Tới nay, Gành Yến vẫn giữ nguyên vẹn vẻ hoang sơ. Ẩn dưới làn nước trong văn vắt là cả một vương quốc san hô nhiều màu sắc làm mê đắm lòng người. Chiều đến, du khách có thể chèo thúng ngắm chim yến bay về tổ…
Từ TP Quảng Ngãi, thẳng hướng QL1 ra ngã tư Bình Long - Dung Quất, sau đó theo đường Võ Văn Kiệt đi về hướng Đông chừng 10 km. Khi nào đến ngã ba Bình Hòa, theo bảng chỉ dẫn về TP Vạn Tường, men theo con đường sát biển là tới Gành Yến.
Điểm đến này thuộc thôn Lệ Thủy, xã Bình Hải nơi có làng bích hoạ 3D nổi tiếng.
Điều độc đáo là bờ biển nơi đây không phải là bãi cát phẳng lì mà được tạo thành từ đá cuội đen xen lẫn với đá san hô. Phía xa, từng lớp đá xếp chồng lên nhau, ngay ngắn, vuông vức tựa như có bàn tay thần kỳ sắp đặt.
Giáo sư người Nhật Bản Nakada- phó chủ tịch Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu, nhận xét các tiêu chí về di sản địa chất cũng như tài nguyên thiên nhiên ở đảo Lý Sơn, Bình Châu và Gành Yến đã hội đủ điều kiện đa dạng về loại hình, đặc biệt hiếm có. Trầm tích núi lửa tạo nên nhiều cảnh quan kỳ thú độc nhất vô nhị. Quảng Ngãi đang đứng trước cơ hội phát triển loại hình du lịch biển đảo gắn với di sản địa chất độc đáo ở Việt Nam.
Ở nơi hoang sơ và bình yên này du khách có thể thong thả ngồi ngắm trời mây biển cả, nhìn những đàn hải âu tung cánh bay trên không, phóng tầm mắt ra biển khơi mênh mông xa mờ, thoắt ẩn thoắt hiện những con tàu đánh cá chao theo từng cánh sóng.
Trên bãi đá cuội, vài người phụ nữ đang bắt ốc. Nước biển mát rượi, nhìn xuyên thấu từng con ốc, con cá nhỏ, rong biển…
Theo người dân địa phương, sở dĩ có tên gọi là Gành Yến bởi vì trong vịnh đá có nhiều hốc nhỏ là nơi trú ngụ của các loại chim như yến, én, sáo kể cả bồ câu.
Người dân từng bắt gặp cả rái cá trên gành đá. Đó cũng là nơi dân câu chuyên nghiệp khắp nơi trong vùng kể cả từ Hội An (Quảng Nam) vào buông câu. Cá, tôm, bạch tuộc, cá mú là những thứ lộc biển mà dân câu thu hoạch.
Đứng trên mũi đá cao ở Gành Yến, dõi mắt về phía xa, có thể thấy đảo Lý Sơn thấp thoáng. Gành Yến còn ít khách du lịch biết đến nên vẫn giữ nguyên những nét hoang sơ. Tới Gành Yến, đừng quên tìm hiểu về văn hóa, lịch sử của vùng đất anh hùng này như Lăng vạn Thanh Thủy thờ cá Ông, nghe kể về địa đạo Thanh Thủy; tham quan Bảo tàng Chiến thắng Vạn Tường ghi dấu ấn một thời hào hùng, trải nghiệm cùng đời sống người dân ven biển...
Đến đây, du khách thực sự ngạc nhiên với Bảo tàng Chiến thắng Vạn Tường dù chỉ có 125 hình ảnh và 40 hiện vật. Đặc biệt, bảo tàng được bổ sung thêm những mảnh vỡ xe tăng ở chiến hào Lộc Tự, quả bom, nắp xác xe tăng từ kho của Bảo tàng Tổng hợp tỉnh và bổ sung thêm trục cánh máy bay từ điểm di tích Phước Thiện về trưng bày trước khuôn viên bảo tàng, nhằm tăng thêm tính sống động của lịch sử.
