Theo tìm hiểu của PV, Dự án Kè biển Nhật Lệ II (ở TP Đồng Hới, Quảng Bình) có chiều dài 860m với tổng mức đầu tư 35 tỷ đồng, trong đó vốn xây lắp 26 tỷ đồng, do Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng và phát triển quỹ đất TP Đồng Hới làm chủ đầu tư, Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư xây dựng Hà Nội - Quảng Bình thiết kế; hai đơn vị thi công là Công ty TNHH Xây dựng và thương mại Hải Thành và Công ty TNHH Xây dựng Tiến Thành. Tuyến kè biển trên được xây dựng với mục đích chống sạt lở bờ biển, bảo vệ an toàn tài sản cho người dân. Tuy nhiên, trong đợt mưa tháng 10/2020 đã bị sóng biển vỗ mạnh vào bờ gây sập, sạt lở một số vị trí. Đến tháng 10/2021, sóng biển tiếp tục làm nhiều đoạn kè mái taluy bằng tấm lát bê tông dài 800m khu vực Hải Thành - Quang Phú (TP Đồng Hới) bị hư hỏng, sập đổ với tổng chiều dài khoảng 200m. Tuyến kè thiết kế chịu được gió bão cấp 9, cấp 10 nhưng từ khi khởi công xây dựng đến nay, chưa có cơn bão nào đổ bộ vẫn bị sóng đánh tan hoang. Dù sắp bước vào mùa mưa bão, thế nhưng tuyến kè hiện vẫn đang ngổn ngang, có đến hàng chục điểm sụt lún, sạt lở, sập, vỡ các cấu kiện, nhiều điểm bị sóng đánh khoét sâu vào chân kè... vẫn chưa được xử lý. Nhiều mảng bê tông bị sóng đánh nằm ngoài mép biển, hệ thống dầm, trụ nứt, gãy, bị cát biển vùi lấp. Điều đáng nói hơn, nhiều vị trí bị biển xâm thực xói mòn vào sát hàng quán của người dân và chỉ cách tuyến đường Trương Pháp khoảng 50m. Nhiều điểm nứt mới bắt đầu xuất hiện. Ông Nguyễn Văn Sỹ, Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất Thành phố Đồng Hới cho hay, sau các lần sự cố khiến tuyến kè bị hư hỏng, các bên liên quan đã thành lập các đoàn để đánh giá nguyên nhân sự việc. Đến nay, chúng tôi đã có văn bản gửi UBND tỉnh Quảng Bình. "Trước mắt, để đảm bảo an toàn cho người và tài sản trước mùa mưa bão năm nay, chúng tôi đã có các văn bản đốc thúc nhà thầu gia cố tạm bằng phương án làm tường chắn khóa kè giữa phần bị hư hỏng và phần chưa hư hỏng", ông Sỹ thông tin thêm.