Một dự luật nhằm chỉ định bà Aung San Suu Kyi giữ một vai trò mới đầy quyền lực trong chính phủ mới của Myanmar dự kiến sẽ được trình lên Quốc hội nước này trong ngày hôm nay (1/4), trong nỗ lực trao cho lãnh đạo đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) có thêm quyền hành điều hành đất nước.
Bà Aung San Suu Kyi và ông Htin Kyaw (Nguồn: Internet).
Tân Tổng thống Myanmar Htin Kyaw ngày 30/3 đã chính thức tuyên thệ nhậm chức trước Quốc hội nước này. Ông Htin Kyaw, một đồng minh thân cận của bà Suu Kyi đã trở thành nhà lãnh đạo được bầu dân chủ đầu tiên ở Myanmar sau hơn nửa thế kỷ nước này nằm dưới sự lãnh đạo của quân đội. Lễ tuyên thệ nhậm chức của ông Htin Kyaw được tổ chức tại thủ đô Naypyidaw, và nhiệm kỳ của Tổng thống của ông sẽ bắt đầu vào ngày 1/4.
“Tôi sẽ tôn trọng và tuân thủ các quy định của Hiến pháp và pháp luật” - hãng tin Bloomberg dẫn lời ông Htin Kyaw nói trong lễ tuyên thệ nhậm chức - “Tôi sẽ thực thi các nghĩa vụ bằng tất cả khả năng của mình và nỗ lực thúc đẩy hơn nữa các nguyên tắc viễn viễn về công lý, tự do, và bình đẳng. Tôi sẽ cống hiến cho sự nghiệp của Cộng hòa Liên bang Myanmar”.
Trong một bài phát biểu ngắn trước Quốc hội Myanmar ngày 30/3, ông Htin Kyaw tuyên bố Chính phủ của ông sẽ ưu tiên hòa giải dân tộc, hòa bình trong nước, xây dựng một hệ thống dân chủ liên bang, và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Ông cũng phát tín hiệu về điều chỉnh Hiến pháp - một việc đòi hỏi phải có sự thông qua của quân đội Myanmar.
“Tôi có nghĩa vụ phải có một bản Hiến pháp phù hợp với đất nước này và phù hợp với các nguyên tắc dân chủ” - ông Htin Kyaw nói - “Tôi hiểu rằng chúng ta cần kiên nhẫn và thực hiện mục tiêu chính trị mà nhân dân đã mong mỏi trong nhiều năm”.
Người phát ngôn của NLD cho hay, vai trò mới của bà Suu Kyi sẽ không cần có sự thay đổi trong Hiến pháp, mà chỉ cần sự chấp thuận của Quốc hội, mà trong đó đảng NLD đang kiểm soát. Thượng viện trong Quốc hội dự kiến sẽ có cuộc họp hôm 1/4, khi dự luật sẽ được đem ra thảo luận.
Cùng tại buổi tuyên thệ nhậm chức của nội các nước này, ngày 30-3, bà Aung San Suu Kyi đã được bổ nhiệm đứng đầu 4 bộ, cụ thể là đảm nhiệm vai trò Ngoại trưởng Myanmar, bộ trưởng Văn phòng Tổng thống, bộ trưởng Giáo dục, bộ trưởng Điện lực và Năng lượng.
Một người phát ngôn của NLD nói rằng vai trò của bà Suu Kyi - gần tương tự như một Thủ tướng - sẽ cho phép bà kiểm soát chính phủ và cũng có trách nhiệm lớn hơn trong Quốc hội Myanmar, tiến trình dân chủ và các cuộc đàm phán thúc đẩy hòa bình quốc gia.
Một bản đề xuất dự thảo, trong đó có nhắc đích danh bà Aung San Suu Kyi, sẽ cho phép bà đóng góp “trách nhiệm đối với Quốc hội liên quan tới việc cố vấn”, bà cũng có quyền lực để tổ chức bất kỳ cuộc họp nào mà bà cho là cần thiết và kêu gọi nguồn ngân sách.
Theo Hiến pháp của Myanmar, bà Aung San Suu Kyi không được phép trở thành Tổng thống của nước này, thay vào đó đồng minh thân cận của bà là ông Htin Kyaw đã nhận trọng trách này. Tuy nhiên, bà vẫn luôn nhắc lại tuyên bố trước đây rằng bà sẽ còn “đứng trên cả Tổng thống”.
Ông Aung Kyi Nyunt, một nghị sỹ ở Thượng viện Myanmar, người ủng hộ dự luật trên, nói rằng vai trò mới của bà Suu Kyi đã phản ánh đúng thực tế rằng bà đã giành được sự ủng hộ rộng rãi của người dân sau cuộc tổng tuyển cử tổ chức hồi tháng 11 năm ngoái.
“Mục tiêu của đề xuất mới nằm trong dự luật trình lên Thượng viện là hoàn thành tâm nguyện và lợi ích của những người dân đã đi bỏ phiếu trong ngày 8/11/2015” - ông Kyi Nyunt nói.
Để nắm giữ các vị trí trong nội các, bà Suu Kyi phải rời bỏ cương vị nghị sỹ quốc hội và vai trò lãnh đạo NLD, đảng mà bà đã chung tay sáng lập cách đây hơn 25 năm.
Trên cương vị Ngoại trưởng Myanmar, bà Suu Kyi sẽ có một ghế trong Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia của Myanmar. Hội đồng này được lập ra theo Hiến pháp do quân đội soạn thảo của Mynanmar, có các thành viên chủ yếu là các nhân vật quân đội, và có thể nắm giữ quyền lực lớn hơn cả Chính phủ được bầu.