Áp lực luyện thi

Tùng Linh 28/03/2021 07:29

Liệu chúng ta có đang quá coi trọng vào các kỳ thi chuẩn hóa? Bản chất của việc học có nằm ở các điểm thi? Những kỳ vọng của phụ huynh và học sinh liệu có tìm được điểm giao? Những câu hỏi đó vừa được Tiến sĩ, chuyên gia về giáo dục Nguyễn Chí Hiếu - CEO Tổ chức Giáo dục IEG chia sẻ với các phụ huynh, học sinh tại Hà Nội.

Tiến sĩ Nguyễn Chí Hiếu.

Kỳ vọng của phụ huynh và nỗi lòng con trẻ

Mở đầu buổi nói chuyện, TS Hiếu đã đưa ra những câu hỏi thường gặp từ phụ huynh khi quan tâm tới chương trình học của nhà trường trong nhiều năm anh tham gia giảng dạy tiếng Anh là: Tiếng Anh của trường bao nhiêu tiết? Tại sao không để giáo viên nước ngoài dạy? Khi nào luyện thi chứng chỉ tiếng Anh? Nên luyện cái gì cho con để đi du học?… Có phụ huynh khi đặt câu hỏi thì con mới chỉ học lớp 2, lớp 3 nhưng họ nhìn đường dài cho nhiều năm sau rằng nên luyện gì để cho con đi du học, mà không phải nên làm gì để con thích học?

Theo TS Hiếu: Bản chất của câu hỏi không phải là đúng hay sai, tích cực hay tiêu cực, mà quan trọng là người lớn chúng ta đang làm gì với những câu hỏi này. Nếu như các nhà trường chạy theo những câu hỏi và câu trả lời là “có”, có nhiều tiết tiếng Anh hơn, có luyện thi chứng chỉ… Thì mỗi đối tượng học sinh, mỗi lớp, mỗi khối sẽ đẩy lên làm cho chương trình học ngày một cồng kềnh và gồ ghề, và rất nhiều thứ các em phải tải. Câu hỏi tôi đặt ra là: Vậy các bố mẹ, thầy cô đã từng nghe những đứa trẻ, mà người lớn chúng ta đã từng quyết định cho nó trong 18 năm đầu đời chia sẻ gì chưa? Và đây là những chia sẻ mà chính học sinh của tôi trong 15 năm qua đã chia sẻ. Các bạn không bao giờ hỏi tôi tại sao các tiết học của chúng ta không bằng tiếng Anh mà bằng tiếng Việt? Chưa bao giờ đặt câu hỏi với tôi rằng thầy ơi em phải luyện chứng chỉ gì từ năm lớp 4 để em đi du học?

Với các bạn vào lớp thì chỉ có hai nhu cầu lớn nhất, một là được hỏi để truy cầu kiến thức, hai là được kết nối chia sẻ với người đứng lớp. Các học sinh từ lớp 6 trở lên có chia sẻ với tôi rất nhiều. Bố mẹ đặt áp lực lên một học sinh lớp 8 trường chuyên rằng điểm nào của con cũng phải là 10 và bạn bảo để được 10 điểm, em phải học đến 11, 12 giờ đêm. Em thấy em học đến 9 giờ và được 8 điểm là được rồi. Bạn hỏi, để được 10 mà phải học kiểu đó để làm gì thầy? Có bạn thì nói với tôi rằng, cả tháng nay em chỉ có một chữ trong đầu là mệt. Và khi tôi cho các học sinh lớp 8 viết cảm nghĩ về thời gian hạnh phúc nhất của em là khi nào, thì các em trả lời là lớp 1. Rồi có bạn nói rằng em chẳng muốn về nhà nữa đâu thầy ạ; Ai cũng khen em con người ta, còn em thì lạc lõng lắm; Em đã từng nghĩ đến chuyện “chấm hết”…

Khi nhìn vào những câu hỏi của các bậc phụ huynh với trường học và những mong muốn thực sự của học sinh, người ta nhận ra một khoảng “vênh” nhất định - như cách TS Hiếu gọi là một khoảng trống giữa những quan tâm của phụ huynh và học sinh. Trong khi phụ huynh quan tâm đến điểm số và các kỳ thi như thước đo năng lực của các em, thì nhiều học sinh muốn giải thoát bản thân khỏi các kỳ thi hoặc luôn cảm thấy áp lực với việc thi cử.

Thực tế đang diễn ra như thế nào?

Lấy nước Mỹ ra làm ví dụ với các con số cụ thể về hiện trạng giáo dục và thi cử, TS Nguyễn Chí Hiếu đã khiến nhiều phụ huynh ngỡ ngàng.

