Hội làng Triều Khúc (huyện Thanh Trì, Hà Nội) diễn ra vào chiều ngày 13/2 (tức mùng 9 tháng Giêng) với nhiều hoạt động văn hóa dân gian độc đáo, đặc biệt là điệu múa cổ “Con đĩ đánh Bồng”.
Hội làng Triều Khúc bắt nguồn từ tích kể lại khi Bố Cái đại vương Phùng Hưng khởi nghĩa đánh đuổi giặc Đường, mỗi khi thắng trận để tổ chức ăn mừng chiến thắng và khích lệ tinh thần của nghĩa quân, ông cho trai tráng là binh sĩ đóng giả gái đeo trống nhỏ để múa hát và điệu múa trống Bồng bắt nguồn từ đó.
Những trai làng tham gia điệu múa phải trang điểm thành nữ giới.
Họ có thể tự trang điểm hoặc trang điểm cho nhau.
Các cụ bô lão trong làng với nhiều kinh nghiệm cũng sẽ giúp những trai làng trong việc hóa trang.
Các cụ bô lão trong làng làm nghi lễ tế trong đình.
Năm nay là năm rất đặc biệt với người dân làng Triều Khúc khi được được Bộ Văn hóa công nhận Lễ hội làng Triều Khúc là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Mở đầu hội phần rước long bào - triều phục của Hoàng đế Phùng Hưng từ đình Sắc về đình Lớn để bắt đầu cuộc tế.
Những chàng trai giả gái vừa nhún nhảy vừa vỗ trống Bồng đeo trước bụng một cách nhí nhảnh, trông vui mắt và hài hước.
Các trai làng đóng giả gái xúng xính trong bộ quần áo mớ năm mớ bảy, chít khăn mỏ quạ, múa điệu múa cổ con đĩ đánh bồng.
Những chàng trai múa đánh Bồng được tuyển chọn kỹ lưỡng, và phải là dân của làng. Sau đó đội múa được tập luyện cùng ban nhạc tại câu lạc bộ múa Bồng vào những ngày trước hội.
Các chàng trai thanh chia thành từng cặp để múa với nhau. Những động tác múa mô phỏng đời sống nông nghiệp của cư dân xưa. Ngoài các động tác múa bằng cơ thể, các chàng trai còn phải thể hiện những ánh mắt thật lúng liếng để hấp dẫn người xem.
Chí Hiếu (17 tuổi) chia sẻ, em tham gia câu lạc bộ múa bồng làng Triều Khúc được vài năm rồi, lúc đầu đóng giả gái Hiếu rất ngại ngùng, nhưng sau thành quen và cảm thấy rất vui khi được góp mặt trong ngày Lễ hội của làng.