Ánh trăng và ánh lửa

LÊ PHƯƠNG LIÊN 22/12/2022 07:18

Trong ký ức của tôi, có một vùng sáng rực. Đó là ánh lửa máy bay B52 cháy đỏ trời soi bóng xuống mặt nước Hồ Gươm. Ánh sáng ấy đã ở trong tâm hồn tôi suốt 50 năm qua và còn lâu hơn nữa. “Ký ức ánh sáng” bắt đầu từ buổi tối ngày 18/12/1972.

Tranh cổ động nhân kỷ niệm 50 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”.

Tối đó tôi ngồi chấm bài vừa xong. Bên ngọn đèn dầu, tôi ngắm nhìn những nét chữ học trò, những con số tròn xoe vừa ngay ngắn vừa ngộ nghĩnh nguệch ngoạc. Tôi nghĩ đến sáng mai lên lớp trả bài cho các em. Tôi sẽ nói về những điều đúng, sai của học trò… Tưởng tượng đến những ánh mắt của các em ngước lên nhìn mình, sao cứ thấy lâng lâng. Năm ấy tôi mới 21 tuổi lần đầu tiên dạy lớp 7 năm học cuối cấp, học trò của tôi sẽ đi thi hết cấp II.

Chợt có tiếng nói của bà cụ Đáng từ ngoài sân vọng vào:

- Hôm nay mới nhìn thấy mặt ông trăng.

Nghe thế, tôi đi ra sân đứng bên bà cụ, ngắm trăng! Bà cụ có con trai là anh Đáng đã đi bộ đội. Chồng bà đã mất, bà ở với con dâu và hai cháu nhỏ. Ngôi nhà này là của gia đình bà cụ Đáng. Tình dân ngày xưa là thế, bà con sẵn lòng mời cô giáo ở phố về dạy học trường làng, đến ở nhà mình. Đêm nay trời lạnh giá, mảnh trăng lưỡi liềm mong manh hiện ra giữa làn mây như sương bạc mờ ảo trên bầu trời. Bỗng trên nền trời xuất hiện những đốm lửa chi chít như pháo hoa ở xa xa.

- Cái gì thế kia! - Bà cụ Đáng hoảng hốt kêu lên, tay chỉ về hướng Đông Bắc, có lẽ nơi ấy là vùng Đông Anh, Yên Viên, Gia Lâm.

Ùng...ùng...ùng. Tiếng nổ rung chuyển mặt đất. Một ánh lửa sáng lòa bay vút lên bầu trời. Tên lửa từ trận địa phòng không ngoài bãi sông Hồng gần làng Yên Duyên đã xung trận.

Ù...u...u...ú...u...u...

Tiếng còi báo động từ cái loa truyền thanh (bé bằng một hộp bánh treo trên tường nhà) bất thình lình phát ra âm thanh dữ dội. Tôi chạy vào nhà đứng nhìn mẹ tôi, khi đó đang ngồi chấm bài cho học trò. Từ đầu năm học 1972 - 1973, do tình hình chiến tranh trở lại Hà Nội, tôi đã đón mẹ sơ tán về Yên Sở (dạy học cùng trường với tôi).

Khi ấy, từ loa nhỏ, tiếng phát thanh viên dõng dạc vang lên: “Đồng báo chú ý! Đồng bào chú ý! Địch có âm mưu đánh phá dã man ác liệt thủ đô Hà Nội! Tất cả mọi người đều phải xuống hầm trú ẩn. Không được một ai ở trên mặt đất! Đồng bào chú ý! Đồng bào chú ý…”

Chị Đáng tay dắt đứa con lớn, tay bồng đứa con bé vừa chạy ra hầm trú ẩn vừa gọi: “Bà với cô, mau xuống hầm đi! Nhanh lên!”.

Căn hầm nhà chị Đáng ở bên dưới đống rơm và có hai cửa hầm. Tôi và mẹ tôi xuống một bên cửa hầm, bốn bà cháu mẹ con xuống cửa hầm bên kia. Ngồi sâu trong lòng đất rồi mà vẫn nghe tiếng máy bay loại F111 bay thấp, rít lên như xé không gian. Tiếng bom nổ ì ùng âm u ở xa gần. Có tiếng nổ giật từng hồi, chắc là tiếng pháo cao xạ. Tôi nghĩ đến trận địa pháo cao xạ 100mm do tự vệ công nhân các nhà máy phía nam thành phố đang tác chiến. Trận địa ấy ở trên những ruộng rau bắp cải đang vào vụ cuộn lá xanh rờn.

