Áp lực mang tên 'thi trượt'

Thu Hương 12/07/2023 07:48

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo đơn vị liên quan rà soát báo cáo đầy đủ, chính xác về công tác tuyển sinh vào lớp 10 hệ công lập năm học 2023-2024 của TP Hà Nội. Không chỉ năm nay mà những năm gần đây, số thí sinh có cơ hội đỗ vào lớp 10 công lập ở Hà Nội chiếm tỷ lệ thấp khiến nhiều phụ huynh, học sinh thấy căng thẳng trước và sau mỗi kỳ thi.

Phụ huynh xếp hàng trước cổng trường Tạ Quang Bửu để tìm một “tấm vé” vào lớp 10 cho con.

Văn bản số 5114 ngày 10/7 của Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các đơn vị liên quan rà soát báo cáo đầy đủ, chính xác về công tác tuyển sinh vào lớp 10 hệ công lập năm học 2023-2024 của Hà Nội và báo cáo Thủ tướng trước ngày 12/7.

Nước mắt và nụ cười

Nghịch lý điểm chuẩn là nỗi niềm đối với chị Mai Ngọc Hà (huyện Thanh Trì) có con thi trượt lớp 10 THPT công lập năm nay.

“Căn cứ vào điểm chuẩn những năm gần đây của trường và lực học của con, gia đình tôi bàn đi tính lại mãi quyết định đăng ký cho con nguyện vọng (NV) 1 vào trường THPT Việt Nam Ba Lan; NV2 là trường THPT Ngô Thì Nhậm; NV3 là trường THPT Nguyễn Quốc Trinh. Khi Hà Nội công bố tỷ lệ chọi của các trường, tôi đã sốc vì năm nay các trường con đăng ký ở NV2 và NV3 có số lượng thí sinh cao đột biến. Con tôi đạt 36,75 điểm những vẫn trượt cả 3 NV. Điều đáng nói, nếu so với mức điểm chuẩn năm trước, con tôi đã đỗ cả 3 NV ngon lành. Nhưng năm nay, các trường nhích lên 1 điểm, 2,5 điểm và 3,75 điểm khiến con tôi bất ngờ bị rớt” - chị Hà nói trong niềm tiếc nuối vì ban đầu gia đình định đăng ký NV2 vào trường THPT Ngọc Hồi, năm nay chỉ điểm chuẩn 32 điểm thì con đã đỗ nhưng vì năm ngoái trường lấy 35,75 điểm nên nâng lên đặt xuống lại không đăng ký.

Không ai biết trước được những biến động về số lượng thí sinh đăng ký, về kết quả bài thi của thí sinh nên những bất ngờ trong mỗi mùa tuyển sinh vẫn xảy ra. Trong cuộc cạnh tranh vào lớp 10 THPT công lập, dù là trường top đầu hay top giữa, top cuối thì chỉ 0,25 điểm cũng có thể quyết định việc đỗ - trượt, là nụ cười hay nước mắt của không chỉ thí sinh mà còn là cả đại gia đình ngày đêm trông ngóng kết quả điểm thi, điểm chuẩn, thậm chí là thông tin hạ điểm chuẩn bổ sung.

Chị Thu An (quận Cầu Giấy) không giấu được niềm vui vỡ òa trong tối 10/7 khi con từ trượt thành đỗ! Con chị đạt 42 điểm trong kỳ thi vừa qua trong khi trường THPT Yên Hòa công bố điểm chuẩn 42,25. “Cả gia đình gần như chết lặng lúc đọc tin. Chưa bao giờ thấy 0,25 điểm lại quý giá đến như thế. NV2 con tôi cũng thiếu 0,5 điểm. Cháu trốn trong phòng không muốn gặp ai, bố mẹ vừa phải động viên vừa xin nghỉ làm, canh chừng nhỡ con làm điều gì dại dột. Chúng tôi cũng đã nộp hồ sơ cho con vào một trường tư thục nhưng là phương án dự phòng, không ai mong muốn. Bây giờ trường hạ điểm chuẩn, con tôi thừa 0,5 điểm. Sáng 11/7 tôi đã đi rút hồ sơ cho con ở trường tư để nộp về đây” - chị An cho biết.

