Nhận ra lợi ích và thuận lợi về sinh hoạt, đi lại, nhiều hộ dân ở TP Hồ Chí Minh đã tự nguyện hiến từ vài m2 đến hàng trăm m2 đất để mở đường. Từ đó những con hẻm nhỏ, tù túng được mở rộng; nỗi lo về úng ngập, cháy nổ ở khu dân cư cũng vơi bớt.
Anh Nguyễn Văn Thanh (37 tuổi, ở chung cư Thủ Thiêm Xanh, Thủ Đức, TP HCM) hồ hởi cho biết, dù từ đầu tháng 5 tới nay gặp nhiều trận mưa lớn kéo dài nhưng tuyến đường cạnh chung cư Thủ Thiêm Xanh vẫn cao ráo, người dân thuận tiện đi lại.
Khi người dân đồng tình ủng hộ
“Đó là nhờ vào chủ trương mở rộng hẻm đường 63, phường Bình Trưng Đông, vốn trước đây có lòng đường thấp hơn so với mặt đường chính Nguyễn Duy Trinh, khiến hễ mưa là ngập” - anh Thanh cho biết thêm.
Cũng giống như anh Thanh, hàng chục hộ dân sống hai bên đường 63 (đoạn giao cắt với đường Nguyễn Duy Trinh) đã rất vui mừng khi công việc kinh doanh, buôn bán đã thuận lợi hơn rất nhiều nhờ vào việc mở rộng và đưa vào hoạt động công trình này từ khoảng giữa tháng 6/2023.
Không chỉ tại một số hẻm đường của TP Thủ Đức, nhiều hộ dân sống tại hẻm 694 đường Nguyễn Kiệm (phường 4, quận Phú Nhuận) đã tự nguyện tháo dỡ vật kiến trúc để mở thêm không gian vỉa hè sau khi có chủ trương mở rộng hẻm của địa phương. Theo chị Ngô Thị Phượng (31 tuổi, nhân viên điều dưỡng tại Bệnh viện 175), khi hay tin hẻm được mở rộng từ 2m lên 4,5m thì người dân ở đây ai cũng phấn khởi, có một số hộ còn tự nguyện tham gia hiến đất ủng hộ chủ trương của địa phương.
“Tôi ở trọ tại hẻm 694 từ thời điểm 2008, dân cư thì tứ xứ nhưng được cái ai cũng đoàn kết, đùm bọc nhau. Đợt dịch vừa qua, chủ nhà trọ cũng đã hỗ trợ những người xa quê gắn bó với gia chủ lâu năm, đến lúc địa phương kêu gọi hiến đất họ cũng xung phong đi đầu” - chị Phượng nói.
Đáng chú ý ở nhiều quận trung tâm TP HCM vốn “tấc đất tấc vàng” nhưng người dân vẫn hăng hái hiến đất mở rộng hẻm. Điển hình như hẻm 62 Lý Chính Thắng (quận 3) trước đây chỉ rộng khoảng 3,5m, nhưng kể từ khi hẻm được mở rộng lên 6m, mặt hẻm được cải tạo bê tông xi măng kết hợp ngầm hóa điện, viễn thông, cứu hỏa, nhiều phương tiện xe 4 bánh đã có thể lưu thông dễ dàng, kèm theo người dân không còn phải chịu cảnh ngập nước hay nỗi lo về cháy nổ vào mỗi mùa khô như trước đây. Từ ban đầu vài chục hộ dân tự nguyện hiến đất mở rộng hẻm tự phát ở một số quận, huyện, nay phong trào hiến đất mở rộng hẻm đã được lan tỏa và nhân rộng ở nhiều quận, huyện của TP HCM.
Tổng kết 22 năm cuộc vận động nhân dân hiến đất mở rộng hẻm ở TP HCM, bà Nguyễn Thị Bạch Mai - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Thành ủy TP HCM, cho biết, nếu vào thời điểm trước năm 2000 thì trên địa bàn thành phố còn tồn tại nhiều con đường, hẻm phố vừa nhỏ hẹp, ngoằn ngoèo, vừa không đạt quy chuẩn về giao thông, mỹ quan đô thị và công tác phòng cháy chữa cháy. Thế nhưng, khi việc hiến đất mở rộng hẻm thu hút sự ủng hộ của đông đảo quần chúng, nhân dân thành phố, với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", đã khiến kết quả đạt được hết sức bất ngờ. Qua hơn 22 năm thực hiện, cuộc vận động đã có hơn 168.000 hộ dân tự nguyện hiến hơn 5,3 triệu m2 đất phục vụ cho khoảng 5.230 công trình, trong đó có hơn 3.800 công trình mở rộng hẻm của thành phố. Ước tính, số tiền đóng góp của nhân dân hơn 10.000 tỷ đồng, góp phần rất lớn vào việc thực hiện công tác chỉnh trang đô thị, xây dựng khu phố văn minh sạch đẹp, cải thiện môi trường sống của từng khu dân cư trên địa bàn TP HCM.
Trong số các quận, huyện có đông đảo người dân tự nguyện hiến đất mở rộng hẻm, quận Phú Nhuận ghi nhận kết quả người dân hiến hàng chục ngàn m2 đất, trong đó có nhiều công trình nằm trên khu vực sầm uất trung tâm quận. Đáng chú ý, quận này đã triển khai thực hiện hơn 100 dự án mở rộng đường, hẻm và đến nay đã đưa vào sử dụng phần lớn các công trình, trong đó có 80% tuyến hẻm được mở rộng khang trang, sạch đẹp. Ngoài ra quận Phú Nhuận vẫn đang trong quá trình tiếp tục thực hiện hàng chục công trình mở rộng hẻm phố trên địa bàn.
Ngoài quận Phú Nhuận, TP Thủ Đức, huyện Củ Chi, quận 3… cũng đã nhận được sự tích cực hưởng ứng từ phía người dân, cho thấy hiệu quả rất lớn từ phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm" khi được vận dụng hiệu quả vào một cuộc vận động hoặc phong trào cụ thể, thiết thực với quyền lợi và nguyện vọng của nhân dân.
“Nhiều hộ gia đình đã thấy được lợi ích thiết thực của phong trào, việc đi lại của người dân được thông thoáng, thuận lợi hơn, công tác phòng cháy, chữa cháy được bảo đảm, đồng thời giá trị nhà, đất tăng cao, chất lượng cuộc sống của các hộ dân được nâng lên” - bà Nguyễn Thị Bạch Mai đánh giá.
Tháo gỡ khó khăn, nhân rộng mô hình
Sau thời gian thực hiện có hiệu quả cuộc vận động người dân hiến đất mở rộng hẻm, gần đây nhiều quận, huyện của TP HCM phản ánh việc bị “vướng” khi triển khai các dự án mở rộng hẻm. Lý do kể từ tháng 7/2021 khi TP HCM thực hiện chính quyền đô thị thì 16 quận không còn HĐND và do đó khối lượng công việc dồn về UBDN TP. Do chậm quyết về ngân sách nên số hẻm được mở rộng tại nhiều quận, huyện ngày càng giảm dần, thậm chí nhiều nơi dù người dân đã đồng thuận hiến đất nhưng công trình mở rộng hẻm lại chưa thể thi công vì chờ gỡ vướng cơ chế, pháp lý.
Không để một cuộc vận động đang phát huy tính hiệu quả cao trong hơn 20 năm rơi vào bế tắc, bất cập, mới đây Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi đã ký quyết định ủy quyền cho Chủ tịch UBND 16 quận được quyết định đầu tư đối với các dự án đầu tư công nhóm C, trước đây sử dụng nguồn vốn ngân sách quận hoặc sử dụng vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách thành phố cho ngân sách quận. Thời hạn ủy quyền bắt đầu từ ngày 29/5 đến hết năm 2025.
Theo quyết định ủy quyền của Chủ tịch UBND TP HCM, Chủ tịch UBND 16 quận được quyết định đầu tư đối với các dự án đầu tư công nhóm C trước đây sử dụng nguồn vốn ngân sách quận hoặc sử dụng vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách thành phố cho ngân sách quận. Trong đó, các dự án nhóm nhóm C sẽ giới hạn dưới 120 tỷ đồng sẽ rất thuận lợi để các quận chủ động trong đầu tư các công trình mở rộng đường, hẻm nhỏ trên địa bàn quản lý trước nhu cầu cấp thiết của từng địa phương. Hiện nay, Luật Đầu tư công cũng cho phép cấp quận, huyện được quyết định đầu tư các dự án nhóm B và nhóm C.
Theo PGS.TS Nguyễn Lê Ninh - Ủy viên Ủy ban MTTQ TP HCM, khi TP HCM thực hiện chính quyền đô thị thì việc ủy quyền cho các quận được chủ động đối với các dự án nhóm C, trong đó có thể vận dụng vào các công trình mở rộng đường nhỏ hoặc công trình hẻm sẽ giúp tạo thuận lợi hơn trước đây rất nhiều. Thời gian qua khi chưa có ủy quyền thì các quận vẫn phải chờ đợi từ thành phố nên các công trình mở rộng hẻm đã giảm đi rất nhiều. Tôi đồng tình với nhiều ý kiến ĐBQH về ưu tiên triển khai Nghị quyết 98 sắp tới cho các dự án nhà ở xã hội, dự án dân sinh, trong đó có mở rộng, cải tạo đường, hẻm các quận trung tâm thành phố.