Làng gốm Bàu Trúc thuộc thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. Từ thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, đi theo hướng nam chừng 10 cây số là tới. Bàu Trúc được coi là làng gốm cổ xưa bậc nhất Đông Nam Á, như một bảo tàng gốm của đồng bào Chăm.
Lúc công việc thuận lợi, có tới 350 trong tổng số 400 hộ trong làng đều làm gốm. Truyền thuyết kể rằng, nghề làm gốm do vợ chồng ông Poklong Chanh dạy cho phụ nữ trong làng. Vì thế, mãi tới sau này, cái nghề danh giá ấy phần lớn là do phụ nữ đảm nhiệm.
Đất để làm gốm Bàu Trúc lấy từ sông Quao, mịn và dẻo lạ lùng. Khác với cách làm gốm nhiều nơi khác, người Bàu Trúc nặn gốm bằng tay (không dùng bàn xoay). Chính vì thế tính độc bản của mỗi sản phẩm gốm lại càng rõ rệt. Không thể tìm được 2 sản phẩm giống hệt nhau đối với gốm Bàu Trúc.
Hoa văn trang trí trên gốm Bàu Trúc đơn giản, gần gũi với thiên nhiên. Gốm Bàu Trúc dễ nhận biết bởi màu đặc trưng vàng đỏ, đỏ hồng, đen xám, cùng với những vệt nâu.
Tới nay, nghề gốm không còn phát đạt như xưa, bởi những sản phẩm tương tự đã được sản xuất bằng máy móc. Nhưng với người Bàu Trúc, nghề nghiệp ông cha để lại vẫn được duy trì.
Nghệ nhân làng gốm.
Trình diễn nặn gốm trước sự chứng kiến của nhiều người.
Một chiếc bình gốm rất đẹp.
Một cách nung gốm thủ công.
Công đoạn mộc của gốm.
Du khách quốc tế thích thú khi đến thăm làng gốm Bàu Trúc.