Hầu như mùa tuyển sinh nào Hà Nội sau khi thông báo điểm chuẩn, ít ngày sau lại thông báo hạ điểm chuẩn một số trường do số lượng học sinh (HS) xác nhận nhập học đợt 1 còn thiếu so với chỉ tiêu. Năm học trước, Hà Nội có 11 trường THPT tuyển sinh bổ sung HS lớp 10. Năm nay, con số này là 31. Dẫu có “đoán được” nhưng lo con không có chỗ học nên không có phụ huynh nào dám ung dung ngồi chờ trường hạ điểm chuẩn để nộp hồ sơ. Những ngày qua, hình ảnh các bậc phụ huynh đã phải chạy đôn chạy đáo tìm trường, thậm chí xếp hàng xuyên đêm để mong đăng ký được một suất học cho con đã cho thấy điều đó.

Nhiều người nhận xét, mùa tuyển sinh vào lớp 10 năm nay ở Hà Nội là mùa tuyển sinh “bất ngờ”, mùa tuyển sinh “kỳ lạ” với rất nhiều nước mắt, nụ cười.

Học sinh Hà Nội thi vào lớp 10 năm học 2023-2024. Ảnh: Quang Vinh.

Không thiếu chỗ học nhưng nhiều học sinh vẫn “bơ vơ”

Theo thông tin từ Sở GDĐT Hà Nội, toàn thành phố có 71.745 HS trúng tuyển vào lớp 10 công lập (đợt 1) do đạt điểm chuẩn theo quy định chung của thành phố. Ngoài ra, trên địa bàn thành phố hiện có 13 trường THPT công lập tự chủ và trường công lập hiệp quản (thuộc các cơ sở giáo dục đại học) đang tuyển sinh lớp 10 với tổng chỉ tiêu khoảng 5.500 HS.

Số HS được tuyển vào lớp 10 các trường THPT công lập ở Hà Nội sau khi xác định điểm chuẩn đợt 1 là 77.225 HS, chiếm 59,9% tổng số HS lớp 9 tốt nghiệp THCS. Như vậy, tỷ lệ tuyển sinh vào lớp 10 trường công lập là gần 60% (59,9%), cao hơn so với kế hoạch đã công bố ban đầu là 57%.

Tuy nhiên, thực tế tính đến 16 giờ ngày 7/7 mới có 71.361 HS trúng tuyển lớp 10 công lập đã xác nhận nhập học trên hệ thống tuyển sinh của Sở GDĐT Hà Nội. Sở GDĐT Hà Nội sẽ hạ điểm, tuyển sinh bổ sung học sinh trúng tuyển vào lớp 10 một số trường, theo đó, tỷ lệ sẽ còn cao hơn.

Dẫu vậy, con số này vẫn không đáp ứng được nguyện vọng của các bậc phụ huynh Thủ đô bởi khi con trượt lớp 10 trường THPT công lập, rất nhiều gia đình đủ điều kiện cho con theo học trường tư. Nếu lựa chọn học trường nghề hay hệ thống giáo dục thường xuyên - giáo dục nghề nghiệp thì nhiều phụ huynh lo lắng cho tương lai của con mình.

“Con tôi học không kém, thi đạt hơn 40 điểm nhưng chỉ vì gia đình ở khu vực quá đông dân cư, ít trường công lập nên các con phải vất vả hơn các bạn ở các khu vực khác. Vừa là do quy định phân tuyến tuyển sinh của Hà Nội, nhưng chúng tôi cũng không đành lòng để con đi học quá xa nhà nên dù trường ngoại thành lấy điểm chuẩn thấp cũng không đăng ký. Trường nghề thì không phù hợp với con nên đến bây giờ, gia đình tôi vẫn rối bời chưa chọn được” - anh Mạnh Cường (quận Hà Đông) cho biết. Thực tế, quận Hà Đông chỉ có 3 trường THPT công lâp được giao 2.200 chỉ tiêu trong khi số học sinh tốt nghiệp lớp 9 trên địa bàn là trên 8.000. Như vậy, chỉ khoảng 28% số học sinh tốt nghiệp lớp 9 vào được trường công lập.

