Anh em là một cụm từ rất đặc biệt, có ý nghĩa rất rộng rãi, có cách dùng rất phong phú. Theo “Từ điển tiếng Việt”: “Anh em là: 1/Những người cùng một thế hệ có quan hệ ruột thịt hoặc họ hàng với nhau (nói khái quát). Thí dụ: Nhà đông anh em. Anh em con chú con bác. 2/Những người có quan hệ gần gũi, thân thiết, coi nhau như anh em (nói khái quát). Thí dụ: Anh em bạn. Các dân tộc anh em. Sự hợp tác anh em”.
Một số tác giả, cả phương Đông lẫn phương Tây tạm phân loại mối quan hệ “anh em” như sau:
Anh em ruột thịt (đồng huyết thống) gồm: anh em cùng cha cùng mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha. Anh em họ hàng cũng được xếp gần với loại anh em này.
Khi trưởng thành, con người biết nhận thức, được giác ngộ, được giáo dục nên nhận biết được những mối quan hệ cao hơn, đó là anh em cùng một Tổ quốc, cùng một quê hương gọi là đồng bào.
Anh em cùng chung chí hướng, cùng hoạt động vì một mục đích phục vụ cộng đồng xã hội gọi là đồng chí.
Gần hơn nữa, tình anh em sinh ra cùng xã, cùng thôn, cùng làng, cùng huyện, cùng tỉnh gọi là đồng hương.
Anh em bạn học với nhau từ cấp phổ thông đến đại học, cùng trường, cùng lớp gọi là anh em đồng môn.
Anh em cùng cơ quan, cùng làm một nghề nghiệp gọi là đồng nghiệp.
Anh em kết nghĩa ngoài xã hội, đôi khi cũng trở nên thân thiết, coi nhau như ruột thịt, gọi là anh em xã hội...
Một số nhận xét trên thực tế: Muốn có gia đình nhỏ nằm trong gia đình lớn được hạnh phúc lâu dài họ tộc phải giữ gìn sự đoàn kết, yêu thương trong tình anh em. Có câu ngạn ngữ: “Anh em như thể tay chân”. Nếu tay cụt, chân què sẽ thành người tàn phế, không còn sức sống bình thường nữa.
Triết gia Pháp, ông Beaudoin đã xác định rõ ràng: “Một người em ruột là một người bạn được tạo hóa ban cho”. Người anh phải biết che chở, nâng đỡ, giúp đỡ người em. Người em phải biết kính trọng, vâng lời người anh, như thế mới thuận theo tự nhiên, mới thực hiện được “trên kính, dưới nhường, trong ấm, ngoài êm” để tạo ra một gia đình hạnh phúc bền lâu. Trái lại nếu anh em bất hòa, ghen tỵ nhau, tranh nhau của cải đất đai sẽ dẫn đến thảm họa tan vỡ gia đình, họ hàng.
Những người hàng xóm sống lâu bên cạnh nhà, liền kề nhau cũng coi nhau như ruột thịt, tối lửa tắt đèn giúp đỡ nhau trong lúc khó khăn, có khi còn tốt hơn cả anh em ruột thịt. Vì thế mới có câu: “Bán anh em xa mua láng giềng gần” là dạy ta phải biết gắn bó với bà con cùng thôn xóm, cùng phường trong cộng đồng dân cư. Vai trò của người láng giềng quan trọng thế nào? Xin trả lời ngay: Cực kỳ quan trọng đấy!
Nhà triết học Đức, ông Thomas Fuller đã dạy chúng ta rất cụ thể: “Chúng ta có thể sống không có bạn bè, nhưng không thể sống không có láng giềng được”. Vì sao thế? Rất dễ hiểu khi nói như tác giả Rawhinson trong “Từ điển Oxford”: “Ai có người láng giềng tốt là có buổi sáng tốt”. Người láng giềng tốt cũng như anh em của ta, họ trông nom nhà cửa giúp ta khi ta đi vắng, đỡ đần ta khi ốm đau, đi đón hộ con ở trường học lúc ta bận việc chưa đón kịp, giúp đỡ thức ăn khi ta có việc bận không đi chợ được...
Nhiều việc cần người láng giềng giúp đỡ lắm, đến nỗi triết gia Hésiode đã phải thốt lên: “Một người láng giềng xấu là một tai họa. Một người láng giềng tốt là một kho tàng thật sự”. Một người khôn ngoan phải thật đề cao việc kết nghĩa anh em với hàng xóm, láng giềng bên cạnh mình. Cổ học Tinh hoa Đông phương cũng dạy: “Đi đường cần có bạn hiền, nơi ở cần hàng xóm láng giềng tốt” (Hành yếu hảo bằng hữu, cư yếu hảo lân).
