Sau thời gian bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, dịp Tết Trung năm nay, cơ sở làm đầu lân Bảo Anh Đường (thành phố Huế) trở nên nhộn nhịp. Lượng người ra vào cơ sở này để tìm mua đầu lân trở nên nhộn nhịp. Ông Trương Như Rem (48 tuổi, chủ cơ sở làm đầu Lân Bảo Anh Đường) cho biết, công việc làm đầu Lân bắt đầu từ tháng 2 âm lịch hàng năm và xuyên suốt cho đến dịp Trung thu. “Để làm hoàn thiện một chiếc đầu lân, người thợ mất khoảng thời gian 7 ngày. Khâu khó nhất trong việc làm đầu lân chính là đan sườn và vẽ. Khó là vì đầu lân thường không có một khuôn mẫu cố định nào mà chính người thợ phải tự suy nghĩ, sáng tạo ra hình thù sao cho bắt mắt và ấn tượng”, ông Rem chia sẻ. Năm nay, lượng khách đến tìm mua đầu lân đông dần từ thời điểm tháng 6 Âm lịch. Hiện tại, khi Tết Trung thu đang cận kề, đa số các cơ sở đã dần ngưng sản xuất để tập trung vào công việc phân phối hàng ra thị trường. Tùy theo chủng loại lớn nhỏ mà giá thành của mỗi chiếc đầu lân khác nhau, dao động từ 45 ngàn đến 4,5 triệu đồng. Ông Rem cho biết, riêng tại cơ sở Bảo Anh Đường, năm nay đưa ra thị trường trong và ngoài tỉnh khoảng 500 đầu lân loại lớn, hàng nghìn đầu lân các loại khác nhau. Đây là tín hiệu rất đáng mừng sau 2 năm phải tạm lắng bởi dịch bệnh Covid-19. Ngoài làm đầu lân, các cơ sở cũng cung cấp các mặt hàng đạo cụ đi kèm như trống, thanh la, bộ đồ ông địa... Cùng với các cơ sở sản xuất đầu lân, thời điểm này tại các tuyến đường trung tâm thành phố Huế như đường Trần Hưng Đạo, Hùng Vương..., nhiều cửa hàng cũng bày bán các sản phẩm phục vụ Tết Trung thu. Các sản phẩm rất đa dạng, nhiều màu sắc tạo nên một không gian đầy sắc màu tại các khu phố giữa lòng thành phố Huế. Phụ huynh mua đầu lân làm quà cho con dịp Tết Trung thu. Một em nhỏ thích thú với chiếc mặt nạ ông địa tại một cửa hàng nằm trên đường Trần Hưng Đạo, thành phố Huế. Được biết, theo thời gian hiện trên địa bàn thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế còn khoảng vài cơ sở vẫn duy trì nghề làm đầu lân phục vụ nhu cầu của người dân.