Theo phóng viên Đại Đoàn Kết Online ghi nhận, làng Mễ Trì Thượng hiện có khoảng hơn 30 hộ gia đình vẫn giữ được nghề làm cốm truyền thống. Cơ sở làm cốm của bà Hà Hiệu là một trong số đó. "Những ngày đầu mùa cốm, nhà tôi lúc nào cũng trong cảnh tất bật. Khoảng hơn một tháng đều phải bắt đầu công việc từ 2h sáng để làm cốm phục vụ cho người dân và phân phối cho các đại lý, cửa hàng trên cả nước", bà Hà Hiệu chia sẻ. Hạt thóc sau khi đã được tách hết vỏ chấu thì cho vào chảo rang. Quá trình rang phải đảo đều, bếp dùng củi, chảo rang thường bằng gang đúc. Rang khoảng 30 phút nếu thấy hạt "2 quằn 3 róc", tức 2 hạt chưa róc vỏ nhưng bị quằn lại, còn 3 hạt còn lại róc vỏ nhưng không bị quằn là được. Khi mới bỏ vào thì rang to lửa và giảm lửa dần khi hạt chuyển sang màu vàng sậm. Thóc sau khi rang được bỏ vào máy sàng để loại bỏ trấu trước khi bỏ vào cối đá giã thành cốm Bí quyết của người dân làng nghề là giã cốm không được quá mạnh, tay phải giã đều thì thành phẩm cốm mới được như yêu cầu. Nếu như trước đây giã bằng tay thì ngày nay hầu hết các cơ sở đã chuyển qua giã bằng máy để nâng cao năng suất. Cốm thường được giã từ khoảng 3 - 5 phút tùy vào độ non của thóc. Cốm thành phẩm sẽ được đóng gói, phân phối toàn quốc cũng như xuất khẩu ra nước ngoài. Các sản phẩm cơ sở có là cốm lá me, cốm xào và cốm rót... Ngoài ra còn có những sản phẩm làm từ cốm như bánh cốm, chả cốm và mới nhất là mochi cốm ngoài. "Cứ đến mùa cốm là sẽ có rất nhiều đơn đặt các sản phẩm về cốm để ăn, làm quà biếu tặng. Những đợt cao điểm có thể bán được đến 50 kg cốm/ngày" - chủ cơ sở cốm Hà Hiệu cho hay. Cốm tươi là món ăn đặc sản của người dân Hà Nội mỗi độ thu về. Món ăn truyền thống này đã trở thành đặc sản nức tiếng của đất Hà Thành, dường như ai khi đến Hà Nội cũng đều muốn được thưởng thức.