Áo dài truyền thống vẫn vẹn nguyên giá trị

Hương Lê (thực hiện) 06/02/2017 10:10

Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị trang phục truyền thống, giới nghiên cứu văn hóa đang chung tay khôi phục thói quen mặc áo dài của cộng đồng trong những dịp lễ Tết, hội hè. Với những nỗ lực ấy, những tà áo dài mang đậm hồn Việt đang trở lại nhiều hơn.

Trang phục truyền thống được Đại sứ Phạm Sanh Châu và một số thành viên Đình làng Việt mặc thăm Phố cổ Hà Nội, dịp Tết Đinh Dậu. Ảnh: Lê Bích.

Nhân dịp đầu Xuân, PV báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trò chuyện với họa sĩ, nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình- phụ trách nhóm Đình làng Việt xung quanh chủ đề này.

PV: Thưa ông, trong dịp Tết Đinh Dậu vừa rồi, nhóm Đình làng Việt đã tổ chức chương trình Tết Việt 2017 tại đình làng So (Quốc Oai, Hà Nội) để quảng bá trang phục truyền thống. Ý tưởng này xuất phát từ đâu vậy?

Họa sĩ Nguyễn Đức Bình: Trong giai đoạn hiện nay, xu thế hội nhập quốc tế tác động đến mọi khía cạnh đặc biệt là văn hóa, điều này đòi hỏi mỗi nền văn hóa, mỗi dân tộc, mỗi cá nhân đều phải tự khẳng định bản sắc của mình. Ở quốc gia nào cũng vậy, trang phục là tiếng nói cụ thể và trực tiếp nhất để khẳng định nguồn ngốc, bản sắc văn hóa của cá nhân và rộng hơn là cả dân tộc.

Như chúng ta đã biết, thời gian qua vấn đề lựa chọn lễ phục gặp rất nhiều khó khăn, khó khăn nhất vẫn là lựa chọn trang phục dành cho phái nam. Có nhiều nguyên nhân chưa tìm ra lễ phục Nhà nước dành cho nam như chưa rõ ràng khái niệm quốc phục - lễ phục Nhà nước, hoặc có ý kiến sử dụng trang phục truyền thống, có ý kiến cần cách tân, có ý kiến dùng bộ comple, và có cả ý kiến cần thiết kế mới ...

Trong khi những tranh cãi còn chưa ngã ngũ, nhà quản lý còn bận rộn với việc lựa chọn…, chúng tôi thấy rằng bộ áo dài truyền thống của đàn ông Việt Nam vẫn còn nguyên giá trị, xứng đáng là trang phục đẹp, phù hợp với đàn ông Việt Nam trong xã hội đương đại và không thể có trang phục nào khác thay thế. Chính vì lẽ đó chúng tôi đã quyết định tạo phong trào mặc áo dài truyền thống tại các sự kiện do Đình làng Việt tổ chức, hoặc các sự kiện khác có liên quan.

Nhưng thưa ông, tại sao nhóm lại chỉ chọn quảng bá chiếc áo dài truyền thống của nam giới?

- Như chúng ta đã biết, từ khi chiếc áo dài của phái nữ ra đời, trải qua nhiều lần cách tân, thay đổi thì chiếc áo dài của chị em vẫn có vị trí và được mặc định là bộ quốc phục của phụ nữ Việt Nam. Nhưng từ sau 1954 trở lại đây, chiếc áo dài truyền thống của đàn ông Việt cùng với sự biến động của lịch sử dường như ít được nhắc đến và nó ít được thịnh hành như áo dài nữ, chiếc áo dài nam chỉ còn giữ được ở sân khấu truyền thống, các bậc cao niên và sử dụng ở các nghi lễ tâm linh.

Hiện nay, các nam diễn viên sân khấu sử dụng khá phổ biến áo dài có kiểu dáng và cách may khác với áo dài truyền thống như may tay rời, vai ngang theo kiểu âu phục, tà thẳng, tà áo được xẻ trước ngực, dáng áo gần với trang phục của Ấn Độ hoặc các nước Trung Á, dường như muốn rời bỏ hẳn với kiểu dáng chiếc áo dài truyền thống.

Trong khi đó chiếc áo dài may đo theo truyền thống vẫn còn nguyên giá trị về thẩm mỹ, thể hiện sự tinh tế của cha ông. Chính vì lẽ đó, Đình làng Việt quyết định lựa chọn quảng bá trang phục truyền thống của nam giới.