Chị Đáng đã mang chiếu xuống hầm, mẹ tôi thì mang cái chăn mỏng. Tiếng bom tiếng súng rộ lên rồi ngớt dần, hai đứa trẻ đã ngủ ngon lành. Mẹ tôi bảo: “Đêm nay cả nhà ngủ dưới hầm”. Tôi cười: “Ngủ dưới hầm ấm mà”. Thế rồi tôi cũng thiu thiu ngủ lúc nào không biết. Thời gian đã chuyển từ ngày 18 sang ngày 19/12, tôi choàng tỉnh dậy trong tiếng động bom súng lại rộ lên ầm ầm. Đợt đánh phá thứ hai của máy bay Mỹ đã ập xuống thủ đô Hà Nội.

Thấy mẹ tôi đã thức, tôi thì thầm nói: “Có thể máy bay B52 của Mỹ đánh vào Hà Nội rồi mẹ ạ!”. Mẹ tôi nghiêng nghiêng đầu khẽ gật: “Mẹ cũng nghĩ thế! Bộ đội ta không bị bất ngờ đâu! Mẹ nghe nói Cụ Hồ đã tiên đoán Mỹ sẽ dùng máy bay B52 đánh Hà Nội. Bây giờ điều đó đã là sự thật!”. Đợt đánh phá thứ hai kéo dài khoảng hai tiếng thì mọi tiếng động tắt lặng dần. Trời tang tảng sáng, ngày 19/12 đã đến. Cả nhà ra khỏi hầm bắt đầu một ngày mới.

Tranh cổ động nhân kỷ niệm 50 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”.

Tôi ngước nhìn cái loa phóng thanh bé nhỏ. Ngày đó chưa có điện về thôn xóm mà các gia đình ở ngoại ô đều có loa phóng thanh theo mạng lưới dây dẫn của Đài Truyền thanh Hà Nội (tiếp sóng Đài Tiếng nói Việt Nam). Khoảng 5 giờ như thường lệ bản nhạc “Chiến thắng Điện Biên Phủ” quen thuộc vang lên. Cả nhà lắng nghe tiếng phát thanh viên bắt đầu bản tin buổi sáng. Bỗng đài tắt lặng. Đài Tiếng nói Việt Nam im tiếng. Chuyện gì đã xảy ra? Phía hướng Tây Nam tiếng bom nổ văng vẳng vọng lại. Máy bay Mỹ đánh đợt thứ ba. Nó đánh vào Đài phát thanh thật sao?

Tôi xuống bếp nhóm lửa luộc nồi khoai lang. Chị Đáng sửa soạn ra đồng. Mẹ tôi cùng bà cụ ra vườn hái những nụ bí ngô chuẩn bị cho bữa ăn cả ngày. Tôi bồn chồn ngóng chờ tiếng Đài phát thanh. Chín, mười phút đã trôi qua... Bất ngờ, âm thanh vang lên:

“Đây là Đài Tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội - Thủ đô nước Việt Nam dân chủ cộng hòa! Mời đồng bào và chiến sĩ cả nước nghe bản tin chiến thắng! Đêm 18/12 và rạng sáng ngày 19/12, Máy bay chiến lược B52 “pháo đài bay” của không lực Hoa Kỳ đã xâm phạm bầu trời thủ đô Hà Nội, ném bom bắn phá nhiều khu vực đông dân cư, gây tội ác với đồng bào ta. Quân dân Hà Nội đã anh dũng chiến đấu chống trả máy bay Mỹ. Bộ đội tên lửa đã bắn hạ 2 chiếc B52. Một chiếc rơi tại chỗ. Dân quân tự vệ đã bắt sống phi công Mỹ!”

Cả người tôi run lên, nước mắt mừng rỡ ứa ra. Tôi cố vượt qua giây phút xúc động, cất tiếng nói to: “Cả nhà ơi! Máy bay B52 đã bị bắn hạ, rơi tại chỗ!”. Hai đứa trẻ con thấy tôi reo mừng cũng nhảy cẫng lên vỗ tay “hoan hô”. Mẹ tôi và bà cụ Đáng cùng nhìn hai đứa trẻ tươi vui rồi nhìn nhau như cùng có một nỗi lo lắng.

Tôi đến trường. Các em học sinh đã tề tựu đông đủ. Lớp nào vào lớp đó. Tôi trả bài kiểm tra cho các em và phổ biến thông tin của nhà trường: “Từ hôm nay các em sẽ tạm nghỉ học. Nhà trường sẽ thông báo ngày đi học trở lại sau”

Thấy vẻ mặt các em học sinh buồn buồn, tôi hỏi:

- Sáng nay các em có nghe bản tin chiến thắng không?

