“Bà đỡ” cho những cây dược liệu của bà con dân tộc thiểu số vùng biên

T.S 25/09/2023 14:00

“Bà đỡ” ở đây chính là nguồn vốn từ Chương trình MTQG 1719 để phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn I (từ 2021-2025) nhằm triển khai kế hoạch "Đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý" của bà con DTTS huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế).

Vùng đất phù hợp phát triển vùng trồng dược liệu quý

A Lưới là huyện miền núi vùng cao, biên giới nằm ở phía Tây của tỉnh Thừa Thiên Huế, hiện có 17 xã và 1 thị trấn với địa hình chủ yếu là đồi núi, đèo dốc. Dân số chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm trên 75% dân số. Cuối năm 2022, trên địa bàn có 5.399 hộ nghèo chiếm 38,2%, trong đó, hộ nghèo DTTS là 5.137 hộ chiếm 95,1%.

A Lưới (Thừa Thiên- Huế) nằm trong lòng chảo trên đỉnh Trường Sơn nên có thổ nhưỡng và khí hậu đặc thù, phù hợp với nhiều loài cây dược liệu. Ảnh: baodantoc.vn
A Lưới (Thừa Thiên- Huế) nằm trong lòng chảo trên đỉnh Trường Sơn nên có thổ nhưỡng và khí hậu đặc thù, phù hợp với nhiều loài cây dược liệu. Ảnh: baodantoc.vn

Vì đây là huyện vùng cao nên A Lưới lại có khí hậu mát mẻ trong lành, điều này thích hợp để trồng các cây dược liệu như: Cà gai leo, hà thủ ô, sâm bố chính, nhân trần... Tuy nhiên, một thời gian dài trước đây người dân ở đây chỉ biết khai thác những dược liệu hoang dã hoặc phát triển manh mún, nhỏ lẻ chưa phát huy được tiềm năng của vùng.

Mới đây, UBND huyện A Lưới đã ban hành kế hoạch triển khai nội dung "Đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý" thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn I (từ 2021-2025). Theo đó, huyện A Lưới đã quy hoạch hơn 360ha vùng trồng dược liệu, tập trung tại các xã Quảng Nhâm, A Roàng, Hồng Bắc với tổng kinh phí đầu tư 229 tỷ đồng (vốn ngân sách nhà nước 68 tỷ đồng, vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội tối đa 96 tỷ đồng, vốn huy động khác là 65 tỷ đồng).

Việc triển khai dự án trồng cây dược liệu tại huyện miền núi khó khăn của tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ góp phần quan trọng trong việc tạo sinh kế bền vững, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.

Đầu tư có kế hoạch, hình thành chuỗi giá trị phát triển dược liệu quý

Lãnh đạo UBND huyện A Lưới cho rằng, việc hình thành hệ thống chuỗi giá trị phát triển dược liệu quý vùng đồng bào DTTS và miền núi sẽ góp phần đảm bảo đầu ra sản phẩm dược liệu sản xuất trong vùng và tăng thu nhập ổn định cho đồng bào khu vực triển khai dự án.

Căn cứ vào kết quả phân tích đất, nước của Viện Nông hóa thổ nhưỡng và định hướng một số cây dược liệu có tiềm năng, phù hợp với địa điểm, dự kiến triển khai vùng trồng dược liệu quý với các loại như ba kích, bách hộ, cà gai leo, hà thủ ô, hoài sơn, hy thiêm, mạch môn, nhân trần, sa nhân tím, sâm bố chính, thiên niên kiện, sạ cạn.

Đoàn công tác của Cục Y dược cổ truyền, Bộ Y tế khảo sát tại xã Hồng Bắc, huyện A Lưới. Ảnh: badt.thuathienhue.gov.vn

Dự án được triển khai thực hiện tại các xã Hồng Bắc, Quảng Nhâm và một số xã khác sử dụng tối thiểu 50% lao động là người dân tộc thiểu số (ưu tiên các dự án có sử dụng trên 50% là lao động nữ); thời gian thực hiện từ năm 2022 đến năm 2025.

Trước đó, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế cũng đã ban hành đề án “Phát triển vùng nguyên liệu và các sản phẩm dược liệu gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của tỉnh đến năm 2030” nên hoạt động sản xuất trồng cây dược liệu của bà con đã dần đi vào quy củ.

Theo đó, trong năm 2023, bên cạnh tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách ưu đãi hỗ trợ cho các doanh nghiệp, người dân tham gia phát triển dược liệu, tỉnh Thừa Thiên – Huế sẽ ưu tiên lựa lọn một số loại cây dược diệu, vùng trồng dược liệu; xây dựng trục văn hóa – thảo dược để phát triển các sản phẩm dược liệu gắn với chương trình OCOP tại tỉnh Thừa Thiên – Huế; phát triển chuỗi giá trị các sản phẩm dược liệu… góp phần mang lại sinh kế bền vững cho bà con.

 Trồng sâm Bố Chính ở Quảng Nhâm ( A Lưới). Ảnh: baothuathienhue.vn
Trồng sâm Bố Chính ở Quảng Nhâm ( A Lưới). Ảnh: baothuathienhue.vn

Ông Nguyễn Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới cho biết: Phát triển dược liệu là một chủ trương lớn, tỉnh và huyện ban hành nhiều văn bản liên quan đến vấn đề này. Trong đó, người dân và doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện thành dự án phát triển vùng dược liệu cho A Lưới. Dự án trồng cây dược liệu theo chuỗi ở A Lưới là một quyết sách mang tính chiến lược. Dự án thành công, A Lưới sẽ trở thành vùng trồng dược liệu quý, thu hút đầu tư, phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị. Trở thành động lực quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo hiệu quả ở vùng đồng bào DTTS, góp phần vào sự thành công chung của Chương trình MTQG 1719.

Lãnh đạo Sở KH và CN tỉnh Thừa Thiên Huế thông tin, phát triển vùng nguyên liệu và các sản phẩm dược liệu gắn với Dự án 1719 phải dựa trên cơ sở khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập bình quân của vùng so với bình quân chung của cả nước; giảm dần số xã, thôn đặc biệt khó khăn, thu hút các nhà đầu tư phát triển các cơ sở sản xuất, chế biến dược liệu, thuốc và thực phẩm chức năng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    “Bà đỡ” cho những cây dược liệu của bà con dân tộc thiểu số vùng biên

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO