Ai đã từng khám phá dải núi trùng điệp tít tắp của vùng đất Tây Bắc, có lẽ sẽ rất ấn tượng với Lũng Vân - nơi được ví như nóc nhà của đất Mường Bi.
Trong bốn xứ Mường (Mường Bi, Mường Thang, Mường Thàng, Mường Động), Lũng Vân nằm ở độ cao 1.200 mét cao nhất của Mường Bi, vùng đất cổ xưa gắn với truyền thuyết “Đẻ Đất, Đẻ Nước”, được bao bọc bởi các ngọn núi. Được gọi là “nóc nhà xứ Mường Bi”, bởi Lũng Vân là vùng đất sinh sống cao nhất của người dân tộc Mường. Còn tên gọi Mường Bi gắn với câu chuyện từ xa xưa, khi có trận đại hồng thuỷ, con người trôi dạt, sống sót nhờ vào một gốc cây Bi khổng lồ để khi nước rút, ở lại khai khẩn, làm ăn, sinh sôi nảy nở, tạo dựng cuộc sống ở vùng này.
Nằm cách trung tâm thành phố Hòa Bình khoảng 40km, Lũng Vân thuộc địa phận huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình. Nơi đây “nổi tiếng” với những dãy núi bạt ngàn mây bao phủ, và làm say đắm lòng người với những thửa ruộng bậc thang đẹp như tranh.
Về Lũng Vân đẹp nhất vào khoảng từ tháng 2 đến tháng 4, khi mà mây núi âm u, sương giăng lơ lửng những con dốc, uốn lượn quanh bản làng. Nơi đó cũng nổi tiếng với những con đường nhỏ nhưng dốc cao và vô cùng hiểm trở… Chính vì điều kiện thiên nhiên và địa hình đó nên Lũng Vân được coi là điểm đến lý tưởng của nhiều nhóm bạn trẻ, muốn trốn tránh sự ồn ào thành thị, tìm cho mình những giây phút trải nghiệm cuộc sống. Mây bắt đầu từ chiều tối và đến sáng sớm hôm sau tan dần, và quang hẳn khi nắng trưa buông xuống.
Đến Lũng Vân, du khách có thể tham quan, nghỉ đêm tại nhà sàn của người Mường, cùng làm những công việc hàng ngày với người dân và tham gia các sinh hoạt văn hóa cộng đồng… Khi trời quang mây tạnh, Lũng Vân cũng đẹp lạ thường. Bởi khi ấy, cảnh vật sẽ hiện rõ trong khuôn hình của người cầm máy. Những thửa ruộng bậc thang, màu vàng của nắng, màu trong xanh của mây trời hòa với màu xanh của núi rừng tạo nên một bức tranh với sắc màu vô cùng tuyệt đẹp.
Cuộc sống của người dân Lũng Vân qua bao đời vẫn lưu giữ những yếu tố làm nên bản sắc văn hoá của dân tộc Mường: Những thửa ruộng bậc thang theo nếp canh tác cổ; thiết chế xóm bản, những mái nhà sàn với nét kiến trúc riêng cho cuộc sống nhiều thế hệ; trang phục váy áo với những hoa văn đặc sắc; những lễ hội dân gian vang tiếng cồng, khèn lù và các điệu hát dân ca truyền thống, như hát thường đang (mừng nhà mới), hát bọ mẹng (giao duyên) và nhiều hình thức sinh hoạt cộng đồng khác.
Đường lên Lũng Vân phải đi qua Dốc Cun, con dốc với những vòng cua ngoằn ngèo và sườn dốc đứng cheo leo. Hai bên đường là thung lũng với những thửa ruộng bậc thang trùng điệp, dẫu không vào mùa lúa chín, vẫn đẹp say đắm lòng người. Ở đó có những người dân tộc Mường cần mẫn lao động cho một vụ mùa bội thu. Thỉnh thoảng gặp những người phụ nữ Mường, những đứa trẻ đi làm ruộng, thả trâu ven sườn dốc. Phải lên tận đỉnh Lũng Vân nhìn xuống mới thấy được sự bao la, mới thấy cả thung lũng mây đẹp huyền ảo giữa núi rừng…
Những năm gần đây, huyện Tân Lạc nói riêng và tỉnh Hòa Bình nói chung đã có những biện pháp phát triển du lịch ở xứ Mường này. Người ta ví Lũng Vân như một “người đẹp ngủ trong rừng” đang thức giấc. Dù cuộc sống đã có nhiều đổi thay, nhưng nét đẹp của bản làng ấy và những văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Mường vẫn luôn được người dân nơi đây gìn giữ và phát triển