Nhân việc vận động nam giới mặc áo dài trong dịp Tết, hiện vẫn còn có nhiều ý kiến băn khoăn về việc nên chọn áo dài cách tân hay truyền thống. Quan điểm của ông ra sao?

- Hiện nay, đặc biệt trong dịp Tết vừa qua, cộng đồng rộ lên việc bộ “áo dài cách tân” của phụ nữ, có ý kiến phản đối, có ý kiến đồng tình. Với áo dài của nữ hơn một thế kỷ qua đã nhiều lần thay đổi, nhưng cũng đã nhiều lần lại quay lại kiểu dáng truyền thống.

Có những kiểu dáng được chị em đón nhận bởi sự tiện lợi và phù hợp, nhưng có kiểu dáng nhà thiết kế đã “cách tân quá đà” làm mất đi giá trị cũng như chức năng nhằm tôn vinh vẻ đẹp của phụ nữ Việt, có những sự biến đổi thái quá dẫn đến phản cảm... Thời trang thì cần có đời sống như vậy, nhưng nếu áo dài mặc trong các sự kiện mang tính chất lễ nghi thì cần nghiêm túc, phát huy giá trị và thể hiện bản sắc văn hóa.

Còn đối với áo dài nam cách tân. Tôi nghĩ sự thay đổi, sáng tạo đối với thời trang là cần thiết, đặc biệt sáng tạo phù hợp với hoàn cảnh xã hội lại càng cần khuyến khích, nhưng đối với việc áo dài nam cách tân hiện nay là không ổn, bởi hồn cốt chiếc áo dài truyền thống đã không còn. Chiếc áo dài mới này nếu không có hoa văn trang trí trên áo thì nó sẽ rất đơn điệu, chính vì vậy hầu như chúng ta thấy các nhà thiết kế áo dài kiểu mới dành cho nam hiện nay luôn phải vẽ, thêu hoa văn đậm nét trên áo.

Còn đối với áo dài truyền thống, có thể may một màu, không cần trang trí mà chiếc áo không hề đơn điệu, bởi kiểu dáng áo tạo hình rất đẹp, các nếp áo tạo ra những thay đổi về thị giác mà chiếc áo dài kiểu mới không có được.

Nhân bàn tới trang phục truyền thống của người Việt, lại liên tưởng tới quốc phục của người Việt. Rằng đến thời điểm hiện tại chúng ta vẫn chưa có bộ quốc phục (cho cả nam giới và nữ giới)?

- Theo tôi bộ quốc phục chúng ta đã có chính là áo dài truyền thống của nam và nữ, chỉ có điều hiện nay chưa có văn bản chính thức công nhận nó mà thôi.

Còn đối với lễ phục nhà nước thì đúng là chúng ta chưa tìm ra được. Nhưng theo quan điểm cá nhân tôi thấy rằng, rất nhiều người còn chưa nắm rõ khái niệm quốc phục, lễ phục. Lễ phục nhà nước mà Bộ VHTT&DL đang thực hiện lựa chọn là dành cho các nghi lễ ngoại giao của Nhà nước, bộ trang phục này cần được qui định kiểu dáng, màu sắc, cấp bậc (như qui định trang phục quân đội hoặc công an) nhưng khác ở đây là chúng ta cần lựa chọn trang phục thể hiện bản sắc văn hóa truyền thống Việt Nam, để sử dụng trong các buổi lễ trọng cấp cao, ngoại giao quốc tế. Theo tôi, bộ trang phục này người dân không thể ai cũng mặc được.

Tôi cho rằng áo dài truyền thống của nam xứng đáng được lựa chọn làm lễ phục nhà nước. Bởi vừa qua trong Chương trình Tết Việt 2017, tại đình So, toàn bộ nam thành viên Đình làng Việt mặc trang phục áo dài truyền thống để tiếp gần 100 khách nước ngoài là các Đại sứ, các nhà ngoại giao của nhiều nền văn hóa khác nhau, và đặc biệt ngày Mùng 1 Tết Đại sứ Phạm Sanh Châu và các thành viên Đình làng Việc mặc đi dạo phố với các Đại sứ đã thấy rõ rằng: áo dài truyền thống của nam có vị trí xứng đáng và được bạn bè quốc tế hết sức ca ngợi, hoàn toàn thoải mái không thấy sự bất tiện. Chúng tôi rất tự hào khi mặc bộ trang phục này.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Áo dài truyền thống vẫn vẹn nguyên giá trị