Đến nay đã giữa năm 2024 nhưng cả nước còn 160 nghìn hộ chưa có điện, 715 nghìn hộ dân cần cải tạo nguồn điện trên địa bàn 3000 xã.
Ngày 29/5, Quốc hội thảo luận cả ngày về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024; Kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023; Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023.
ĐB Hoàng Quốc Khánh (Đoàn Lai Châu) nói rằng, Nghị quyết phát triển kinh tế xã hội năm 2024 được thông qua xác định nhiệm vụ đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình cấp điện nông thôn miền núi hải đảo giai đoạn 20221-2025. Đến nay đã giữa năm 2024 nhưng cả nước còn 160 nghìn hộ chưa có điện, 715 nghìn hộ dân cần cải tạo nguồn điện trên địa bàn 3000 xã. Trong đó có một số xã biên giới, đặc biệt khó khăn với 1075 xã.
Ngay từ năm 2021 Chính phủ và Bộ Công thương đã tập trung chỉ đạo nhưng theo trả lời của các cơ quan chức năng đến nay chưa cân đối được kinh phí đầu tư. Đây là dự án cần nguồn đầu tư lớn không thể có nguồn vốn ngay, cần có lộ trình thứ tự ưu tiên. Do đó đề nghị Chính phủ quan tâm vì từ nay đến hết năm 2025 thời gian không còn nhiều.
Hiện tỉnh Lai Châu theo quy hoạch đang hoà lưới điện trên 2000 MW. Tuy nhiên đường điện đi qua bản nhưng còn 22 bản chưa có điện ở các xã biên giới vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Vì không có điện cùng với việc không có sóng điện thoại, không có mạng wifi, không có ti vi để xem nên trong các đợt tiếp xúc cử tri vừa qua đồng bào kiến nghị cần sớm khắc phục.
"Cử tri phản ánh Nhà nước vừa kỷ niệm 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ nhiều người là nhân chứng sống của sự kiện năm 1954 nhưng do không có điện nên không được xem lễ kỷ niệm. Cử tri đề nghị quan tâm đầu tư để năm 2025 kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước người dân chưa có điện được xem truyền hình trực tiếp. Đây là vấn đề đã được cử tri kiến nghị nhiều lần".
ĐB Nguyễn Hữu Thông (Đoàn Bình Thuận) cũng cho hay, đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn nhất là vùng sâu vùng xa, dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo, tình trạng quá tải tại một số bệnh viện chưa được khắc phục triệt để, thiếu thuốc trang thiết bị y tế, số lao động chưa qua đào tạo còn cao, lừa đảo công nghệ cao còn nhiều đây là những vấn đề cử tri, Nhân dân bức xúc, lo lắng. Do đó cần quan tâm có giải pháp thực sự hiệu quả cho tình trạng này.
Theo ĐB Trần Khánh Thu (Đoàn Thái Bình), tình trạng chênh lệch về chỉ số tử vong trẻ em, suy dinh dưỡng giữa các vùng ở nước ta chưa được cải thiện nhiều. Việt Nam là 1 trong những nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Tuy tuổi thọ bình quân của người Việt Nam cao nhưng số năm sống khỏe mạnh tính từ lúc sinh mới chỉ đạt 65 năm, như vậy người dân Việt nam có gần 10 năm sống với gánh nặng bệnh tật. Tất cả điều này tạo áp lực lớn đối với hệ thống y tế, an sinh xã hội và các dịch vụ chăm sóc y tế nhưng chưa có giải pháp hiệu quả ứng phó.
Bà Thu cũng đề nghị, Chính phủ xây dựng chính sách hỗ trợ cho sinh viên học ngành bác sỹ y khoa, trên cơ sở hỗ trợ học phí với cam kết sau khi ra trường sẽ làm việc theo sự phân công của Nhà nước. Như vậy vừa đảm bảo nguồn sinh viên, đặc biệt là sinh viên có hoàn cảnh khó khăn có cơ hội đạt được nguyện vọng trở thành bác sỹ, đồng thời giải quyết được vấn đề nguồn nhân lực y tế tại các vùng sâu, vùng xa, vùng thiếu bác sỹ.