Thủ tướng Anh Theresa May trong hôm 29/3 đã chính thức ký thư kích hoạt Điều 50 của Hiệp ước Lisbon, điều cần thiết để khởi động tiến trình “ly hôn” khỏi Liên minh châu Âu (EU), cùng lúc kêu gọi người dân cả nước đoàn kết ngay cả trong bối cảnh Scotland tổ chức trưng cầu dân ý đòi độc lập khỏi Liên hiệp Vương quốc Anh (UK).
Nữ Thủ tướng Anh Theresa May chính thức khởi động tiến tình Brexit trong hôm 29/3. (Nguồn: Metro).
Chỉ vài ngày sau khi EU tổ chức lễ kỷ niệm sinh nhật lần thứ 60 của mình, Anh đã trở thành quốc gia đầu tiên tìm cách rời khỏi khối này, giáng một đòn đánh mạnh vào giữa trái tim của khối liên minh được thành lập sau Thế chiến II. 9 tháng kể từ sau cuộc trưng cầu dân ý, Thủ tướng Anh Theresa May đã kích hoạt Điều 50 của Hiệp ước Lisbon, đồng nghĩa với việc Anh sẽ rời khỏi EU vào năm 2019.
“Chúng ta sẽ không còn được nhắc tới bởi lá phiếu mà chúng ta bỏ trong cuộc trưng cầu, mà bằng sự quyết tâm đạt được thành công từ kết quả đó” - bà May nói trước giới lập pháp Anh - “Việc kích hoạt Điều 50 là thời khắc để chúng ta đoàn kết lại”.
Động thái xuất hiện chỉ một ngày sau khi Quốc hội Scotland bỏ phiếu thông qua việc tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý mới về việc độc lập khỏi UK, trong nỗ lực nhằm giữ tư cách thành viên của họ trong EU.
Bà May đã ký thư Brexit và sẽ được chuyển tới Chủ tịch EU Donald Tusk tại Brussels. Đại sứ Anh tại EU Tim Barrow, người sẽ trao bức thư trên, đã được trông thấy đang tiến tới tòa nhà Hội đồng châu Âu tỏng hôm 29/3, nói lời “Chào buổi sáng” với các phóng viên đang đợi sẵn ngoài cửa.
Sau khi kích hoạt tiến trình lịch sử này, Brussels và London sẽ phải đối mặt với nhiều tháng đàm phán khó khăn liên quan tới các dự luật lớn, các mối quan hệ về chính sách nhập cư và thương mại tự do trong tương lai. EU dự kiến sẽ đưa ra phản ứng đầu tiên của họ tới Anh trong hôm 31/3 tới, tiếp nối một cuộc họp thượng đỉnh các nhà lãnh đạo của khối này nhằm đưa ra các hướng dẫn của họ. Điều này cũng có nghĩa, các cuộc đàm phán chính thức về Brexit sẽ phải mất nhiều tuần nữa mới có thể khởi động.
Cũng giống như nhiều cuộc ly hôn khác, các vòng đàm phán liên quan tới vấn đề tiền bạc sẽ sớm trở nên rất gay go. Tiên quyết trong các vòng đàm phán này sẽ là các cam kết của Anh, ước tính trị giá 55-60 tỷ Euro. Cả hai bên đều muốn giải quyết về hiện trạng của hơn 3 triệu công dân EU đang sinh sống ở nước Anh, và khoảng 1 triệu công dân Anh sinh sống ở các nước thành viên EU.
Việc thiết lập một thỏa thuận thương mại mới và căng thẳng với Bắc Ireland cũng là vấn đề nhức đầu đối với hai bên. Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp Anh đang hết sức bất bình với quyết định rời khỏi thị trường đơn EU của Thủ tướng May, bởi đây là một khu vực thương mại tự do gồm 500 triệu người, lo rằng nó sẽ ảnh hưởng tới cơ hội việc làm và đà tăng trưởng kinh tế.
Hiện nay, bất chấp lời kêu gọi đoàn kết của Thủ tướng May, thì người dân Anh lại đang có nhiều dấu hiệu chia rẽ y hệt như những gi từng xảy ra vào cuộc trưng cầu dân ý tổ chức hồi tháng 6 năm ngoái.
Hồi cuối tuần trước, hàng chục nghìn người đã tổ chức tuần hành tại thủ đô London để yêu cầu Anh giữ tư cách thành viên EU. Nhưng cũng có rất nhiều người tỏ ra vui mừng sau quãng thời gian chờ đợi khoảnh khắc Brexit suốt nhiều năm qua.
Christine Garrett, một người hưu trí 66 tuổi sống tại London, nói với tờ The Sun: “Chúng tôi có thể tự đứng trên đôi bàn chân của mình. Họ đã làm gì cho chúng tôi? Không gì cả”. Trong khi đó, bà Julia Roger, 38 tuổi, người không đồng tình với Brexit, nói rằng: “Rồi sự việc này sẽ dẫn tới thảm họa”.
Ngay cả các hãng tin nổi tiếng của Anh cũng thể hiện rõ sự chia rẽ này qua các bài viết của họ, khi tờ The Sun - vốn có quan điểm ngờ vực EU - đăng tải bài viết “Hẹn gặp lại EU”, trong khi hãng tin Guardian có bài viết tựa đề “Ngày hôm nay Anh bước vào vùng bất định”.
Trong khi đó, EU đã quyết tâm bảo vệ sự đoàn kết của mình và nói rằng bất kỳ thỏa thuận Brexit nào đều không được khuyến khích các nước khác làm theo điều mà Anh đã làm.
Trong lúc khởi động tiến trình Brexit, Thủ tướng May cũng đang nỗ lực đoàn kết lại UK và đã bác bỏ lời kêu gọi của Quốc hội Scotland trong việc tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý thứ hai. Trước đây, người dân Scotland đã bỏ phiếu ủng hộ việc Anh ở lại EU, và họ đặc biệt lo ngại về việc phải rời khỏi thị trường đơn EU.
Trong khi còn nhiều thách thức chờ đón phía trước, Thủ tướng May càng gây quan ngại khi tuyên bố rằng “không có thỏa thuận nào còn hơn là có một thỏa thuận tồi”, điều khiến các nhà phân tích lo rằng con bài duy nhất của bà May trên bàn đàm phán chỉ là đe dọa rút khỏi đàm phán, trong khi EU lại nắm rất nhiều biện pháp đối phó.
Trong trường hợp cả Anh và EU không đạt được thỏa thuận nào trong các vòng đàm phán về Brexit, nó sẽ gây tổn hại cho cả hai bên do sẽ tạo nên hàng loạt các rào cản thếu quan và tạo nên tình trạng bất ổn về pháp lý.