- Có ạ! - Tiếng học sinh đáp vang lên.

Tôi nói:

- Trận đầu, bộ đội ta đã bắn rơi hai “pháo đài bay” B52! Một kỷ lục thế giới mà chưa quân đội nước nào làm được. Các em ơi! Nhất định chúng ta sẽ chiến thắng! Các em sẽ được trở lại trường!

Giọng tôi chợt nghẹn lại, hướng về phía các em học sinh ở các khu phố Hà Nội về đây sơ tán, tôi nói tiếp: “Các em học sinh sơ tán có thể rời Yên Sở theo gia đình đến những vùng an toàn hơn. Yên Sở ở gần trận địa tên lửa, nay đã thành một nơi không an toàn”.

Hướng về các em học sinh Yên Sở, tôi nói: “Các em học sinh Yên Sở ở lại cùng gia đình để cha mẹ yên tâm sản xuất và chiến đấu. Các em ở trong nhà khi có còi báo động phải xuống hầm trú ẩn ngay!”

Một cậu học trò bạo dạn giơ tay đứng dậy hỏi:

- Cô có ở lại Yên Sở không ạ?

Tôi cười:

- Có chứ! Cô sẽ ở lại với các em!

Ui chao! Cả lớp vỗ tay rầm rầm. Thế rồi các em ùa ra theo tôi ríu rít trở về nhà trên đường làng. Đường làng la liệt những mảnh giấy bạc gây nhiễu sóng ra đa do máy bay của Mỹ tung ra đầy trời để cản phá bộ đội ta tìm bắt mục tiêu.

“Chiến tranh không phải trò đùa!” Chưa bao giờ tôi thấm thía câu nói đó như vậy. Đêm 19, đêm 20, đêm 21, đêm 22, đêm 23, đêm nào cả nhà tôi cũng xuống ngủ dưới hầm. Dường như máy bay B52 vào Hà Nội đêm sau đông hơn đêm trước, phạm vị ném bom bắn phá càng ngày càng rộng hơn. Tin tức nhà sập, người chết từ nhiều nơi bay tới ngôi làng tôi ở. Trên đường đê, từng đoàn người đi xe đạp bống bế con nhỏ nối đuôi nhau rời khỏi các khu phố trung tâm. Trong đoàn người có người bị thương băng bó, có người chít khăn tang. Tang tóc đau thương vất vả hằn sâu trên nét mặt của bao người.

Đêm 21 rạng sáng ngày 22/12 máy bay Mỹ oanh tạc sân bay Bạch Mai, Bệnh viện Bạch Mai, ga Giáp Bát, ga Văn Điển. Cả một vùng đất phía nam Hà Nội rung chuyển. Bom rơi gần mình lắm rồi. Bom rơi vào Bệnh viện Bạch Mai, nhiều bác sĩ, y sĩ, nhận viên y tế đã hi sinh. Cả Hà Nội rung động. Tổng thống R.Nich-xơn đang quyết: “Đưa Hà Nội trở về thời kỳ đồ đá!”

Thế nhưng, trong đêm đó bộ đội tên lửa Hà Nội đã làm nên kỳ tích bắn rơi 7 máy bay B52 trong đó có 5 chiếc rơi tại chỗ. Trận đánh đó đã được gọi là trận thắng then chốt của lực lượng phòng không Hà Nội đối chọi với không lực Hoa Kỳ.

Đêm 24, ngày 25/12, không lực Hoa kỳ tuyên bố nghỉ Noel. Khoảng khắc tĩnh lặng ấy chính là lúc cả hai bên chuẩn bị cho một trận đánh quyết định số phận chiến dịch “Line backer II”. Từ trưa ngày 26/12 đã có tiếng máy bay trinh sát không người lái bay qua Yên Duyên và Sở Thượng (hai làng của xã Yên Sở), tiếng súng cao xạ phòng không tầm thấp nổ ran bầu trời. Bộ đội tên lửa vẫn hoàn toàn im lặng! Đường thôn, ngõ xóm vương vãi những túm giấy bạc gây nhiều sóng ra đa từ máy bay địch tung ra. Cây cối cũng bị mắc những sợi giấy bạc trên cành lá. Những đám nhiễu này định bịt mắt bộ đội tên lửa. Kẻ địch đã lầm! Bộ đội tên lửa đã có “cách đánh Hà Nội”.

