Nhân kỷ niệm 90 năm xuất bản cuốn “Đường Kách mệnh” (1927 – 2017) – Bảo vật quốc gia, sáng ngày 10/10, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã tổ chức lễ khai mạc Trưng bày Ánh sáng từ “Đường Kách mệnh” với hơn 150 hiện vật, tài liệu, hình ảnh và dự kiến trưng bày kéo dài trong 3 tháng.
Ấn phẩm “Đường Kách mệnh” được xuất bản năm 1927 ở Quảng Châu dưới dạng in thạch. Những bản in đầu tiên đó được bí mật chuyển về nước từ trước năm 1930, cuốn “Đường Kách mệnh” hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam là một trong những bản gốc in năm 1927, được công nhận là Bảo vật Quốc gia năm 2012.
Khai sáng quá khứ
Trước năm 1920, Việt Nam rơi vào cuộc khủng hoảng trầm trọng về con đường cứu nước. Trong bối cảnh lịch sử đó, vượt qua tầm nhìn hạn chế của những người yêu nước đương thời, trải qua quá trình bôn ba tìm đường cứu nước và hoạt động trong phong trào công nhân Pháp, công nhân quốc tế, Nguyễn Ái Quốc đã tìm thấy con đường giải phóng cho nhân dân lao động và toàn thể dân tộc, đó là “muốn cứu nước và gỉải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”.
Từ 1920 đến 1927 trong tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp”, Báo “Le Paria” (Người cùng khổ) và các bài giảng của mình, nhất là trong cuốn “Đường Kách mệnh” Nguyễn Ái Quốc đã giới thiệu những phương hướng cơ bản của cách mạng Việt Nam, vạch ra cho nhân dân ta con đường đi tới độc lập, tự do và công bằng xã hội; con đường đấu tranh giải phóng dân tộc gắn liền với đấu tranh giải phóng những người lao động bị áp bức.
Dưới ánh sáng của “Đường Kách mệnh”, lớp học trò đầu tiên khoảng 20 người, trong đó có Trần Phú (Tổng Bí Thư Đảng CSĐD năm 1930), Nguyễn Công Thu, Nguyễn Danh Thọ, Nguyễn Ngọc Ba, Phan Trọng Quảng, Phan Trọng Bình, Nguyễn Văn Lợi (những người được Bác giao nhiệm vụ về ba miền Bắc, Trung, Nam để gieo mầm hạt giống cách mạng, gây dựng những cơ sở đầu tiên của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở trong nước năm 1926), cùng Người chuẩn bị cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930, lãnh đạo nhân dân tiến hành thắng lợi Cách mạng tháng Tám 1945, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, hoàn thành sự nghiệp đấu tranh bảo vệ nền độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, thực hiện đường lối đổi mới và hội nhập quốc tế.
Soi rọi tương lai
Cách mạng tháng Tám năm 1945 là một cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân oanh liệt của mấy chục triệu nhân dân nước Việt Nam. Cuộc cách mạng đã xóa bỏ chính quyền nhà nước của thực dân và phong kiến, lập ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là nhà nước độc lập, dân chủ thực sự của nhân dân, mở ra một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội trong lịch sử phát triển của nước ta.
Giá trị lý luận và thực tiễn của tác phẩm “Đường Kách Mệnh” của lãnh tụ Hồ Chí Minh không chỉ phục vụ cho một giai đoạn trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam mà còn có vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng chỉnh đốn Đảng trong điều kiện hiện nay. “Đảng có vững mạnh cách mạng mới thành công cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy.”
Đặc biệt, vấn đề “tư cách một người cách mệnh” được đặt lên vị trí hàng đầu trong tác phẩm. “Đường Kách mệnh” có giá trị trường tồn trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam qua mọi thời đại; giá trị tác phẩm đối với công tác xây dựng Đảng, công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công tác định hướng cho cán bộ đảng viên tự rèn luyện tư cách góp phần phòng chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; đồng thời những nội dung của tác phẩm góp phần quan trọng trong thực hiện thắng lợi các nghị quyết của Đảng.
Qua triển lãm trưng bày lần này, Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam muốn gửi gắm và truyền đạt đến công chúng thông điệp: “Đảng và nhân dân Việt Nam sẽ mãi mãi đi theo con đường mà Bác đã chọn”, đồng thời nâng cao sự hiểu biết của thế hệ trẻ về tầm nhìn, sự vĩ đại của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cùng cống hiến của lớp thanh niên cách mạng vô sản đầu tiên ở Việt Nam, góp phần khơi dậy lòng yêu nước, tự hào về lịch sử dân tộc, đóng góp sức mình vào công cuộc bảo vệ và dựng xây đất nước.