Bước vào ngôi nhà số 187 đường Quang Trung, chúng tôi bắt gặp ông Lê Văn Dung đang cặm cụi, tỉ mỉ cắt gọt tạo từng chi tiết cho chiếc đế dép cao su bên chiếc quạt máy cũ. Dù đã bước qua độ tuổi 60 nhưng ông Dung trông vẫn rất rắn rỏi và khéo léo. Đôi tay ông thoăn thoắt đưa lưỡi dao sắc bén chạy theo những đường bút chì vẽ trước rồi cắt gọt các chi tiết thừa, xẻ các rãnh thoát nước trên tấm cao su tạo thành hình chiếc đế dép. Theo quan sát của chúng tôi, "xưởng" sản xuất của ông Dung cũng chính là phòng khách của gia đình với diện tích khoảng 15 m2. Ngoài bộ bàn ghế cũ, còn lại đều là các nguyên vật liệu, dụng cụ phục vụ cho công việc của ông. Vừa luôn tay làm việc ông Dung vừa kể lại, cách đây hơn nửa thế kỉ, dọc tuyến đường 1A đoạn qua nhà ông trước đây gọi là "tiểu khu Ba Đình", có tới cả chục gia đình chuyên sản xuất dép lốp. Vào thời điểm đó, loại dép này rất được ưa chuộng bởi độ bền, giá rẻ, ma sát tốt lại không ngấm nước. Do đó, công việc sản xuất kinh doanh ở khu phố diễn ra rất sầm uất, nhộn nhịp. Nói về kỹ thuật làm ra đôi dép lốp, ông Dung cho biết, nguyên liệu duy nhất để làm dép là miếng cao su được lấy lại từ phần ngoài của lốp xe tải hạng nặng, chuyên chở than ở vùng mỏ Quảng Ninh mới đảm bảo độ dày và dai chắc cần thiết mà không phải những chiếc lốp ô tô thông thường. .Theo ông Dung, để làm ra một đôi dép hoàn chỉnh, ông mất khoảng 3 giờ đồng hồ. Những đôi dép được làm thủ công các chi tiết nhỏ có thể không đều, tuy nhiên rất chắc chắn, bền đẹp. "Thời điểm cách đây 20 năm, dép lốp được ưa chuộng lắm, mỗi ngày tôi bán hàng trăm đôi dép đi khắp cả nước và xuất bán sang cả Lào, Campuchia… Gia đình tôi lúc đấy phải thuê thêm 4 – 5 thợ làm nữa cũng không đủ hàng giao cho khách", ông Dung cho biết. Tuy nhiên, chỉ được ít năm, sự phát triển của kinh tế xã hội kéo rất nhiều các sản phẩm giày dép đa dạng về chất liệu, mẫu mã khiến cho dép cao su không còn thịnh hành nữa. Có những giai đoạn tưởng chừng cái nghề thủ công này không thể tồn tại nữa. Những cuộn lốp dày mỏng khác nhau cùng chiếc máy cắt đã hoen gỉ được ông xếp gọn ở góc nhà, một số vật dụng như dao, đục, đá mài lại được xếp ngăn nắp trong chiếc thùng gỗ nhỏ. Theo ông Dung, cả tuyến phố hàng trăm người trước đây sống bằng nghề làm dép cao su thì nay chỉ còn duy nhất mình ông gắn bó với nghề. Với ông Dung, giờ đây đôi dép không chỉ đơn thuần mang giá trị kinh tế mà đó còn mang ý nghĩa lịch sử xã hội, là niềm vui những năm tháng tuổi già. "Giờ mấy người đi dép lốp nữa, cả khu phố còn mình tôi giữ được nghề. Nhưng dù thế nào miễn còn sức khỏe, tôi sẽ vẫn còn tiếp tục sống với nghề", ông Dung xúc động nói. Với những dụng cụ tự chế, đôi dép cao su được ông Dung làm thủ công qua nhiều công đoạn như: Pha lốp, cắt lốp thành từng thỏi, tiếp đến là đo theo size để cắt đế, đục lỗ, xâu quai dép… Ông Dung cho biết, làm dép lốp tưởng chừng đơn giản, nhưng để làm được đôi dép đạt đủ các yếu tố bền, êm chân, thẩm mỹ thì không đơn giản. Theo ông, công đoạn khó nhất để tạo nên đôi dép lốp là lên quai dép. Quai dép phải đủ độ cong, trơn nhẵn và ôm chân thì đi mới êm và chắc chân. Do đó, khi làm quai ông liên tục ướm thử vào chân đến khi thấy êm ái, vừa vặn là đạt yêu cầu. Cái hay ở chỗ, giữa quai và đế dép không cần bất cứ một thứ keo kết dính nào mà được cố định chắc chắn vào nhau nhờ vào sự giãn nở của cao su. Hiện tại, mỗi ngày cửa hàng của ông Dung chỉ bán được một vài đôi dép, tùy vào kiểu dáng, kích cỡ như dép trẻ em ông bán với giá 20.000 - 50.000 đồng/đôi còn dép người lớn có giá từ 100.000 - 120.000 đồng/đôi.