Cuộc đàm phán để đưa ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” về nước đã thành công. Chiều tối 14/11, Hãng đấu giá Millon (Paris, Cộng hòa Pháp) đã thống nhất việc chuyển giao ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” cho Việt Nam trên tinh thần đồng thuận, thấu hiểu và mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước.
Hành trình đưa cổ vật hồi hương
Trước đó, ngày 19/10, tại website của Hãng đấu giá Millon, Paris, Cộng hòa Pháp đã đăng tải thông tin sẽ đưa ra đấu giá 329 cổ vật, trong đó có ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” của nhà Nguyễn đúc năm 1823 triều Minh Mạng (1820 - 1841) thuộc bộ sưu tập “Nghệ thuật Việt Nam”, vào 11 giờ ngày 31/10/2022 (giờ Paris).
Nhận thức ý nghĩa, tầm quan trọng và các giá trị lịch sử, chính trị, văn hóa, nghệ thuật của ấn vàng “Hoàng đế chi bảo”, được sự chỉ đạo kịp thời từ Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã cùng Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Công an và các cơ quan, tổ chức liên quan chủ động, nỗ lực, khẩn trương tìm kiếm giải pháp đưa ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” hồi hương, trở về với đất nước.
Ngay sau khi có kết quả nghiên cứu, đánh giá hiện trạng và tính xác thực của ấn vàng “Hoàng đế chi bảo”, hai bên đã thống nhất việc chuyển giao ấn vàng cho phía Việt Nam trên tinh thần đồng thuận, thấu hiểu giữa hai bên và mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước Việt Nam và Cộng hoà Pháp. Đồng thời, thống nhất thực hiện quy trình, thủ tục pháp lý liên quan để có thể hồi hương ấn vàng về Việt Nam theo quy định pháp luật của Việt Nam và Pháp.
Theo Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương, việc đưa ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” hồi hương khẳng định quan điểm bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa, nâng cao tự tôn dân tộc trên trường quốc tế, góp phần xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Bộ VHTTDL đã có những bước đàm phán đúng đắn và nhanh chóng. Ban đầu là đàm phán với Hãng đấu giá Millon để tạm hoãn phiên đấu giá ấn vàng “Hoàng Đế chi bảo” hôm 31/10 và 10/11. Sau đó lên các phương án tìm cách để cổ vật hồi hương. Và khi việc đàm phán thành công thì sẽ tổ chức để cổ vật về nước sớm nhất.
Tạo cơ chế bảo vệ cổ vật
Cũng theo Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương, việc đưa ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” về nước là việc làm có ý nghĩa bảo đảm tính toàn vẹn của di sản văn hóa, một trong những nội dung quan trọng mà UNESCO đặc biệt chú trọng trong bảo tồn di sản văn hóa, đồng thời thể hiện vai trò của Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết quốc tế tại các Công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia.
Việc ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” hồi hương mang ý nghĩa lớn. Tuy nhiên cũng cảnh báo về thực trạng “chảy máu” cổ vật ở nước ta vẫn diễn ra nghiêm trọng.
Được biết, tới đây, Luật Di sản văn hóa sửa đổi sẽ có những bổ sung thêm điều khoản về luật đấu giá cổ vật ở nước ngoài. Tại đề cương dự thảo Luật Di sản văn hóa sửa đổi sẽ bổ sung quy định về việc “đưa di vật, cổ vật có nguồn gốc Việt Nam từ nước ngoài về nước”. Theo đó, điều luật này sẽ bổ sung quy định về trình tự, thủ tục, hồ sơ đưa di vật, cổ vật có nguồn gốc Việt Nam từ nước ngoài về nước (mua, hiến tặng, trao trả).
PGS. TS Tống Trung Tín - Chủ tịch Hội Khảo cổ Việt Nam cho rằng, cần có quy định cụ thể mức độ quý giá của hiện vật thế nào thì mới tham gia mua, do nhà nước không thể có tiền để mua quá nhiều sản phẩm. Theo ông Tín, hiện vật của Việt Nam trôi dạt ở nước ngoài có nhiều, giá trị của chúng cũng không giống nhau cho dù đều quý giá.
“Đây là vấn đề phức tạp, cổ vật có nhiều loại, ở nhiều thời kỳ và các hoàn cảnh trôi dạt nhiều tình huống khác nhau. Vì thế các cơ quan quản lý, cơ quan xây dựng pháp luật rất cần chú ý để xây dựng hành lang pháp lý bảo vệ tốt những cổ vật quý tiêu biểu cho văn hóa Việt Nam đã và đang bị trôi dạt” – ông Tín nêu quan điểm đồng thời đề xuất, để xây dựng được một hành lang pháp lý chống “chảy máu “cũng như tạo điều kiện để cổ vật hồi hương, cần xem xét các hệ thống văn bản pháp lý. Vấn đề này thì các nhà quản lý, những cơ quan xây dựng pháp luật cùng các nhà khoa học sẽ nghiên cứu và có thể tham khảo những hệ thống văn bản tương tự của quốc tế để xây dựng một hành lang pháp lý tốt nhất và hiệu quả nhất.
Theo các nhà nghiên cứu, chuyên gia văn hóa, khi xây dựng hành lang pháp lý về bảo vệ cổ vật – những hiện vất có giá trị - sẽ tạo ra sự thuận lợi cũng như gia tăng trách nhiệm của các cấp, các ngành và xã hội trong việc bảo tồn di sản văn hóa quốc gia.
Ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” có nhiều nét tương đồng với hai ấn vàng “Sắc mệnh chi bảo” và “Hoàng đế tôn thân chi bảo” hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam. Cả ba ấn vàng đều được đúc bằng vàng 10 tuổi, chế tác theo cùng một mẫu thức với mặt ấn hình vuông, lưng giật hai cấp, quai hình rồng uốn khúc, trán rồng khắc chữ Vương, chân rồng rõ năm móng. Kích thước và trọng lượng của ba ấn vàng cũng tương đương nhau. Đây là dạng thức ấn chưa từng xuất hiện ở các triều đại trước hay ở các quốc gia trong khu vực cũng như trên thế giới.