Ba quốc gia Đông Nam Á gồm Philippines, Indonesia và Malaysia hôm 22/6 đã công bố kế hoạch thắt chặt hợp tác để ngừng dòng phiến quân, vũ khí và chương trình tuyên truyền cực đoan đổ tới nước họ, trong bối cảnh xảy ra hàng loạt vụ tấn công khủng bố trong khu vực thời gian qua.
Cảnh sát trưởng Quốc gia Indonesia, Philippines và Malaysia bắt tay trong cuộc họp an ninh ba bên tổ chức tại Manila hôm 22/6. (Nguồn: AP).
Ngoại trưởng Philippines Alan Peter Cayetano cùng những người đồng cấp từ Malaysia, Indonesia vừa tới thủ đô Manila (Philippines) nhằm cùng với giới chức an ninh cấp cao thảo luận về một kế hoạch hành động chung, trong lúc mà chính phủ Philippines đang thực hiện cuộc chiến chống phiến quân thân IS ở thành phố Marawi, đến nay đã khiến 369 người thiệt mạng.
Trong bối cảnh phiến quân IS đang mất dần lãnh thổ ở Syrira và Iraq, chính phủ các nước ở khu vực Đông Nam Á lo ngại rằng các chiến binh người châu Á, trong đó rất nhiều đến từ Indonesia và Malaysia, có thể trở về nước để lợi dụng các điểm yếu trong luật pháp tại các nước để khơi dậy làn sóng cực đoan.
Nhiều người lo ngại rằng cuộc chiến kéo dài cả tháng ở thành phố miền Nam Marawi của Philippines có thể thu hút thêm sự trở lại của những kẻ phiến quân.
“Chúng tôi cho rằng những kẻ phiến quân sẽ sớm trở về châu Á và cũng do tình trạng ở Marawi, Philippines giờ như một thỏi nam châm” - Tướng Eduardo Ano, Tham mưu trưởng quân đội Philippines, cho hay.
Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi, trong cuộc thảo luận trên, cũng lên án vụ tấn công ở Marawi và nói rằng chính phủ nước ông luôn sẵn sàng giúp đỡ chính phủ Philippines.
“Thách thức của các bạn cũng là thách thức của Indonesia và cũng là các thách thức của toàn khu vực” - bà Marsudi nói trong bài phát biểu khai mạc phiên thảo luận, thêm rằng, mối đe dọa từ chủ nghĩa khủng bố là rõ ràng và “không đưa ra hành động không phải một lựa chọn”.
Theo AP, một dự thảo về tuyên bố chung dự kiến sẽ được công bố sau cuộc họp ba bên này, trong đó thể hiện “mối quan ngại về các vụ khủng bố xảy ra gần đây cũng như làn sóng cực đoan bạo lực” ở các nước, thêm đó là nêu bật nguyện vọng của các nước này trong việc đưa ra một kế hoạch chung chống lại khủng bố.
Ba quốc gia này cũng dự kiến cam kết tăng cường chia sẻ thông tin tình báo về các mối đe dọa tiềm tàng, ngăn chặn làn sóng phiến quân trở về nước, nguồn tiền rót cho các tổ chức phiến quân và ngăn chặn sự lây lan của các loại nội dung tuyên truyền cực đoan trên mạng xã hội.
Các quốc gia này cũng sẽ thảo luận về cách thức hợp tác để tăng cường các khóa huấn luyện nhân viên hành pháp, cũng xem xét về bộ luật chống khủng bố, và giúp đỡ nhau “chống lại tư tưởng cực đoan thông qua giáo dục”, theo dự thảo tuyên bố.
“Điều quan trọng là phải có được sự giúp đỡ từ các thủ lĩnh tín ngưỡng để chúng ta có thể mang họ đến với Hồi giáo chính thống, trung lập” - ông Ano nói.
Trước đó, trong hôm 23/5 vừa qua, khoảng 500 tay súng phiến quân, trong đó có khoảng 40 công dân Indonesia, Malaysia và nhiều nước khác, đã ập tới khu vực kinh doanh tấp nập của thành phố Marawi, nơi tập trung đông cộng đồng Hồi giáo của Philippines. Chúng bắt giữ một cha xứ Công giáo và nhiều con tin khác, chiếm đóng nhiều tòa nhà và cắm lá cờ đen của IS bên trên nóc.
Sau khi lực lượng an ninh Philippines đột kích một ngôi nhà để tìm kẻ phiến quân tên Isnilon Hapilon - một chỉ huy của phiến quân Abu Sayyaf và đứng đầu nhánh IS ở Philippines - phiến quân Maute đã tấn công Marawi, bắt cóc con tin, đốt phá các tòa nhà để đáp trả.
Trong số 276 kẻ phiến quân đã bi tiêu diệt, có ít nhất 3 là công dân Malaysia và 1 đến từ Indonesia, Tướng Ano cho hay, thêm rằng hồi tuần trước Malaysia đã bắt giữ một số lượng chưa xác định những kẻ phiến quân dự định đến Marawi, điều này cho thấy các nước cần phải hợp tác để đảm bảo an ninh khu vực.
Cũng trong hôm 22/6, quân đội Philippines cho hay, phiến quân Hồi giáo Maute ở Marawi đã bị họ dồn về một góc của thành phố này và hỏa lực của phiến quân đang dần suy yếu. Theo ông Jo-ar Herrera, người phát ngôn quân đội Philippines, số phiến quân Hồi giáo Maute cố thủ ở Marawi đã giảm còn “hơn 100 tên”.
Theo Trung tá Christopher Tampus, diện tích phiến quân kiểm soát giảm chỉ còn 1 km vuông. Binh sĩ của ông đang phong tỏa đường rút dọc theo các cầu bắc qua con sông ở phía Tây khu vực có phiến quân.
“Các lực lượng của chúng tôi tiến đến từ phía Đông và Bắc. Chúng tôi đang chặn ba cây cầu” - ông Tampus cho hay.
Phiến quân Maute vẫn sử dụng xạ thủ, nấp trong “các tổ chiến lược” ở trường học và nhà thờ, cùng bom tự chế để cản bước quân đội Philippines. Ông Tampus cho hay ông nhìn thấy ít nhất 5 dân thường bị buộc phải đứng ngoài đường làm lá chắn sống.