Một thí sinh bật khóc nức nở sau kỳ thi vào lớp 10. Nguồn: VTC news.

Cấp bù kinh phí cho học sinh THPT ngoài công lập?

Về việc phụ huynh xếp hàng xuyên đêm nộp hồ sơ vào trường THPT ngoài công lập cho con, TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GDĐT) cho rằng đó không chỉ là câu chuyện “kén trường tốt” mà là hệ quả của sự phát triển giáo dục phổ thông thiếu quy hoạch trong điều kiện đô thị hóa, hiện tượng di dân về sống ở Thủ đô ngày càng gia tăng. Số lượng HS đông trong khi chỉ tiêu vào lớp 10 công lập thấp là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng xếp hàng xuyên đêm, còn rất nhiều gia đình khác không có điều kiện cho con học trường tư thì đau đầu không biết làm sao.

Cũng có những trường năm nào cũng tuyển không đủ chỉ tiêu dù điểm chuẩn vào lớp 10 chỉ dưới 20 điểm, chênh tới hơn 20 điểm so với những trường top đầu của thành phố. Vì vậy, Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội Trần Thế Cương khẳng định Hà Nội chỗ học không thiếu là có cơ sở. Tuy nhiên, với những yếu tố bất lợi như khoảng cách địa lý xa, chất lượng đào tạo chưa đủ độ tin cậy nên không được đông đảo phụ huynh, thí sinh lựa chọn, thì ý kiến nói trên là không thực tế.

Theo quan điểm của TS Hoàng Ngọc Vinh, cần phát triển giáo dục THPT có chất lượng. Trong đó, chiến lược phân luồng sau THCS rất cần tư duy lại để có sự lựa chọn phù hợp hơn theo xu hướng chung của thế giới. Bên cạnh đó, ông Vinh đề xuất nghiên cứu việc cấp bù kinh phí cho HS THPT ngoài công lập bằng mức thu học phí của HS công lập cùng bậc học.

Trước đây Hà Nội cũng từng cấp bù học phí, miễn, giảm cho các trường THPT ngoài công lập trên địa bàn thành phố. Việc làm này nhằm giảm bớt khó khăn cho người dân nghèo đô thị. Vậy, năm học tới sẽ ra sao?

Đề xuất thí sinh được thay đổi nguyện vọng

Một trong những quy định của Hà Nội năm học 2023-2024 và nhiều năm gần đây là học sinh không được thay đổi nguyện vọng dự tuyển sau khi đã đăng ký. Từ năm 2020 trở về trước, quy định tuyển sinh vào lớp 10 ở Hà Nội cho phép thí sinh được đổi nguyện vọng dự tuyển 1 lần sau khi biết tỷ lệ chọi vào từng trường. Từ năm học 2023-2024, Nghệ An là địa phương đầu tiên cho phép thí sinh đổi nguyện vọng sau khi thi vào lớp 10 để có cơ hội trúng tuyển cao nhất. Đại diện Sở GDĐT Nghệ An cho biết những năm trước học sinh lớp 9 làm hồ sơ và đăng ký nguyện vọng trước khi kỳ thi diễn ra. Các em thường chỉ dựa vào sức học của mình để đăng ký, dẫn đến nhiều em chọn không trúng trường, mất đi cơ hội học tập phù hợp.
Chia sẻ quan điểm này, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT cho rằng nếu thí sinh được đổi nguyện vọng sau khi thi xong sẽ có cơ hội chọn trường phù hợp, giúp cơ hội trúng tuyển cao hơn bởi lúc này các em biết được chất lượng bài làm của mình, có thể tham vấn giáo viên và xin ý kiến phụ huynh chính xác hơn. Hiện việc đăng ký xét tuyển đại học cũng đã đổi mới theo hướng này giúp thí sinh lựa chọn nguyện vọng chính xác hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Áp lực mang tên 'thi trượt'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO