Sau một thời gian bít kín, Hà Nội dự kiến sẽ đục thông lại 127 ô vòm từ phố Phùng Hưng qua phố Gầm Cầu đến ga Long Biên. Theo đó, với diện tích 16 m² mỗi ô, trong tương lai tuyến phố sẽ trở thành không gian mỹ thuật mở với những quán cà phê sách.
Nhiều người vẫn còn nhớ, năm 1971 tại Hà Nội xảy ra cơn lũ lịch sử trên sông Hồng, nước ngập trắng bãi Phúc Xá, Phúc Tân, An Dương, Chương Dương…, người dân di tản vào nội thành, tá túc trong các vòm cầu từ phố Gầm Cầu đến phố Phùng Hưng. Khi nước rút, nhiều người dân ở luôn trong các vòm cầu do nhà cửa đã bị lũ cuốn trôi. Sau đó, để đảm bảo an ninh trật tự tại khu vực này, thành phố đã cho xây kín lại.
Từ đó đến nay, mỗi khi có dịp đi qua “bức tường đá xám” này, người ta không khỏi nuối tiếc khi thấy hiện lên trên đó một ký ức xưa cũ của Hà Nội, mà đến nay đã bị bít kín. Thoạt nhìn nhiều chỗ thấy nhếch nhác, chỗ này làm bãi trông xe máy, chỗ kia để ô tô, đoạn khác lại là chỗ đổ rác hay mấy nhà vệ sinh công cộng… Cùng với đó, còn là nhiều nhà tạm mọc lên, chỗ làm nơi bán thịt chó, chỗ khác là nơi một số hộ dân làm nhà trọ tạm bợ…
Do đó, ý tưởng đục thông các vòm cầu để tạo ra những không gian mới vừa khởi xướng đã nhận được sự hưởng ứng của giới kiến trúc sư, và đông đảo người dân Hà Nội. Người dân chờ đợi có thêm những điểm đến mới, theo đó du khách nước ngoài đến Thủ đô cũng có thêm những lựa chọn để dừng chân lâu hơn. Đồng thời, trục đường từ phố Phùng Hưng đến ga Đầu Cầu (ga Long Biên) sẽ trở nên gọn gàng, ngăn nắp hơn khi những nhà tạm được giải tỏa, các bãi xe được quy hoạch lại…
Từ phố Phùng Hưng đến ga Long Biên có tất cả 131 vòm cầu, trong đó có 4 vòm cầu đã được đục thông để phục vụ đi lại .
Cuộc sống ở phố gầm cầu đã quen thuộc với nhiều người nhưng sắp tới sẽ phải thay đổi khi các vòm cầu được đục thông.
Những bãi giữ xe tự phát rồi cũng sẽ được giải tỏa.
Hiện thời, cuộc sống sinh hoạt vẫn bình thản trôi đi.