Từ vị trí một nữ chính trị gia ít được biết, bà Theresa May đã trỗi dậy nhanh chóng từ sự hỗn loạn mà Brexit gây ra cho nước Anh, trở thành người kế tục xuất sắc “bà đầm thép” Margaret Thatcher.
Tân Thủ tướng Anh Theresa May. (Nguồn: AFP).
Là nhà lãnh đạo nữ thứ hai của đất nước Anh sau “bà đầm thép” Margaret Thatcher, bà Theresa May từng công khai ủng hộ quan điểm Anh ở lại EU. Bà luôn giữ kín thân thế trong suốt chiến dịch vận động, và phải mãi đến khi sự kiện ngày 23/6 tạo nên một cơn chấn động khi người dân Anh lựa chọn Brexit, bà mới bước vào vị trí trống mà Thủ tướng David Cameron để lại.
Ngay sau đó, bà May đã đứng lên tuyên bố rằng, quãng thời gian hoạt động chính trị trong vài năm trở lại đây đã làm thay đổi quan điểm của bản thân bà và vì đó mà bà ủng hộ Brexit.
Dù bà May đã âm thầm đánh bại các đối thủ để có được vị trí này, nhưng như nhiều nhà bình luận thì đó là một vị trí dường như không có ai mong muốn tại thời điểm này. Trên cương vị Thủ tướng Anh thời kỳ hậu Brexit, bà May sẽ phải đối mặt với hàng loạt các thách thức gồm bình ổn nền kinh tế Anh, tái đoàn kết một đất nước đang bị chia rẽ sâu sắc, tái đoàn kết nội bộ đảng Bảo thủ…
Người đồng nghiệp trong đảng Bảo thủ Kenneth Clarke từng đặt biệt danh cho bà May là “ngươi phụ nữ vô cùng cứng rắn”, và biệt danh được bà nhắc lại trong một tuyên bố đưa ra sau khi bà giành chắc vị trí Thủ tướng cùng hứa hẹn rằng sự cứng rắn đó sẽ được chứng tỏ trong quá trình đàm phán với các nước thành viên EU về tiến trình Brexit.
Nữ Thủ tướng 59 tuổi nói rằng đây là tố chất cực kỳ cần thiết để bà và các thành viên Nội các mới của chính phủ Anh đương đầu với các trận chiến trước mắt. “Người tiếp theo cảm nhận được sự cứng rắn của tôi sẽ là Jean- Claude Juncker”- bà May nói trước Quốc hội, ám chỉ các vòng đàm phán về Brexit với Chủ tịch Ủy ban châu Âu.
Theresa May là ai?
Chỉ khi trở thành Thủ tướng, cuộc sống riêng tư mà trước đây chưa từng được ai biết đến của bà Theresa May mới được hé lộ đôi chút.
Bà May tự mô tả mình là fan hâm mộ bộ môn Cric-kê, ngoài ra bà thích đi bộ và nấu nướng. Bà từng thổ lộ trong một cuộc phỏng vấn gần đây rằng bà sở hữu một bộ sưu tập sách nấu ăn gồm hơn 100 cuốn ở nhà riêng. Theo hãng BBC, bà cũng rất yêu thích ban nhạc ABBA và bài hát “tủ” của bà là “Dancing Queen” của nhóm này.
Bà May cũng nổi tiếng với bộ sưu tập giày cao gót da báo của mình, dường như trái ngược với phong cách ăn mặc tinh tế và sang trọng của bản thân. Ngoài ra, cũng giống như rất nhiều các chính trị gia khác, bà May tỏ ra kín tiếng về cuộc sống riêng tư của mình theo một cách riêng biệt.
Bà Theresa Mary May tên khai sinh là Theresa Mary Braiser, sinh ngày 1/10/1956 tại Eastbourne, East Sussex, bờ biển phía đông nam nước Anh. Cha bà là một mục sư đạo Tin lành, qua đời trong một vụ tai nạn ôtô năm bà 25 tuổi. Mẹ bà, một phụ nữ mắc chứng xơ cứng, cũng qua đời một năm sau đó. Mặc dù sinh ra ở Sussex nhưng bà May lớn lên chủ yếu ở Oxfordshire.