Đêm 26/12/1972 trời rét đậm, không khí lạnh buốt hơn mấy đêm trước. Cả nhà vừa xuống hầm trú ẩn tiếng súng tiếng bom đã nổ ran lên rầm rầm. Tiếng máy bay gầm rú tăng lên gấp bội. Chưa bao giờ có cảm giác nhiều máy bay Mỹ lao vào Hà Nội đến thế. Càng về khuya tiếng nổ càng dồn dập, có những lúc tiếng nổ rung chuyển căn hầm. Tưởng chừng như tất cả đã bay lên thiên đàng. Nhưng rồi, qua nửa đêm, mọi âm thanh tắt lặng. Một không khí lặng lẽ đến kinh sợ như chứa đựng vẻ lạnh lẽo của cái chết. Chị Đáng ngoi lên cửa hầm trước. Tôi nghe thấy tiếng chị kêu lên như tiếng khóc: “Úi trời ơi là trời!”

Tôi nhô lên khỏi hầm và bước vào sân. Một cảnh tượng tan hoang bày ra trước mắt. Mái nhà chỉ con trơ lại cái khung gỗ. Ngói đã bị hơi bom thổi bay đi mất hết. Ánh trăng sáng soi rõ cảnh đồ đạc trong nhà phủ đầy bụi vôi vữa, gạch ngói tan vỡ phơi ra trong sương đêm. Ngôi nhà này ở ngay đầu làng gần con đường sang làng Sở Thượng. Có thể vệt bom rải thảm đã thả quả bom cuối cùng ở gần đây? Lúc ấy từ phía con đường nối liền hai làng Yên Duyên và Sở Thượng có một bóng người chạy tới. Ông ta cõng trên lưng một đứa trẻ bị thương.“Bà con ơi! Cứu làng Sở Thượng, Sở Thượng bị bom rồi!”

Nghe tiếng kêu cứu, người trong làng Yên Duyên chạy ra, người thì đỡ đứa trẻ bị thương đưa vào trạm xá của xã, người hỏi thăm tình hình bên làng Sở Thượng. Người đàn ông làng Sở Thượng nhận ra tôi bèn nói: “Cô giáo ơi! Nhà thầy Thanh, nhà thầy Sĩ bị bom rồi. Mấy đứa con đang bị vùi, cô ơi!”

Tôi rụng rời chân tay! Tai họa đã ập xuống gia đình các đồng nghiệp của tôi. Ở Yên Duyên chỉ còn mình tôi là giáo viên ở đây. Các anh chị trong ban giám hiệu nhà trường ở làng khác. Không biết tình hình mọi nơi có bị trúng bom không? Không còn chần chừ gì nữa, tôi nói với mẹ: “Con sang Sở Thượng đây, mẹ ạ!”. Tôi nghĩ, cũng có thể mẹ tôi sẽ không muốn tôi chạy đến chỗ nguy hiểm? Ai có thể biết được máy bay Mỹ có vào đánh tiếp nữa không? Thật không ngờ mẹ tôi đồng ý: “Con đi đi! Sang thăm nhà thầy Thanh, thầy Sĩ... Mẹ ở lại đấy giúp chị Đáng thu dọn nhà cửa”.

Tôi chạy vụt đi. Ui chao ơi con đường rợp bóng dừa, hai bên là đầm nuôi cá nước mênh mang, gió thổi rạt rào, giờ đây tan nát. Những cây dừa đổ ngổn ngang, cành lá tơi tả vì sức ép bom nổ. Hố bom sâu hoắm khoét một nửa con đường. Nước tràn từ đầm cá vào đường đi lênh láng. Tôi men theo bờ hố bom mà đi. Tới được nhà thầy giáo Thanh thì cảnh tượng bi thương đã hiển hiện. Ngôi nhà xinh xắn của gia đình thầy giáo đã biến thành một hố bom sâu. Tôi đến đúng lúc gặp mấy anh chị dân quân đang bế con trai của thầy Thanh cậu bé 5 tuổi mái đầu đẫm máu. Cháu và chị cháu đã lìa đời. Vợ thầy Thanh, đang ôm chặt đứa con bé nhất cho nó bú.

Thật may, trong vòng tay của người mẹ, đứa con nhỏ nhất của gia đình anh Thanh đã thoát khỏi cái chết trong một đêm bom đạn. Tôi cầm tay anh Thanh nghẹn ngào: “Cố lên anh! Cố lên anh!”. Thầy giáo Thanh (người cùng tổ chuyện môn với tôi) đứng ngẩn ra, vẻ thất thần của anh dần dần hồi lại. Anh đã bình tĩnh hơn, nói với tôi: “Cảm ơn cô Liên nhiều! Cô sang bên anh Sỹ đi. Anh ấy còn đau đớn hơn tôi”.

