Australia-Đông Timore: Lợi ích chi phối quan hệ

Mục Phu 01/09/2016 13:25

Để tránh bị kiện tụng trước Tòa án trọng tài thường trực (PCA) của LHQ, Australia đã chấp nhận đàm phán hoà giải với Đông Timore.

Australia-Đông Timore: Lợi ích chi phối quan hệ

Australia đã chấp nhận đàm phán hoà giải với Đông Timore.

Mối quan hệ giữa hai nước này vốn đã rất đặc biệt và chuyện kiện tung cũng rất đặc biệt. Sau nhiều lần yêu cầu Australia tiến hành đàm phán để phân định ranh giới trên biển nhưng không được đáp ứng, Đông Timore tuyên bố sẽ đưa chuyện này ra nhờ PCA phân xử.

Thời Đông Timore còn bị Indonesia chiếm đóng, Australia là một trong những quốc gia ủng hộ Indonesia và đã ký với Indonesia thỏa thuận phân định ranh giới trên biển giữa vùng Đông Timore và Australia.

Sau khi Đông Timore trở thành quốc gia độc lập, Australia đóng góp phần chính trong sứ mệnh của LHQ gìn giữ hoà bình và giúp xây dựng nhà nước ở Đông Timore. Giữa hai nước ký kết 3 thỏa thuận về phân chia vùng khai thác trên khu vực biển chung và trì hoãn việc phân định ranh giới trên biển cho tới năm 2057.

Năm 2013, việc Australia đặt thiết bị nghe trộm trong trụ sở chính phủ Đông Timore để dò biết sách lược đàm phán của Đông Timore bị phát giác. Vì thế và vì nguồn tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là dầu lửa, ở vùng biển theo phân chia cho mình trong 3 thỏa thuận nói trên giờ gần cạn kiệt, Đông Timore đòi Australia tiến hành đàm phán phân định ranh giới trên biển giữa hai bên để có được vùng biển rộng lớn hơn.

Australia vội chấp nhận đàm phán hoà giải với Đông Timore để tránh bị lôi ra trước PCA trong lo ngại phán quyết của PCA còn bất lợi cho Australia hơn cả kết quả hoà giải với Đông Timore.

Chuyện giữa hai nước này cho thấy rất rõ lợi ích chi phối quan hệ giữa các quốc gia như thế nào.

Khi xưa, Australia chuyển từ ủng hộ Indonesia sang trợ giúp Đông Timore để có được ảnh hưởng và vai trò nổi trội hơn hẳn các đối tác khác ở Đông Timore cũng như để có được phần lợi hơn trong 3 thỏa thuận với Đông Timore.

Bây giờ, vì lo bị thiệt từ phán quyết của PCA và để tiếp tục trì hoãn việc phân định ranh giới trên biển với Đông Timore, Australia chuyển từ khước từ sang chấp nhận đàm phán hoà giải với Đông Timore.

Còn Đông Timore chuyển từ lợi dụng Australia khi xưa vì lợi ích cấp thiết trước mắt sang đấu tranh với Australia để được lợi nhiều hơn và lâu dài ở thời nay. Đối với cả hai, quan hệ được dùng để phục vụ lợi ích chứ không phải ngược lại.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Australia-Đông Timore: Lợi ích chi phối quan hệ