Sau 118 năm tồn tại, đứng chân ở nội thành TP Nam Định, Nhà máy Dệt Nam Định, tiền thân của Tổng Công ty CP Dệt may Nam Định ngày nay đã và đang thực hiện kế hoạch di dời khỏi vị trí hiện tại, để phục vụ việc xây dựng một khu đô thị dệt may tại đây.
Điều này đồng nghĩa với việc người dân Thành Nam-nơi còn được gọi thân mật là “Thành phố Dệt” sắp phải “chia tay” một biểu tượng, gắn bó với mình hơn một thế kỷ qua…
Theo các tài liệu, Nhà máy Dệt lụa Nam Định tiền thân là một cơ sở nghiên cứu về tơ lụa, do Toàn quyền Đông Dương De Lanessan lập ra. Đến năm 1898, Toàn quyền Paul Doumer đồng ý cho Dadre-phái viên nghiên cứu vấn đề tơ lụa Đông Dương-lập một nhà máy tơ chạy bằng hơi nước tại TP Nam Định, nằm gần bờ con sông Đào chạy qua thành phố, như một bước cụ thể hóa chính sách khai thác thuộc địa…
Hai năm sau, vào năm năm 1900, một số tư bản Pháp trong Công ty bông, vải, sợi Bắc Kỳ, đứng đầu là Dupré, hùn vốn với một tư sản người Hoa là Bá Chính Hội cùng tổ chức sản xuất, kinh doanh…
Lịch sử ghi nhận, dưới thời Pháp thuộc, Nhà máy dệt Nam Định được biết đến là nhà máy lớn nhất Đông Dương. Theo đó, vào năm 1924 số công nhân của Nhà máy đã lên tới 6.000 người. Đến năm 1929, Nhà máy đã có quy mô 135 máy dệt. Đến năm 1939, nhà máy phát triển lên với quy mô 3 nhà sợi, 3 nhà dệt, 1 xưởng nhuộm, 1 xưởng chăn, 1 xưởng cơ khí, 1 xưởng động lực...
Lịch sử cũng ghi nhận, không chỉ là cái nôi của ngành dệt may Việt Nam, giai đoạn 1919-1930, cùng với công nhân xưởng đóng tàu Ba Son (ở miền Nam), công nhân nhà máy Diêm Bến Thủy, xe lửa Trường Thi (Nghệ An), Nhà máy Dệt Nam Định là nơi có phong trào đấu tranh mạnh mẽ của công nhân, với nhiều cuộc bãi công, đình công lớn phản đối chính sách khai thác thuộc địa, bóc lột công nhân tàn nhẫn của những nhà tư bản Pháp…
Sau năm 1954, Nhà máy Dệt Nam Định được Nhà nước tiếp quản từ thực dân Pháp. Từ đây, Nhà máy này bước vào một thời kỳ mới, với rất nhiều sự thăng trầm…
Hơn một thế kỷ hình thành, phát triển, đứng chân ở TP Nam Định, Nhà máy Dệt Nam Định đã để lại nhiều dấu ấn ở thành phố này. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã 3 lần về thăm cán bộ, công nhân Nhà máy…
Hơn một thế kỷ qua, tiếng còi tầm của Nhà máy Dệt Nam Định là âm thanh quen thuộc của nhiều thế hệ người dân Thành Nam. Hình ảnh nữ công nhân Nhà máy Dệt Nam Định đang đứng máy cũng rất quen thuộc khi từ nhiều năm nay được in trên tờ tiền Việt Nam, mệnh giá 2000 đồng…
Cùng với nhiều nhà máy khác trên địa bàn, quy mô to lớn của Nhà máy Dệt Nam Định đã đưa TP.Nam Định trong một thời kỳ dài được xem là thành phố công nghiệp, thành phố lớn thứ 3 ở miền Bắc sau Hà Nội, Hải Phòng; được người dân cả nước gọi thân mật là “Thành phố Dệt”.
Cho đến nay, vào cuối giờ chiều, Đài phát thanh TP Nam Định vẫn thường phát bài hát “Mùa xuân trên thành phố Dệt”, bài hát được xem như “tỉnh ca” của tỉnh Nam Định…
Trong quá trình lao động, nhiều công nhân của Nhà máy Dệt Nam Định từng được phong danh hiệu “đôi bàn tay vàng”, Anh hùng Lao động, trong đó có Anh hùng Lao động Đào Thị Hào, phu nhân của nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An.
Một số cán bộ, công nhân của Nhà máy cũng từng được bầu làm đại biểu quốc hội. Người gần đây nhất được bầu là đại biểu Nguyễn Thị Băng Thanh, đại biểu Quốc hội khóa 11, vốn là một thợ giỏi của Nhà máy.
Một số lãnh đạo chủ chốt của tỉnh Hà Nam Ninh, tỉnh Nam Hà (cũ) như Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND Hà Nam Ninh Trần Văn Soạn; Bí thư Tỉnh ủy Nam Hà Trần Minh Ngọc… là những người trưởng thành, từng làm lãnh đạo Nhà máy…
Với quy mô lớn, tính chất quan trọng, trong nhiều nhiệm kỳ qua và cho đến nay ở Nhà máy Dệt Nam Định vẫn duy trì tổ chức một Đảng bộ trực thuộc Đảng bộ tỉnh, tương đương một Đảng bộ cấp huyện và một Đảng bộ khối trực thuộc Đảng bộ tỉnh…
Việc Nhà máy Dệt được di dời, nhường chỗ cho một khu đô thị hiện đại mọc lên khiến nhiều người dân Thành Nam vui mừng. Đây là cơ hội để Thành Nam cổ kính thay đổi diện mạo. Tuy nhiên, với nhiều người, nhất là với những người, những gia đình có truyền thống gắn bó với Nhà máy này không khỏi cảm giác bùi ngùi khi nhớ về quá khứ vàng son của nhà máy từng một thời lừng lẫy cả xứ Đông Dương…
Một số hình ảnh, được xem là cuối cùng về Nhà máy Dệt Nam Định nổi tiếng một thời PV Đại Đoàn Kết vừa ghi lại:
Thời gian qua Tổng Công ty CP Dệt may Nam Định đã và đang thực hiện
việc tháo dỡ, di dời thiết bị, nhà xưởng.
Những hình ảnh cuối cùng cho thấy, sau hơn một thế kỷ tồn tại,
những gì còn lạị của Nhà máy Dệt Nam Định rất cũ kỹ.
Người dân Thành Nam hồ hởi đón nhận thông tin về Khu đô thị Dệt may Nam Định
nhưng cũng đầy tiếc nuối về một biểu tượng một thời của thành phố sắp không còn…
Cổng vào khu văn phòng Nhà máy Dệt Nam Định ở địa chỉ số 43,
đường Tô Hiệu-địa chỉ quen thuộc của nhiều thế hệ cán bộ, công nhân nhà máy.