung tâm Y tế huyện Lục Yên đã cấp cứu và hội chẩn ngay tại phòng mổ. Các BS đã tiến hành cấp cứu theo phác đồ quy định, đồng thời, khi thấy các chỉ số sinh tồn cho phép thì cho chuyển lên tuyến trên. Ngay sau khi đến BVĐK tỉnh, sản phụ được đưa vào cấp cứu tích cực theo phác đồ, nhưng không có hiệu quả. Sản phụ được chẩn đoán đã tử vong ngoại viện trên đường đưa đi cấp cứu.

Ngay sau khi sự việc xảy ra, Bộ Y tế đã chỉ đạo Sở Y tế Yên Bái yêu cầu Trung tâm Y tế huyện Lục Yên rà soát lại việc tuân thủ các quy trình chuyên môn kỹ thuật trong việc theo dõi, chăm sóc và xử trí các tai biến sản khoa trong và ngay sau đẻ.

Quy trình chuyên môn còn nhiều “lỗ hổng”?

Từ 2 vụ việc ở huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) và ở huyện Lục Yên (Yên Bái) có thể thấy: chưa tuân thủ quy trình chuyên môn trong quá trình tiếp nhận, khám, chữa bệnh cho bệnh nhân là nguyên nhân cơ bản.

Thực tế cho thấy, rất nhiều “lỗ hổng” có thể dẫn đến tai biến và sự cố y khoa. Từ không tuân thủ thực hiện các kỹ thuật, thủ thuật đến thực hiện quy trình khám, chữa bệnh không đúng theo quy định… đều là nguyên nhân dẫn đến những vụ việc đau lòng và gây ra sự cố nghiêm trọng. Bên cạnh đó, thiếu nhân lực chuyên môn y khoa cũng là một nguyên nhân quan trọng khiến “lỗ hổng” đã có từ lâu đến nay ngày một lan rộng.

Thống kê chung về nhân lực ngành Y tế cho thấy, hiện cả nước có khoảng 345.000 nhân viên y tế, trong đó, số lượng BS là trên 55.000 người, tương ứng với tỷ lệ 7,2 BS/ 1 vạn dân; y tá và hộ lý là 105.000 người, tương ứng với tỷ lệ 13 y tá, hộ lý/ 1 vạn dân. Tuy nhiên, hiện số cán bộ y tế có trình độ cao đẳng, trung cấp chiếm tới trên 1/2 tổng số cán bộ; có trình độ đại học chỉ chiếm khoảng 1/3 và có trình độ thạc sĩ trở lên chỉ chiếm khoảng 10%. Ngoài ra, tại vùng sâu, vùng xa, ở các bệnh viện tuyến dưới và trạm y tế địa phương, tình trạng thiếu nguồn nhân lực y tế có trình độ, chuyên môn đang ở mức trầm trọng.

Để giải quyết triệt để vấn đề này, Bộ Y tế đã phối hợp với Liên minh Châu Âu và Ngân hàng Thế giới mở rộng việc đào tạo nhân lực cho tuyến y tế các tỉnh khó khăn thông qua “Dự án giáo dục và đào tạo chăm sóc sức khoẻ ban đầu theo nguyên lý y học gia đình để phục vụ cải cách hệ thống y tế” (HPET) để quản lý các bệnh không lây nhiễm tại cộng đồng như huyết áp, tiểu đường và thực hiện lập hồ sơ quản lý sức khoẻ cho người dân.

PGS-TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết: Đến hết quý I năm 2019 sẽ hoàn thành cơ bản việc bổ sung cán bộ và cấp trang thiết bị y tế cho 26 trạm y tế xã điểm, trạm y tế ở các tỉnh, thành phố lớn, đồng thời, sẽ tiếp tục thực hiện các chiến lược tăng cường đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, luân phiên cán bộ từ tuyến trên xuống và ngược lại; xây dựng quy trình chuyên môn, hướng dẫn điều trị; đào tạo theo địa chỉ để bổ sung nhân lực cho y tế cơ sở vùng khó khăn.

Nỗ lực đảm bảo an toàn cho người bệnh

Thứ trưởng Bộ Y tế GS-TS Nguyễn Viết Tiến khẳng định: An toàn cho người bệnh nói chung và an toàn phẫu thuật là vô cùng cần thiết, quyết định chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh. Người bệnh chỉ có thể tin tưởng vào cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khi được chăm sóc, điều trị an toàn, không gây nguy hại cho người bệnh. Theo ông, trong thực tế đã có trường hợp bệnh nhân đau chân phải, bị mổ chân trái, bệnh lý phổi phải, xử lý bệnh ở phổi trái, thậm chí có trường hợp nhầm giữa bệnh nhân này sang bệnh nhân nọ… Điều này không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà ngay cả ở Mỹ cũng có những nhầm lẫn như vậy xảy ra. Vì vậy, vấn đề đặt ra là làm sao giảm bớt được những sự cố này và “tất nhiên không thể đòi hỏi con số tuyệt đối là tiệm cận đến zero vì trên thực tế không một ngành Y tế của nước nào dám khẳng định điều này”. Các nhà nghiên cứu đã đưa ra tỷ lệ mất an toàn trong y khoa có thể chiếm từ 6–18% số lượt điều trị nội trú và chiếm tới 10% nguyên nhân gây tử vong bệnh viện. Tại Úc, chỉ tính riêng tổn thất do mất an toàn trong sử dụng thuốc đã lên tới 1,2 tỷ đô-la Úc.

Để đảm bảo an toàn cho người bệnh và an toàn phẫu thuật, trong những năm qua, Cục Quản lý khám, chữa bệnh đã tham mưu tích cực cho lãnh đạo Bộ để đổi mới phương thức quản lý, phương thức đánh giá chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh. Thiết lập hệ thống quản lý chất lượng tại các cơ sở khám, chữa bệnh và sự ra đời của bộ tiêu chí đánh giá chất lượng với 83 tiêu chí đến nay đã khẳng định ý nghĩa thiết thực trong việc đo lường, định hướng và góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh mang lại lợi ích cho bệnh viện, nhân viên y tế, người bệnh và cộng đồng. Bên cạnh đó, Cục Quản lý khám, chữa bệnh cũng đã tham mưu xây dựng và ban hành được trên 6.389 quy trình kỹ thuật mới, kỹ thuật thường quy của các chuyên ngành như ngoại khoa, nhi khoa, phẫu thuật nội soi, gây mê hồi sức… và trên 1.000 hướng dẫn chẩn đoán điều trị, góp phần tích cực để nâng cao chất lượng dịch vụ và bảo đảm an toàn người bệnh.
Rõ ràng: An toàn, đặc biệt là an toàn đối với người bệnh, không chỉ là yêu cầu trong quá trình khám, chữa bệnh mà còn là trách nhiệm của người thầy thuốc. Thông qua hai vụ việc đau lòng kể trên, mặc dù các cơ quan chuyên môn đã có kết luận, phân định rõ đúng, sai, trách nhiệm của từng cá nhân, tập thể có liên quan, nhưng có thể nhận thấy các bác sĩ đã và đang gánh trên vai nhiệm vụ cao cả của người thầy thuốc và trách nhiệm không thể chối từ đối với người bệnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    An toàn cho người bệnh và trách nhiệm nghề nghiệp