Theo Tổng cục Thống kê, tháng 1/2024, chỉ số giá nhóm lương thực tháng tăng 1,74% so với tháng trước, trong đó chỉ số giá nhóm gạo tăng 2,36%. Gạo tẻ thường tăng 2,49%; gạo tẻ ngon tăng 2% và gạo nếp tăng 1,66%.
Chuẩn bị Tết, giá nhiều mặt hàng nhích lên
Giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu do nhu cầu nhập khẩu tăng mạnh tại nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các thị trường truyền thống như Philippines, Indonesia và Trung Quốc, trong khi nguồn cung gạo toàn cầu giảm do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng sâu rộng và Ấn Độ chưa nới lỏng lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng đến hết năm 2024.
Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu dùng các loại gạo tẻ ngon và gạo nếp tăng khi dịp Tết Nguyên đán sắp tới dẫn đến giá gạo tăng.
Giá gạo tẻ thường dao động từ 14.800 - 18.500 đồng/kg; giá gạo Bắc Hương từ 20.100 - 23.500 đồng/kg; giá gạo tẻ ngon Nàng Thơm chợ Đào từ 21.900 - 23.800 đồng/kg; giá gạo nếp từ 26.700 - 40.800 đồng/kg.
Đáng chú ý, Tổng cục Thống kê cho biết, giá gạo tăng và nhu cầu chuẩn bị cho Tết Nguyên đán cao đã tác động đến chỉ số giá các mặt hàng lương thực khác như giá bún, bánh phở, bánh đa tháng 1/ 2024 tăng 1,44% so với tháng trước; miến tăng 0,8%; ngũ cốc ăn liền tăng 0,53%; bột mì tăng 0,4%; mì sợi, mì, phở, cháo ăn liền tăng 0,35%.
Tương tự, ở nhóm hàng thực phẩm, dù chỉ số giá của nhóm giảm 0,09% so với tháng trước nhưng một số mặt hàng vẫn tăng giá khi Tết ngày càng đến gần.
Cụ thể, chỉ số giá thủy sản chế biến tăng 0,38% so với tháng trước; thủy sản tươi sống tăng 0,18.
Chỉ số giá thịt lợn tăng nhẹ 0,02% so với tháng trước. Giá thịt lợn tăng từ 1.000 - 2.000 đồng/kg trong những ngày gần đến Tết Giáp Thìn. Tính đến ngày 25/1/2024, giá thịt lợn hơi cả nước dao động trong khoảng 52.000 - 57.000 đồng/kg. Theo đó, mỡ động vật tăng 0,11% so với tháng trước; nội tạng động vật tăng 0,06%.
Tại các chợ dân sinh, giá thịt nạc vai, nạc mông, sườn thăn dao động từ 130.000 - 150.000 đồng/kg, tăng 10.000 - 15.000 đồng/kg tùy loại.
Chỉ số giá đường cũng tăng 0,85% so với tháng trước; các loại đậu và hạt tăng 0,49%; quả tươi, chế biến tăng 0,46%; chè, cà phê, ca cao tăng 0,41%; bánh mứt, kẹo tăng 0,39%; đồ gia vị tăng 0,23% và sữa, bơ, pho mát tăng 0,23%.
Trong tháng 1/2024, giá rau tươi, rau khô và chế biến cùng nhóm mỡ ăn, chất béo khác giảm nhẹ do nguồn cung dồi dào.
3 kịch bản CPI năm 2024
Tại cuộc họp về kết quả công tác điều hành giá năm 2023 và định hướng năm 2024, trên cơ sở đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Nhà nước về các yếu tố tác động đến lạm phát năm 2024, nhóm giúp việc Ban Chỉ đạo điều hành giá đã đưa ra 3 kịch bản lạm phát với các mức dự báo CPI bình quân tăng 3,52%, 4,03% và 4,5%.
Năm 2024 dự báo có một số yếu tố tác động đến lạm phát. Cụ thể là một số yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá trong năm 2024 như giá một số mặt hàng nguyên vật liệu, hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu dự báo có thể có biến động tăng; việc thực hiện lộ trình giá thị trường, tính đúng tính đủ chi phí trong giá các hàng hóa dịch vụ do Nhà nước định giá tiếp tục là vấn đề cần xem xét trong năm 2024 như giá dịch vụ giáo dục, giá điện, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, giao thông vận tải...
Ngược lại cũng sẽ có một số yếu tố giúp giảm áp lực lên mặt bằng giá như Việt Nam có nguồn lương thực, thực phẩm dồi dào, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu... Một số chính sách hỗ trợ về thuế trong năm 2024 vẫn tiếp tục được áp dụng tương tự như năm 2023 góp phần giảm chi phí hình thành giá xăng dầu và các hàng hóa dịch vụ.
Để thực hiện nhiệm vụ Quốc hội đề ra, Bộ Tài chính cho biết, công tác điều hành giá trong năm 2024 cần bảo đảm thực hiện kiểm soát tốt lạm phát, đồng thời tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân.
Đồng thời cần tăng cường công tác quản lý, điều hành, bình ổn thị trường giá cả, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá theo thẩm quyền; chuẩn bị tốt phương án điều hành giá các mặt hàng Nhà nước định giá, các dịch vụ công theo lộ trình thị trường. Bộ Tài chính đề nghị theo dõi sát diễn biến kinh tế và lạm phát thế giới để có những giải pháp ứng phó phù hợp; đảm bảo thông suốt hoạt động cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ, nhất là đối đối với xăng dầu và các mặt hàng chiến lược…
Theo Bộ Tài chính, cần điều hành chính sách tiền tệ theo mục tiêu đề ra phối hợp với chính sách tài khóa và các chính sách khác để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Ngoài ra phải chủ động công tác dự báo, tính toán, xây dựng và cập nhật kịch bản điều hành giá các mặt hàng thiết yếu theo lộ trình thị trường; tăng cường triển khai hiệu quả và giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá; công khai thông tin về giá...