Việc áp thuế này là nhằm ngăn chặn "sự gian lận" của các "gã khổng lồ" Internet, vốn đến nay vẫn chuyển doanh số bán hàng của họ qua chi nhánh các nước thành viên EU đánh thuế thấp.
Ảnh minh họa. (Nguồn: The Economic Times).
Ngày 3/4, Áo đã đề xuất đánh thuế các "gã khổng lồ" mạng Internet như Google hay Facebook với mức 5% tổng thu nhập từ hoạt động quảng cáo kỹ thuật số của họ.
Mức thuế này cao hơn mức mà các nước khác trong Liên minh châu Âu (EU) đang có ý định áp dụng.
Thủ tướng Áo Sebastian Kurz cho biết việc áp thuế trên là nhằm ngăn chặn "sự gian lận" của các "gã khổng lồ" Internet, vốn đến nay vẫn chuyển doanh số bán hàng của họ qua chi nhánh các nước thành viên EU đánh thuế thấp.
Thuế mới nhắm vào các công ty có thu nhập trên thế giới ít nhất 750 triệu euro, trong đó ít nhất 25 triệu euro là từ Áo.
Chính phủ Áo hy vọng mức thuế mới sẽ đem về 200 triệu euro mỗi năm cho ngân sách kể từ năm 2020. Đề xuất trên cần được Quốc hội thông qua trước khi có hiệu lực.
Bên cạnh kế hoạch trên, Áo cũng sẽ tìm cách áp dụng chính sách đăng ký bắt buộc đối với các nền tảng đặt online, bao gồm cả "gã khổng lồ" dịch vụ nhà chung Airbnb (chủ nhà đăng ký cho thuê chỗ ở qua dịch vụ này).
Chính sách miễn thuế VAT hiện nay đối với các sản phẩm mua bán qua mạng có giá trị dưới 22 euro cũng sẽ bị hủy bỏ.
Đầu tháng trước, Pháp đã đề xuất một dự luật áp thuế 3% đối với các "gã khổng lồ" Google, Apple, Facebook và Amazon của Mỹ (gọi tắt là thuế GATA) liên quan đến hoạt động quảng cáo kỹ thuật số, các trang mạng và hoạt động bán lại dữ liệu cá nhân.
Tuy nhiên, Theo Bộ trưởng Tài chính Áo Hartwig Löger cho biết nước này muốn một mức thuế cao hơn để bù lại tất cả các năm mà các "gã khổng lồ" Internet đã trốn thuế.
Theo ông Löger, một phần trong số tiền thu thêm này trong ngân sách chính phủ sẽ được sử dụng để hỗ trợ cho mục tiêu kỹ thuật số hóa truyền thông Áo.
Tại Pháp, thuế được áp dụng hồi chiếu đối với thu nhập từ ngày 1/1/2019, nâng mức thu tổng lên 400 triệu euro trong năm nay, và 650 triệu vào năm 2022.
Các nước khác như Anh, Tây Ban Nha, Nhật Bản, Singapore và Ấn Độ cũng đang tìm các cơ chế áp thuế tương tự.
Sau khi không đạt động thuận ở cấp EU, Pháp cho biết giờ đây họ đang tìm điểm chung trong vấn đề này với các thành viên Tổ chức Hợp tác kinh tế và Phát triển (OECD) để đạt một thỏa thuận toàn cầu vào năm tới.