Tuy nhiên, khi ta muốn kết thân làm anh em với hàng xóm, ta phải gương mẫu giúp đỡ họ trước, tuyệt đối không bao giờ có ý dòm ngó, bình phẩm điều gì thiếu suy nghĩ khi thấy cái gì họ hơn ta hoặc cái gì họ kém ta. Đó mới là khôn ngoan. Vì sao? Vì như triết gia cổ đại Ovid đã phân tích một cách tài tình về tâm lý của con người bình thường là: “Mùa màng ở cánh đồng của người hàng xóm bao giờ cũng có vẻ tốt hơn, con bò của láng giềng bao giờ cũng có vẻ nhiều sữa hơn của mình”. Xin nhớ cho, đừng bao giờ so sánh thóc lúa, bò sữa ... của nhà bên cạnh mới luôn giữ được hòa khí với nhau.
Có tác giả phương Tây cho rằng kỹ năng làm người anh em tốt, dù ruột thịt hay anh em ngoài xã hội, cộng đồng thì cũng nên tuân thủ nguyên tắc “Làm người bạn tốt”.
Thế nào là làm người bạn tốt? Nói một cách khái quát nhất về “tình bạn tốt đẹp” không gì sâu sắc hơn câu danh ngôn của triết gia cổ đại Aristote: “Tình bạn tốt đẹp là một tâm hồn ở trong hai cơ thể và một cơ thể chứa đựng hai tâm hồn”. Nghĩa là phải biết suy nghĩ cho nhau, vui buồn cùng chia sẻ, gánh vác cho nhau, biết chia ngọt xẻ bùi cho nhau thì mới thật là anh em bạn bè một cách thực chất.
Điều này ngược hẳn với cách kết bạn vì vụ lợi, vì làm ăn, đó là: “Khi vui thì vỗ tay vào/ Đến khi hoạn nạn thì nào thấy ai”. Hoặc phải sống với nhau nhiều năm, trải qua nhiều thử thách, cay đắng có, ngọt bùi có mới biết rõ tâm địa người anh em, người bạn: “Thức lâu mới biết đêm dài/ Ở lâu mới biết được người có tâm”. Người Nga cổ đại lại dạy: “Phải ăn chung với nhau nhiều cân muối thì mới biết ai là tốt, ai là xấu”. Ý nói phải trải qua khó khăn, nghèo nàn, cực khổ mới biết ai là bạn tốt, ai là người cần phải tránh xa.
Con người càng trưởng thành, càng vươn xa càng cần có nhiều người anh em mới, bạn bè mới để cùng đồng hành đến những chân trời khát vọng. Vì thế kỹ năng chọn bạn, tìm bạn mà kết giao, mà giao lưu, mà gắn bó là công việc phải tìm kiếm suốt đời mới mong có được. Nhiều người quan niệm rất cũ, rất bảo thủ là: chỉ có những người anh em cũ, bạn cũ mới là tốt.
Còn bạn mới nên rất thận trọng. Chính vì thế mà họ đã thất bại hoặc phải sống một cuộc đời tẻ nhạt. Nhiều bậc trí thức lão thành đã kết bạn với các trí thức mới trong thế hệ trẻ đầy sáng tạo, đầy ước mơ. Đó là những đôi bạn vong niên. Người già truyền kinh nghiệm, vốn sống cho người trẻ. Người trẻ truyền năng lượng tươi mới, khát vọng vươn lên cho người già. Đó mới là một xã hội đi lên, tốt đẹp, có nhiều chân trời mới.
Dù già, dù trẻ ai ai cũng đều phải vui mừng khi ta tìm được một người anh em xã hội, một người bạn mới theo gợi ý của triết gia Ménandre: “Sung sướng thay cho những ai đã gặp được người bạn xứng đáng là bạn”.
Trong “Tinh hoa cổ học” phương Đông đã nêu lên một khẩu hiệu rất quan trọng nhưng không phải ai cũng hiểu hết, khẩu hiệu tìm anh em, bạn bè đó là: “Bốn biển đều là anh em” (Tứ hải giai huynh đệ). Ai là người có kinh nghiệm trong việc tìm anh em, bè bạn mới thấy câu này thật đúng đắn, thật thấm thía. Nó dạy ta: Không nên phân biệt vùng miền, không nên có ấn tượng hoặc mặc cảm với những người không có điều kiện thuận lợi mà đã vội đánh giá, mà đã từ chối kết bạn.
