Thời gian gần đây, các vụ ngộ độc thực phẩm liên quan tới an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) liên tiếp xảy ra chủ yếu tại các trường học, bếp ăn tập thể…Và cuối năm cũng là lúc các điểm nóng về VSATTP nổi lên do nhu cầu tiêu thụ, sử dụng thực phẩm của người dân ngày một gia tăng. Do đó, việc giám sát ATVSTP là yêu cầu vô cùng cần thiết.
Công tác kiểm tra, giám sát ATVSTP cần được làm quyết liệt hơn.
Siết quản lý, xử lý nghiêm vi phạm
Theo Chi cục ATVSTP Hà Nội, hiện nay, toàn thành phố có gần 14.000 cơ sở dịch vụ ăn uống và gần 6.000 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố. Đến nay, tại các quận, huyện, thị trấn đã có 99% số cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống ký cam kết với chính quyền địa phương bảo đảm ATVSTP. Tuy nhiên, vẫn còn khá nhiều cơ sở chưa thực hiện đầy đủ 10 tiêu chí ATTP.
Trong tháng 8 vừa qua, Nghị định 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ về VSATTP cũng đã được ban hành. Theo đó, việc giảm tối đa các thủ tục quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) là nội dung mới của Quy định tạo thông thoáng cho doanh nghiệp (DN), nhưng không buông lỏng quản lý; cho phép DN tự công bố sản phẩm, song vẫn phải chịu sự hậu kiểm của cơ quan chức năng.
Theo TS Nguyễn Nhật Đình Vũ - Viện Công nghệ thực phẩm, nếu chỉ xử phạt thông thường bằng văn bản thì chỉ cần chủ cơ sở thay đổi biển hiệu hoặc di chuyển địa điểm kinh doanh đi nơi khác là đã có thể tạo ra một cửa hàng thực phẩm bẩn mới, hoạt động bình thường. “Đối với những chủ cơ sở vi phạm quá 3 lần về an toàn thực phẩm thì cần cấm cấp giấy phép hoạt động kinh doanh thực phẩm từ 5 - 10 năm. Sau đó, nếu tiếp tục vi phạm thì cần cấm kinh doanh vĩnh viễn. Không nên dung túng cho người bán thực phẩm bẩn, hạn chế họ có cơ hội kinh doanh trong lĩnh vực thực phẩm”, TS Đình Vũ cho hay.
Để ngăn chặn thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, kém chất lượng PGS.TS Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, các đơn vị của Cục sẽ phối hợp với ban ngành liên quan trên cả nước đẩy mạnh thanh kiểm tra, ngăn chặn thực phẩm nhập lậu, thực phẩm kém chất lượng ngay tại cửa khẩu. Ngoài ra, công tác kiểm tra chất lượng, hậu kiểm đối với những cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến, cung cấp suất ăn sẽ được thực hiện triệt để, xử lý nghiêm đối với cơ sở sai phạm.
Được biết, trong 10 tháng qua, Cục An toàn thực phẩm cũng đã xử phạt các vi phạm liên quan đến lĩnh vực thực phẩm với số tiền hơn 6 tỉ đồng. Bên cạnh đó, Cục ra quyết định thu hồi hàng trăm giấy phép của các cơ sở, công ty sản xuất, kinh doanh thực phẩm có những sai phạm nghiêm trọng. Riêng tại Hà Nội, từ đầu năm 2018 đến nay, thành phố đã tiến hành gần 154.000 cuộc thanh, kiểm tra các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; phát hiện hàng nghìn cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm; xử lý hành chính hơn 14 tỉ đồng; buộc tiêu hủy hàng hóa vi phạm trị giá hơn 3 tỉ đồng.
Nỗ lực kiểm soát thức ăn đường phố
Từ đầu năm 2018 đến nay, Hà Nội triển khai thí điểm 8 tuyến phố dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố bảo đảm an toàn thực phẩm có kiểm soát ở 8 quận, huyện. Ngoài việc đáp ứng 10 tiêu chí an toàn thực phẩm về điều kiện cơ sở vật chất, các cơ sở kinh doanh còn phải niêm yết công khai biển “Nhà hàng, cửa hàng kiểm soát an toàn thực phẩm”, có bảng ghi công khai nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm để người tiêu dùng biết.
Đơn cử như quận Long Biên đã triển khai xây dựng “Tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát” tại 24 tuyến phố ở 13 phường, trong đó đã có 4 tuyến phố đạt và được công nhận là Tuyến phố an toàn thực phẩm. Theo đó, tiêu chí là một tuyến phố có ít nhất 20 cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố phải bảo đảm về cơ sở vật chất, đáp ứng các điều kiện về an toàn thực phẩm. Tuyến phố nào đáp ứng đầy đủ các tiêu chí này, được cơ quan chức năng của quận, phường thẩm định mới được công nhận và được gắn biển.
Tuy nhiên, để có thể triển khai thành công mô hình “Tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát”, đưa các hộ kinh doanh vào nền nếp cũng không phải việc dễ dàng. Chỉ vì lợi nhuận trước mắt, một bộ phận người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm chưa tự giác chấp hành quy định về an toàn thực phẩm và thiếu trách nhiệm với sức khỏe cộng đồng. Khu vực chế biến chưa bảo đảm vệ sinh, chưa thực hiện quy trình thực phẩm một chiều, bày bán thực phẩm trên vỉa hè, ngay cạnh rãnh thoát nước, diện tích kinh doanh chật hẹp, bán hàng chung với nơi sinh sống của gia đình…
Bên cạnh đó, sự vào cuộc của chính quyền địa phương chưa quyết liệt, kiểm tra và xử phạt vẫn chủ yếu là nhắc nhở, còn nặng về hình thức. Mặt khác, chính người tiêu dùng còn dễ dãi trong việc lựa chọn thực phẩm, không quan tâm đến nguồn gốc, xuất xứ.
Ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, trên cơ sở triển khai bước đầu thí điểm 8 tuyến phố dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố bảo đảm an toàn thực phẩm có kiểm soát ở 8 quận, huyện, thành phố sẽ quy hoạch thêm các tuyến phố tập trung dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố có kiểm soát, kiên quyết dẹp bỏ các cơ sở không bảo đảm an toàn thực phẩm.
Thời gian tới, các đoàn thanh tra, kiểm tra từ thành phố, đến các quận, huyện và xã, phường, thị trấn tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất tại nơi kinh doanh dịch vụ ăn uống, truy tận gốc, nếu phát hiện nguồn gốc thực phẩm không bảo đảm an toàn.
Việc xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là rất cần thiết, nhưng cùng với đó người dân cần phải nâng cao ý thức hơn nữa, xóa bỏ thói quen “bán gì cũng ăn” mà không cần biết đồ ăn sạch hay bẩn. Người dân cần trở thành những người tiêu dùng thông thái, biết lựa chọn nơi cung cấp an toàn và những loại thực phẩm an toàn, nói không với đồ ăn chất lượng kém… Có như vậy mới giúp tác động ngược trở lại người bán hàng, để người bán hàng “cung theo đúng nhu cầu”.