Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, sáng nay (17/7) bão số 2 đã vượt qua khu vực biên giới Việt-Lào và đi sang khu vực Trung Lào. Do đó, mưa ở các tỉnh Bắc Bộ có khả năng kéo dài trong 2-3 ngày tới, cần theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất.
Ảnh minh họa. (Ảnh: Dân Trí).
Do ảnh hưởng của bão số 2, trên đất liền các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh đã có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10-11 (Diễn Châu, Cửa Hội cấp 8, giật cấp 10; Quỳnh Lưu, Vinh cấp 7, giật cấp 10; Hoành Sơn cấp 7, giật cấp 11). Vùng biển ven bờ có gió mạnh cấp 8, giật cấp 12 (đảo Hòn Ngư). Vùng ven biển từ Nam Định đến Thanh Hóa có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9 (Văn Lý cấp 7, giật cấp 8; Yên Định, Tĩnh Gia cấp 6, giật cấp 8-9). Ở ven biển Quảng Ninh, Hải Phòng, Quảng Bình có gió giật cấp 6-7.
Hoàn lưu bão số 2 đã gây mưa lớn cho khu vực ven biển Bắc Bộ và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừ Thiên Huế; riêng khu vực các tỉnh từ Thanh Hóa-Thừa Thiên Huế đã có mưa to đến rất to, tổng lượng mưa từ 7h ngày 16/7 đến 7h ngày 17/7 phổ biến từ 70-150mm, riêng khu vực các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Bình có mưa rất to 100-300mm.
Sáng nay (17/7) bão số 2 đã vượt qua khu vực biên giới Việt-Lào và đi sang khu vực Trung Lào.
Hồi 7h, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,9 độ Vĩ Bắc; 103,6 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 9-10.
Trong 12 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20km và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau đó tiếp tục suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Trung Lào.
Ở Vịnh Bắc Bộ sáng nay còn có gió giật cấp 6-7; sóng biển cao từ 2-3m; Biển động.
Các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to.
Trung tâm cảnh báo, mưa ở các tỉnh Bắc Bộ có khả năng kéo dài trong 2-3 ngày tới, cần theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất.
Hiện nay, theo thông tin mới cập nhật, khu vực nội thành Hà Nội đã có mưa lớn.
Dự báo, khu vực các quận trung tâm thành phố tiếp tục có mưa rào và dông.
Đợt mưa này có khả năng gây ngập úng cho các tuyến phố Hà Nội từ 0,1 m đến 0,3 m như: Hoa Bằng; Trần Bình; Phan Văn Trường; Pham Văn Đồng; Xuân Thủy; Cầu Giấy; Nguyễn Xiển; Nguyễn Chính (Tân Mai); Hoàng Mai; Định Công; Bến xe phía Nam (Giải Phóng); Minh Khai (Chân cầu Vĩnh Tuy); Trường Chinh-Tôn Thất Tùng; Lê Duẩn (cửa ga Hà Nội); Huỳnh Thúc Kháng, Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt; Nguyễn Khuyến; Cao Bá Quát; Đội Cấn; Thụy Khê…