Điển hình trong lời khuyên này người ta hay kể đến câu chuyện thuở thiếu niên gian khổ của Napoléon Bona-parte (1769 - 1821). Lúc nhỏ khi mới đi học phổ thông, Napoléon thấp bé hơn các bạn cùng lớp, nói giọng địa phương vì quê ông là đảo Corse xa xôi hẻo lánh, nên lúc đầu các bạn trong lớp không chơi với ông.
Thế nhưng ông càng học càng giỏi, nỗ lực phấn đấu suốt đời để trở thành một Đại tướng và sau đó là Hoàng đế Napoléon đệ nhất của nước Pháp. Xuất thân khó khăn và sự trưởng thành của ông mãi mãi là bài học sáng giá cho những ai muốn vươn lên phấn đấu từ những khó khăn tạm thời mà bước đầu gặp phải.
Chọn bạn cũng thế, nếu thông suốt “Bốn bể đều là anh em” sẽ mở ra cho chúng ta những chân trời rộng lớn để tìm được những người anh em, bạn bè không chỉ là những người gần gũi với ta mà còn có cả những người bạn ở khắp năm châu bốn biển, những người đã và đang giúp đỡ chúng ta trong thời kỳ chiến tranh gian khổ trước đây cũng như trong thời gian dịch bệnh hoành hành hiện nay.
Đến đây có thể tạm sơ kết: Cha, mẹ, anh em ruột thịt là những người thân thiết với ta mà ta không được lựa chọn. Cha mẹ không thể sống với ta mãi được. Anh em cũng nhiều khi không sống gần nhau nên không thể giúp đỡ được nhau hàng ngày.
Vậy thì phải tìm kiếm anh em, bạn bè trong các môi trường ta đang sống là trường học, cơ quan, xí nghiệp, doanh nghiệp nơi ta học tập và làm việc. Những người anh em mới, bạn bè mới mới thực sự đi với ta cho đến hết cuộc đời. Vì vậy phải cân nhắc, chọn lựa và suy nghĩ về việc này trong từng phút, từng giờ trong các trải nghiệm sống của mỗi người.
Ovide, một triết gia cổ đại đã nhắc ta: “Ta sẽ không kể hết được bạn bè khi ta giàu có, sung sướng. Nếu thời gian đen tối đến, ta sẽ phải cô đơn”. Muốn đề phòng không phải cô đơn, lẻ loi khi ta thất thế, khi không còn địa vị, tiền bạc như trước, cần chú ý đến mấy kỹ năng sau đây trong việc tìm kiếm anh em, bạn bè:
Chọn người có lòng vị tha, thương người, sẵn sàng tha thứ cho người khác, đúng như lời dặn dò của Đại thi hào Pháp, Jean de la Bruyère: “Trong đạo anh em bè bạn nếu không biết dung thứ cho nhau những khuyết điểm thì khó mà giao du lâu bền được”.
Con người vốn không hoàn thiện, hoàn mỹ nên có mắc những tật này, khuyết điểm nọ là việc bình thường xảy ra trong đời sống hàng ngày. Chót tham lam một chút, ghen tỵ một chút, có thói xấu, tật hư chưa sửa chữa được nếu không được góp ý, phê bình, không được tha thứ để mất đi tình anh em bè bạn thì thật là đáng tiếc. Như thế, người biết tha thứ để dẫn dắt người khác tiến bộ mới đáng là tiêu chuẩn số một để ta tìm anh em, bạn bè.
Tác giả Albert Abbé lại đề cập đến một khía cạnh khác trong khi tìm anh em, bè bạn, đó là: “Tình anh em biến mất khi sự tôn trọng lẫn nhau không còn nữa”. Ý tứ này của Abbé rất giống với ý tứ “Kính lẫn trọng chung” của đạo lý phương Đông.
Vậy tạm cho tiêu chuẩn số hai trong việc tìm anh em, bạn bè là phải biết “tôn trọng lẫn nhau”. Cần chú ý: Tôn trọng lẫn nhau là phải dựa trên hai tiêu chuẩn là đạo lý và pháp lý. Lấy hai ánh sáng này để làm bảo hiểm cho sự “tôn trọng lẫn nhau”. Ở đây cũng cần tránh tư tưởng “dĩ hòa vi quý”, không dám bảo vệ và tranh đấu cho cái thiện, cái tốt sẽ dẫn đến sự không bền vững trong giao lưu gắn bó.
Khép lại bài viết về “Anh em, bè bạn”, nên nhắc đến một ý hay của tác giả Washinton viết năm 1783 là: “Tình anh em chân thành là một cái cây mọc chậm và phải thử thách, phải chịu đựng nhiều nghịch cảnh mới xứng đáng được gọi danh hiệu đó”.