Tôi đi sang một ngõ khác, bụi vôi vữa tan tác bay mờ mịt trong sương đêm lạnh buốt. Trên bờ hố bom nhà thầy giáo Sỹ (giáo viên dạy văn), bốn thi thể của bốn đứa con anh đang nằm yên như ngủ. Toàn thân các cháu phủ bụi vôi vữa trắng xóa. Các cháu đang nằm ngủ và mơ. Một giấc mơ vĩnh viễn. Cô con gái lớn của thầy giáo Sỹ là Cao Oanh Trâm, học trò của tôi. Một cô bé ngoan, thông minh đầy hứa hẹn. Em đã bay lên thiên đàng.

Hình ảnh ở làng Sở Thượng đêm 26/12/1972 đã ở trong tim tôi không bao giờ phai nhòa. Tôi biết rằng cùng đêm ấy, đau thương tràn ngập phố Khâm Thiên, đau thương không chỉ ở Hà Nội mà còn ở Hải Phòng, Thái Nguyên… Những cảnh tang thương mất mát mà tôi đã viết ra chỉ là một phần nhỏ của nỗi đau tháng 12/1972. Đêm 26/12/1972 là một đêm bi hùng tráng lệ của quân và dân Hà Nội. Đêm đó các lực lượng phòng không của Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên đã bắn rơi 8 chiếc B52, trong đó mặt trận Hà Nội bắn rơi 5 chiếc B52 và 10 máy bay khác. Một chiếc B52 đã rơi ngay trên cánh đồng làng Định Công.

Sau đêm 26/12 ai ở Hà Nội cũng nghĩ rằng còn phải quyết tử thêm nhiều đêm nữa. Ngày 27/12/1972, tôi và mẹ tôi trở về ngôi nhà ở bên bờ hồ Hoàn Kiếm. Ngôi nhà vẫn còn nguyên sau hơn một tuần Hà Nội trải bom rơi đạn nổ. Mẹ con tôi nghĩ rằng: Chẳng chạy đi đâu nữa. Ta sẽ về bên hồ Hoàn Kiếm để sống chết cùng Hà Nội. Đúng như đoán định. Thua đau trong ngày 26/12 kẻ địch càng cay cú quyết đánh táo bạo hơn.

Chúng đánh sớm, tối 27/12 từ 19 giờ tiếng còi báo động đã vang lên khắp thành phố Hà Nội. Đêm ấy, tôi và mẹ tôi ngủ ở hầm trú ẩn bên bến tàu điện Bờ Hồ. Đó là đêm tôi được nhìn thấy ánh lửa B52 cháy rực soi bóng xuống mặt nước Hồ Gươm xanh thẳm. Chính đêm ấy phi công Phạm Tuân đã lái máy bay Mic lên bầu trời bắn hạ một chiếc B52. Cũng đêm ấy một chiếc B52 còn nguyên bom chưa kịp gây tội ác đã bị bộ đội tên lửa bắn hạ, rơi xuống hồ Hữu Tiệp (làng hoa Ngọc Hà). Những mảnh xác B52 rơi lả tả đường Hoàng Hoa Thám.

Đêm ấy trong hầm trú ẩn bên Hồ Gươm tôi cảm thấy trận chiến đấu kết thúc khá nhanh. Khi đồng hồ chỉ 12 giờ, tiếng bom tiếng súng đã hoàn toàn im lặng. Trên bầu trời khói bom tan đi theo làn gió lạnh. Mây lành lững lờ bay, ánh trăng hiện ra sáng lung linh trên từng nếp sóng lăn tăn trên mặt nước Hồ Gươm. Đêm ấy tôi không ngủ, tôi đi bên hồ ngắm nhìn Tháp Bút. Đài Nghiên trong ánh trăng. Ba chữ “Tả thanh thiên” trên Tháp Bút hiện ra lung linh. Tượng đài bất tử của văn hiến Thăng Long sừng sững yên lành trong mưa bom bão đạn.

50 năm đã qua, khi những ngày cuối tháng 12 lại đến, ký ức về 12 ngày đêm Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không lại về cùng tôi. Biết bao cảm xúc đau thương và hào hùng. Tôi nhớ đến câu tiên đoán của Bác Hồ: “Đế quốc Mỹ chỉ chịu thua khi thua trên bầu trời Hà Nội”. Tôi nhớ lại ngày 27/12/1972, khi từ Yên Sở trở về nhà tôi đi qua quầy báo phố Tràng Tiền mua tờ báo Nhân Dân số ra ngày 26/12/1972 có bài xã luận: “Hà Nội, thủ đô của phẩm giá con người”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ánh trăng và ánh lửa

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO