Vụ việc sập sàn phòng học tại trường THCS & THPT Đống Đa, TP Đà Lạt (Lâm Đồng) khiến 10 học sinh bị thương một lần nữa khiến dư luận không khỏi lo lắng về sự an toàn của trẻ tại trường học - nơi các em trải qua phần lớn thời gian trong một ngày.
Câu hỏi đặt ra là tại sao phòng học được xây dựng lâu đời, cũ kỹ, nhà trường đã báo cáo địa phương, đề nghị sớm có phương án cải tạo sửa chữa nhưng lại chưa được thực hiện? Trên cả nước còn bao nhiêu phòng học thiếu kiên cố, có nguy cơ gây mất an toàn cho trẻ?
Hiện trường vụ sập sàn phòng học tại Trường THCS & THPT Đống Đa, TP Đà Lạt (Lâm Đồng).
Tỷ lệ phòng học kiên cố/lớp của cả nước hiện đạt 0,68
Bộ GDĐT mới đây cho biết, hiện đối với cấp học mầm non và phổ thông, tỷ lệ lớp/phòng học bình quân chung cả nước là 1,11 lớp/phòng học, từng bước đáp ứng nhu cầu học 2 buổi/ngày. Tuy nhiên, tỷ lệ phòng học kiên cố/lớp khá thấp, chỉ đạt bình quân khoảng 0,68.
Thống kê trên cả nước cho thấy, hiện nay tỷ lệ phòng học kiên cố tại cấp mầm non là thấp nhất, chỉ 57,8% so với bậc tiểu học 68,7%, THCS là 85,7%, THPT 93,9%.
Một số địa phương có tỷ lệ phòng học kiên cố ở các cấp học thấp dưới 30% là Hà Giang (cấp Tiểu học là 25,3%, mầm non 31,3%), Tuyên Quang (mầm non 23,5%, tiểu học 26,9%), Kon Tum (mầm non 17,4%), Bình Phước (mầm non 28,9%), Hậu Giang (mầm non 28%), Sóc Trăng (mầm non 23,3%), Cà Mau (25,9%)…
Riêng tỉnh Lâm Đồng, nơi vừa xảy ra sự việc sập sàn phòng học có tỷ lệ phòng học kiên cố ở cấp mầm non là 49%, Tiểu học 63,5%, THCS 81,2%, THPT 95,2%.
Như vậy, có thể thấy còn rất nhiều địa phương trên cả nước có cơ sở vật chất, cụ thể là phòng học còn thiếu và chưa kiên cố.
Chưa kể đến trang thiết bị phục vụ dạy và học còn thiếu, lạc hậu, ở một số địa phương nguồn kinh phí đầu tư cho cơ sở vật chất trường, lớp còn hạn hẹp, đầu tư còn dàn trải, hiệu quả chưa cao như đánh giá của Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ GDĐT.
Một hạn chế khác là tại một số địa phương thực hiện việc rà soát các trang thiết bị dạy và học chưa tốt; chưa quan tâm đầu tư nguồn lực tương xứng để phát triển giáo dục và đào tạo của địa phương.
Các quy định liên quan đến việc bảo quản và sử dụng cơ sở vật chất và thiết bị dạy học trong các cơ sở giáo dục phổ thông còn thiếu, chưa đồng bộ. Một số cơ sở giáo dục sử dụng thiết bị chưa hiệu quả.
Việc chậm trễ xử lý khi có báo cáo từ phía nhà trường của lãnh đạo các cấp, điển hình như vụ việc xảy ra ở Lâm Đồng vừa qua khiến 10 học sinh bị thương là một lời cảnh tỉnh sâu sắc về công tác an toàn trong trường học cần được quan tâm sát sao, kịp thời hơn nữa để không còn những sự việc tương tự như vậy xảy ra.
Sớm rà soát hệ thống trường lớp
Một trong những giải pháp Bộ GDĐT đưa ra là toàn ngành thực hiện rà soát hệ thống trường lớp, xây dựng kế hoạch duy tu, bảo dưỡng, đảm bảo cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đối với các trường thực hiện dạy học 2 buổi/ngày.
Khảo sát, đánh giá và xây dựng chính sách, giải pháp, hướng dẫn huy động nguồn lực Trung ương, địa phương để phân bổ kinh phí hợp lý; đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, thu hút các nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước để khắc phục tình trạng trường, lớp học chưa được kiên cố hóa ở khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy, nghiên cứu khoa học; mở rộng quy mô lớp học để giảm sĩ số học sinh ở khu vực thành thị.
Bên cạnh đó tiếp tục thực hiện Đề án kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2014 - 2015, lộ trình đến năm 2020.
Tổ chức thực hiện Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
“Để đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình, sách giáo khoa, trong thời gian tới cần ưu tiên đầu tư xây dựng thêm phòng học”- Thứ trưởng Bộ GDĐT Phạm Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Trong đó, cần xác định thực trạng và nhu cầu về cơ sở vật chất và thiết bị dạy học cho từng địa phương, từng vùng miền; các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch tổng thể chuẩn bị cơ sở vật chất, thiết bị trường học đồng bộ với lộ trình đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.