Áp lực xử lý rác thải ngày càng lớn

LÊ ANH 05/05/2023 07:46

Trung bình mỗi ngày TPHCM phải xử lý khoảng 9.000 tấn rác thải sinh hoạt, chưa kể một lượng lớn bị “xả chui” ra môi trường dưới nhiều hình thức. Đây là áp lực vô cùng lớn đối với một “siêu đô thị” có số dân đang tiến gần tới 15 triệu người.

Việc phải xử lý khối lượng rác thải vô cùng lớn, kèm theo việc gia tăng thường xuyên khiến công tác quản lý, xử lý rác thải gặp nhiều khó khăn. Theo ông Tống Viết Thành - Phó Trưởng phòng Quản lý chất thải rắn thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, mỗi ngày TPHCM thải ra môi trường gần 9.000 tấn rác thải rắn sinh hoạt nhưng các công ty chỉ thu gom được khoảng 40%, còn lại phụ thuộc vào hệ thống dân lập thu gom.

Cũng theo ông Thành, hiện nay do lực lượng thu gom rác dân lập với phần lớn phương tiện vận chuyển còn thiếu và cũng chưa đạt chuẩn vệ sinh môi trường nên có nhiều thách thức. Do đó, thành phố phấn đấu đến năm 2025 sẽ chuyển dần xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ mới (đốt phát điện) và bằng hình thức tái chế, với tỷ lệ hướng tới là 80%. Trên thực tế, chuyển đổi số trong lĩnh vực xử lý rác thải của TPHCM vẫn còn mới mẻ nên gặp nhiều rào cản. Tại TP Thủ Đức, ông Trần Duy Long - Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường (TNMT) TP Thủ Đức cho hay, dù từ 3 quận (2, 9, Thủ Đức) sáp nhập lại nhưng hiện nay, ước tính mỗi ngày thành phố này phải xử lý khoảng 1.300 tấn - 1.500 tấn rác thải. Ông Long cũng dự báo, với quy mô dân số không ngừng gia tăng, TP Thủ Đức sẽ phải đối diện với việc xử lý lượng rác thải sinh hoạt lên đến 2.600 - 3.000 tấn/ngày vào năm 2025. Do đó, áp lực chuyển đổi số, chuyển đổi công nghệ đối với công tác quản lý rác thải trên địa bàn thời gian tới là rất cấp thiết.

Để giải quyết áp lực ngày càng lớn về quản lý, xử lý rác thải sinh hoạt, TPHCM đã đưa vào mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM khóa XI đến 2025 phải xử lý ít nhất 80% rác thải sinh hoạt bằng công nghệ mới hiện đại (đốt phát điện) và tái chế. Từ đó, tạo đà để TPHCM hướng đến quản lý môi trường xanh vào năm 2023 với việc áp dụng phổ biến ứng dụng công nghệ đốt phát điện để xử lý chất thải, rác thải, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững và tăng trưởng xanh.

Hiện nay, tại TP Thủ Đức, Công ty Môi trường Đô thị TPHCM phối hợp với Phòng TNMT TP Thủ Đức và Công ty TNHH MTV Công ích thành phố triển khai đại trà việc dán tem (logo) để nhận diện xe thu gom rác dân lập đổ về các Trạm trung chuyển rác sinh hoạt trên địa bàn. Bằng mô hình này, TP Thủ Đức có thể kiểm soát được từ xa các thông tin thể hiện về số chuyến, khối lượng thu gom, biển số đăng ký, loại phương tiện... đồng thời việc dán tem cũng đảm bảo nhằm tránh tình trạng làm nhái, làm giả, “đổ chui”, “xả chui” chất thải diễn ra như thời gian qua. Ngoài TP Thủ Đức, Theo ông Nguyễn Trọng Minh, đại diện Công ty CP Công nghệ GRAC, TPHCM đã phân cấp cho các quận, huyện quản lý rác thải một cách chủ động. Cụ thể, các quận 3, 4, Gò Vấp, Bình Thạnh, huyện Bình Chánh và phường Tân Định (quận 1) đã ứng dụng đại trà phần mềm để quản lý rác thải. Trong khi các quận, huyện còn lại cũng đang triển khai công đoạn số hóa dữ liệu để đến cuối năm nay, toàn TPHCM có thể hoàn thành chuyển đổi số rác thải sinh hoạt.

Cũng theo ông Minh, việc quản lý rác thải và số hóa dữ liệu giúp cấp phường, xã quản lý rác thải theo địa bàn hiệu quả và dễ dàng hơn. Ngoài ra, hiệu quả rất rõ ràng của chuyển đổi số trong lĩnh vực này sẽ giúp nhà nước bù thu ngân sách quản lý tốt hơn khi số tiền vận chuyển rác thải phải thu đối với hộ gia đình và chủ nguồn thải hiện nay đang gặp áp lực rất lớn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Áp lực xử lý rác thải ngày càng lớn