Việt Nam có khoảng 7 triệu người bị trào ngược dạ dày thực quản, trong đó, khoảng 60% người bệnh không điều trị kịp thời, dẫn đến biến chứng nguy hiểm.
Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị khoa học toàn quốc kết hợp đông - tây y trong chẩn đoán điều trị bệnh trào ngược dạ dày, thực quản và các bệnh tiêu hóa khác vừa được tổ chức tại Hà Nội.
PGS.TS Đậu Xuân Cảnh - Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam cho biết, căn bệnh này ngày càng trở thành bệnh thời đại. Theo thống kê, có khoảng 7 triệu người Việt bị trào ngược dạ dày, trong đó khoảng 60% người bệnh không điều trị kịp thời, dẫn đến biến chứng nguy hiểm như hẹp thực quản, ung thư thực quản.
Bệnh trào ngược dạ dày - thực quản dễ xuất hiện ở người thừa cân, béo phì, căng thẳng kéo dài, viêm loét dạ dày tá tràng, hay có thói quen ăn uống không lành mạnh. Ông Cảnh chia sẻ, theo đông y quan điểm rằng tỳ vị là cội nguồn của khí huyết, tiêu hóa là cội nguồn của sức khỏe. Do vậy, để giúp cho cơ thể khỏe mạnh, tỳ vị phải không mắc bệnh, khỏe mạnh và tiêu hóa tốt. Trong thời gian qua, y học cổ truyền đã có nhiều thành quả trong kết hợp đông - tây y về chẩn đoán bệnh, điều trị và phòng bệnh đường tiêu hóa, đơn cử kết hợp các kết quả về nội soi và các phương pháp thăm dò chức năng y học hiện đại trong chẩn đoán chính xác bệnh trào ngược dạ dày - thực quản và các bệnh tiêu hóa khác.
Như vậy, bên cạnh việc chẩn đoán và điều trị bằng y học hiện đại, trong đông y có nhiều loại thuốc, bài thuốc có tác dụng rất tốt trong điều trị trào ngược dạ dày thực quản. Đặc biệt các thuốc diệt vi khuẩn H.Pylori trong viêm dạ dày cấp, thuốc chống xuất huyết tiêu hóa, thuốc điều trị Hội chứng ruột kích thích, các thuốc điều trị viêm gan virus, chống táo bón…Về điều trị, các nghiên cứu cũng đã khẳng định rằng thuốc ức chế Proton là nhóm thuốc hiệu quả nhất trong điều trị trào ngược dạ dày - thực quản.
Theo PGS.TS Nguyễn Đức Tiến - nguyên Trưởng khoa Phẫu thuật cấp cứu tiêu hóa, Bệnh viện Việt Đức, bệnh trào ngược dạ dày, thực quản rất phổ biến, ngày càng có xu hướng gia tăng. Càng ở các nước phát triển, tỷ lệ mắc bệnh càng cao. Trong dịch ở dạ dày nhiều axit, nếu trào ngược gây khó chịu vùng thực quản. Các biểu hiện thường gặp như nóng rát vùng xương ức, đắng miệng, ợ chua... Đây là những triệu chứng quen thuộc và gần gũi, cũng rất dễ nhầm lẫn sang các bệnh tai mũi họng. Để chẩn đoán bệnh, nội soi ống mềm rất quan trọng. Đây tuy không phải là chẩn đoán xác định, nhưng là gợi ý, kết hợp triệu chứng lâm sàng để bác sĩ đưa ra chẩn đoán và phương pháp điều trị.
Các chuyên gia y tế đồng quan điểm, việc kết hợp đông - tây y trong chẩn đoán, điều trị các bệnh tiêu hóa nói chung và bệnh trào ngược dạ dày, thực quản nói riêng đang rất cần sự chung tay của các nhà khoa học để giảm nguy cơ mắc và biến chứng của bệnh.
Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Tri Thức cho biết, đông y đã góp phần không nhỏ trong việc phòng và chữa bệnh cho nhân dân, làm giàu cho kho tàng y học nước nhà. Đông y Việt Nam đã tích cực chủ động tham gia và có đóng góp to lớn trong kiểm soát bệnh dịch, như sốt xuất huyết, đại dịch Covid-19... Tuy nhiên, hiện vẫn còn rất nhiều cây thuốc chưa được khai thác sưu tầm, nghiên cứu... các nhà khoa học cần nhận rõ tiềm năng này để làm giàu kho tàng tri thức về thuốc đông y của nước ta, tiến tới giảm và hạn chế nhập khẩu thuốc từ nước ngoài.