Con số thống kê của hệ thống giáo dục Mỹ cho biết, 80% việc học của học sinh ngày nay là việc “học gạo”. Học trên lớp là học thuộc để trả lời đúng câu trả lời trong các bài kiểm tra; tới 90% là dạy trên bề nổi, nghĩa là các học sinh chỉ nhớ kiến thức nhưng không hiểu bản chất của vấn đề. Giống như khi chúng ta nhìn lại cách học toán truyền thống khi giáo viên truyền đạt công thức và học sinh chỉ nắm công thức một cách máy móc nhưng không hiểu ý nghĩa đằng sau một công thức toán; có 30-70% giờ học trên lớp là để luyện thi. Khi phụ huynh càng áp lực nhiều kỳ thi để chứng minh năng lực của nhà trường, giáo viên thì toàn bộ giờ trên lớp sẽ dần bị đẩy thành giờ luyện thi.

TS Hiếu đưa ra nhận định rằng gần như không một đứa trẻ nào muốn luyện thi. Học sinh thích đọc, thích vẽ, thích tưởng tượng, thích tư duy, sáng tạo… chứ không thích luyện thi. Tuy nhiên, đây chính là cách mà cả trường học và nhiều trung tâm đang đưa ra để chiêu mộ học sinh. Rõ ràng, chúng ta có thể thấy bản chất của luyện thi là giết chết sự tò mò và động lực học tập của học sinh. “Có những diễn đàn đã tổ chức luyện thi từ lớp 2, lớp 3 cho học sinh để chuẩn bị vào cấp ba, đại học. Một đứa trẻ lớp 1 đã bắt đầu phải luyện thi vào lớp 10 trường chuyên. Đó là một vấn đề rất bức bối”...

Và 90% đề thi ngày nay đưa ra theo hình thức câu trả lời đúng sai, không khơi gợi sự sáng tạo cho học sinh, đặc biệt trong khung thời gian hạn chế. Nhìn về những bài thi chúng ta đang trải qua, TS Hiếu cho rằng, nếu bài kiểm tra một tiếng mà học sinh phải trả lời 90 câu hỏi thì đừng kỳ vọng nhìn thấy sự sáng tạo ở các em. Kỳ thi chuẩn hóa được thiết kế nhằm kiểm định khả năng đưa ra các phương pháp nhanh nhất, trả lời nhanh nhất từ học sinh chứ không phải đánh giá khả năng sáng tạo, phân tích vấn đề kỹ và sâu để biến kiến thức thành tài sản của mình.

Hướng trẻ hiểu bản chất của việc học

TS Hiếu cho biết: Trong một thời đại với việc luyện thi diễn ra tràn lan, từ luyện thi vào lớp một cho tới luyện thi xin việc, câu hỏi được đặt ra rằng sao không dạy cho trẻ nhỏ hiểu bản chất của việc học và để các em có thể tự tìm con đường ra cho mình với các kỳ thi? Rõ ràng, khi nhìn vào kết quả của các kỳ thi so với mong đợi của phụ huynh và nhiều người làm giáo dục, mọi người thường nghĩ rằng mong đợi và thực tế sẽ giao nhau gần như 100% nhưng trên thực tế, năng lực nền tảng của học sinh và năng lực đo được của các kỳ thi chuẩn hóa có những điểm chạm không đáng kể. Có rất nhiều năng lực của học sinh không được thể hiện trong các kỳ thi chuẩn hóa. Đây là một điều đáng buồn nhưng là thực tế đang diễn ra.

Nước Mỹ là nơi đi đầu trong các kỳ thi chuẩn hóa nhưng ở thời điểm hiện tại, nền giáo dục Mỹ cũng đang nhìn nhận lại vai trò của các bài thi chuẩn hóa. Tuy nhiên, khi mà nước Mỹ đang trong giai đoạn tái định hình lại các kỳ thi thì tại Việt Nam, một bộ phận người làm giáo dục vẫn đang lần theo vết xe đổ của các bài thi chuẩn hóa. SAT hay các chứng chỉ tiếng Anh, chứng chỉ năng lực đang được coi như những “công cụ thần thánh” cho học sinh hướng tới thành công và tương lai. Nhiều phụ huynh vẫn luôn kỳ vọng, đặt áp lực lớn lao lên con trẻ.

Theo TS Hiếu: Bản chất của kỳ thi là tốt nhưng gộp một “rừng” kỳ thi lên một đứa trẻ thì không hề tốt. Những bài thi không sai chỉ là chúng ta đang làm sai với nó mà thôi. Điều tốt nhất bạn có thể làm là giúp con bạn phát triển theo những cách khác nhau và giúp chúng xác định tài năng, sở thích cá nhân mà chúng “kết dính” nhất…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Áp lực luyện thi

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO