Xòe Thái là một loại hình sinh hoạt văn hóa đóng vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của các cộng đồng người Thái ở khu vực miền núi Tây Bắc Việt Nam.
Nói đến dân tộc Thái là người ta nghĩ đến những biểu đạt văn hóa mang tính cộng đồng cao như xòe. Và nói đến xòe thì người ta biết đó là vũ điệu dân gian của người Thái ở Tây Bắc, tập trung ở các tỉnh Yên Bái, Điện Biên, Lai Châu và Sơn La...
Theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, xòe Thái được các cộng đồng người Thái gọi theo nhiều cách khác nhau như xe, xé, xóe, xòe, múa xòe, múa Then, mố... “Xòe” có nghĩa là các động tác múa mô phỏng hoạt động của con người trong cuộc sống, lao động, sản xuất, tuy đơn giản nhưng mang ý nghĩa biểu tượng cho một cuộc sống tốt đẹp và sự đoàn kết, cộng cảm...
Về cơ bản, xòe có ba loại chính: Xòe nghi lễ, xòe vòng và xòe biểu diễn. Các điệu xòe nghi lễ và xòe biểu diễn thường kết hợp với đạo cụ, vì thế được gọi theo tên các đạo cụ như xòe khăn, xòe nón, xòe quạt, xòe hoa... Xòe vòng là màn đồng diễn mà người xòe nối thành vòng tròn trong sự hòa đồng với tất cả mọi người, đây cũng là điệu xòe phổ biến nhất.
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Hiền - Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam: Động tác cơ bản của xòe là tay giơ lên cao, mở ra, hạ xuống, nắm lấy tay người bên cạnh rồi cùng bước chân nhịp nhàng, ngực hơi ưỡn, lưng ngả về phía sau. Các nhạc cụ tính tẩu, kèn loa, khèn bè, trống, chiêng, chũm choẹ, pí pặp, bẳng bu, mák hính... đệm theo nhịp chẵn 2/4, 4/4 trong những âm điệu đặc trưng của những quãng 2 trưởng, 3 trưởng, thứ, quãng 4,5 đúng. Những cử động uyển chuyển hòa với âm nhạc, bài hát, trang phục trong không gian nghi lễ Then thể hiện một hệ thống tín ngưỡng của người Thái; đồng thời các cuộc vui có xòe vòng còn thể hiện tính cởi mở, gắn kết, thân thiện của một loại hình nghệ thuật cộng đồng.
Cũng theo bà Hiền: Mỗi loại xòe có cách thể hiện riêng về con người, văn hóa Thái. Chẳng hạn, xòe vòng là một loại hình sôi nổi, vui tươi, có thể diễn ra ở mọi nơi, mọi lúc. Điều này nói lên rằng đối với xòe, nếu chỉ nhìn vào các động tác thì chưa đủ, cái hồn cốt và ý nghĩa xã hội mới là cái tạo nên giá trị đích thực của xoè. Với người Thái, không chỉ trong nghi lễ Kin Pang Then (mừng Then), mà trong nhiều lễ hội như Xên Cha, Xên Mường, Xên Bản, Xên Lẩu Nó, chỉ cần nghe tiếng trống xòe là người ta đã cùng nhau nắm tay nhau để hòa vào điệu múa. Đây chính những ý nghĩa xã hội thể hiện sự cởi mở, gắn kết của con người thông qua thực hành di sản, thể hiện giá trị cốt lõi của một di sản văn hóa phi vật thể.
Còn ở xòe nghi lễ, chúng ta thấy xòe không đơn giản là những động tác mà còn thể hiện tính nhân văn và sự giao hòa giữa con người với thế giới tự nhiên và thế giới vô hình, một đặc trưng của tín ngưỡng Thái tin vào Trời…
Đến nay, xòe Thái đã được sự quan tâm và phát triển thành một loại hình mang tính biểu diễn. Tại các tỉnh Tây Bắc, đã có nhiều Câu lạc bộ Xòe Thái ra đời. Theo số liệu thống kê, năm 2019 tỉnh Yên Bái có khoảng 180 đội; Điện Biên có 1.273 đội; Lai Châu hơn 100 đội và Sơn La khoảng 1.700 đội.
Có thể nói, cộng đồng người Thái ở Tây Bắc đã và đang tích cực bảo vệ, trao truyền, phát huy giá trị nghệ thuật xòe Thái trong các bối cảnh sinh hoạt lễ hội, nghi lễ, sự kiện văn hóa, đáp ứng các tiêu chí của UNESCO ghi danh di sản trong Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.