Bà theo học cả trường công lẫn trường tư trước khi tới Oxford và theo học ngành nghiên cứu địa lý tại Cao đẳng Hugh, thuộc Đại học Oxford. Chính tại ngôi trường này, bà đã gặp người chồng tương lai của mình là ông Philip May trong một buổi khiêu vũ dành cho những sinh viên theo đảng Bảo thủ.
Bà May từng làm việc trong ngành tài chính, bao gồm cả Ngân hàng Trung ương Anh, trước khi được bầu làm một Nghị sỹ đại diện cho thị trấn Maidenhead năm 1997. Năm 2002, trên cương vị Chủ tịch đảng Bảo thủ, bà May đã từng “gây bão” khi cho rằng đảng Bảo thủ bị xem là một “đảng xấu xa” và cần phải tự thay đổi hình ảnh của mình. Và phải mãi đến khi ông David Cameron giữ chức vị này, đảng Bảo thủ mới thực sự bắt đầu cải tổ lại.
Đối thủ chính của bà, bà Andre Leadsom, đã phải bỏ cuộc giữa chừng trong cuộc đua giành vị trí Thủ tướng do đưa ra bình luận gây tranh cãi về thiên chức làm mẹ của bà May, nói rằng bà không đủ tiêu chuẩn để trở thành Thủ tướng.
Người tham công tiếc việc
Khi đảng Bảo thủ giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử năm 2010, Theresa May được bầu vào vị trí Bộ trưởng Nội vụ- nhiệm vụ khó khăn nhất trong chính phủ Anh từng khiến nhiều vị chính trị gia tiêu tan sự nghiệp trước đây. Thế nhưng, bà May đã giữ vị trí này trong suốt 6 năm qua, cũng là khoảng thời gian nắm giữ vị trí Bộ trưởng Nội vụ lâu nhất ở Anh, kể từ năm 1892.
Những người ủng hộ nói rằng, trong khoảng thời gian đó, bà May đã đạt được nhiều thành tựu trong sự nghiệp, trong đó gồm vụ trục xuất giáo sỹ có tư tưởng cực đoan Abu Qatada về Jordan, đối đầu với Hiệp hội Cảnh sát- liên hiệp đầy quyền lực của giới cảnh sát, để chống lại hàng loạt vụ bê bối… Năm 2013, bà May thừa nhận bà bị mắc chứng tiểu đường loại 1 nhưng khẳng định nó không ảnh hưởng tới sự nghiệp của mình.
Bà May cũng được tôn trọng bởi thái độ làm việc hết sức nghiêm túc. Báo giới Anh nói rằng, bà May chưa từng lang thang ở các quán bar để uống rượu hay tán chuyện như nhiều chính trị gia khác. Thay vào đó, bà nổi tiếng là người tham công tiếc việc và giữ thái độ làm việc cực kỳ chuyên nghiệp.
Trong thời điểm hậu Brexit, bà May đã thể hiện vai trò của một người kết nối, giữa một bên là phe hoài nghi châu Âu và một bên là phe tiến bộ của đảng Bảo thủ. Bằng bản lĩnh và kinh nghiệm chính trị của mình, bà May đã cho thấy khả năng tập hợp được các phe phái xung khắc trong nội bộ đảng, đồng thời khiến cho mâu thuẫn giữa những người ủng hộ và những người phản đối Brexit lắng dần xuống.
“Bà đầm thép” Margaret Thatcher
Từ con gái ông chủ cửa hàng thực phẩm, Margaret Thatcher đã làm nên lịch sử. Bà trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của nước Anh và là một trong những nhân vật nổi tiếng nhất của thế kỷ 20.
Tháng 2-1975, bà đánh bại Willie Whitelaw để trở thành lãnh đạo đảng Bảo thủ, người phụ nữ đầu tiên trong lịch sử nước Anh đứng đầu một đảng. Với tư duy chính trị sắc bén, bốn năm sau, bà làm nên lịch sử khi trở thành nữ Thủ tướng đầu tiên của nước Anh. Những gì “bà đầm thép” đã làm cho nước Anh đến nay vẫn được người ta nhớ đến. Bà lấy lại sự tôn trọng của thế giới đối với nước Anh nhờ những thành tích về kinh tế. Bà cũng là Thủ tướng tại vị lâu nhất trong lịch sử Anh kể từ năm 1827. Năm 2002, bà Thatcher đứng ở vị trí thứ 16 trong danh sách 100 người Anh vĩ đại nhất mọi thời đại.