Một bức tường của Làng bích họa.
Kể lại lịch sử trận Vạn Tường, anh Trương Ngọc Nam, hướng dẫn viên của Bảo tàng tự hào cho biết, ngày 18/8/1965 Trung đoàn 1 quân giải phóng Khu 5 cùng với Đại đội 21 bộ đội địa phương và dân quân khu Đông huyện Bình Sơn (chủ yếu là xã Bình Hòa và Bình Hải) đã anh dũng đánh bại cuộc càn quét lớn đầu tiên của hơn 8.000 lính thủy đánh bộ Mỹ, có không quân và hải quân yểm trợ.
Ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 919 tên địch, bắn cháy và bắn hỏng 22 xe cơ giới các loại cùng 13 máy bay của địch. Trận Vạn Tường mở đầu cao trào diệt quân viễn chinh Mỹ của quân và dân miền Nam.
Năm 1982, Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ VHTTDL) công nhận di tích chiến thắng Vạn Tường là di tích quốc gia.
Năm 2002, Bảo tàng Chiến thắng Vạn Tường được xây dựng nhằm gìn giữ và phát huy những hình ảnh, hiện vật về chiến thắng oai hùng của quân và dân ta, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng trong nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.
Tuy nhiên, để Bảo tàng Chiến thắng Vạn Tường hấp dẫn hơn đối với du khách cần có sự quan tâm đầu tư hơn nữa của địa phương.Có thể thấy, nếu được nâng cấp đồng bộ, Gành Yến chắc chắn sẽ là điểm đến ấn tượng cho du khách gần xa. Không cần đi xa, đến Gành Yến du khách đã có thể ngắm nhìn những thửa ruộng hành bậc thang đẹp mắt ở thôn Thanh Thủy.
Đặc biệt, ngư dân Bình Hải đánh bắt gần bờ đi về trong ngày nên du khách có thể hỏi mua những món hải sản tươi ngon...
Khi muốn thưởng thức hải sản, du khách hãy tìm tới những hàng quán nhỏ trong khu vực gành. Những mẹ, những chị làng biển thấy du khách đến tham quan đã tự xoay trở lập quán mưu sinh nên ở đây không hề có cảnh “chặt chém”.
Những món ăn dân dã của biển như mực luộc chấm mắm gừng, sò nướng, cháo tôm, cua hấp, đặc biệt là cá “giấu đầu lòi đuôi” thơm ngon chấm muối ớt với giá cả hết sức bình dân khiến du khách muốn một ngày trở lại.
Bà Huỳnh Thị Phương Hoa- phó giám đốc Sở VHTTDL Quảng Ngãi chia sẻ, Gành Yến là một điểm du lịch mới phát triển và thu hút khách chính nhờ cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, tuyệt đẹp với những trầm tích đá núi lửa. Chính quyền địa phương huyện Bình Sơn đã thực hiện một số hoạt động để khuyến khích du lịch phát triển như làm đường giao thông, vẽ tranh bích họa 3D, tranh phát sáng, vận động người dân làm dịch vụ. Đặc biệt việc vẽ tranh bích họa 3D, tranh phát sáng đã thu hút lượng lớn du khách, nhất là giới trẻ đến tham quan, check-in và selfie.
Mới đây, lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi đã thống nhất không đưa thắng cảnh Gành Yến vào dự án của Tập đoàn FLC nhằm bảo tồn nguyên vẹn giá trị để lập hồ sơ là một trong những thắng cảnh tuyệt tác cùng với nhiều danh lam Bình Châu - Lý Sơn và vùng phụ cận trình UNESCO xét công nhận là công viên địa chất toàn cầu.
Cùng với đó, cơ quan chức năng Quảng Ngãi đang quy hoạch khu vực thắng cảnh Gành Yến để bảo tồn, chỉnh trang và phát huy giá trị di sản thiên nhiên vừa đáp ứng nhu cầu tham quan của du khách vừa góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Đây quả là một tín hiệu đáng mừng.