Bà Rịa - Vũng Tàu: Lộn xộn bất động sản: Bài 1: 'Loạn' làm đường trên đất nông nghiệp

Nguyên Vũ 24/03/2022 06:00

Thời gian qua, các cấp có thẩm quyền tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã ban hành không ít văn bản chỉ đạo các địa phương siết chặt quản lý việc người dân tự ý làm hạ tầng, tách thửa phân lô, bán nền trái phép trên đất nông nghiệp đang diễn ra tại nhiều xã, huyện, thị trấn. Thế nhưng, việc tùy tiện làm đường trên đất nông nghiệp rồi tách thửa, phân lô trên thực tế vẫn diễn ra tràn lan, băm nát quy hoạch, làm méo mó thị trường bất động sản. Trong khi đó, nhu cầu tách thửa, phân lô trên đất ở, đất có quy hoạch đất ở lại bị “ách tắc” khiến quyền lợi của người dân treo lơ lửng suốt thời gian qua.

Tại huyện Đất Đỏ (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) có nhiều khu vực đất trồng cây hàng năm diện tích trên dưới 2ha được chủ đất mở đường giao thông, sau đó được tách thành nhiều sổ đỏ nhỏ, diện tích từ 500 m2 - 1.000m2 rồi rao bán. Những khu đất này không được xây dựng, nhưng giới “cò đất” tuyên bố sẽ “lo được” lên thổ cư và chắc chắn giá sẽ lên ào ào.

Thửa số 1554 tại thị trấn Đất Đỏ, chủ đất đã hình thành đường giao thông, lô đất đã được tách thành nhiều sổ đỏ.

Mở đường, tách thửa đất nông nghiệp

Lần theo lời quảng cáo từ môi giới, phóng viên Báo Đại Đoàn Kết tìm tới 1 khu đất tại thị trấn Đất Đỏ, huyện Đất Đỏ. Khu đất này thuộc thửa số 1554, tờ bản đồ số 5, do bà Nguyễn Thị Thuận sở hữu có diện tích 21.600m2, mục đích sử dụng là đất trồng cây hàng năm. Nguồn gốc đất được nhận thừa kế và công nhận quyền sử dụng đất mà không thu tiền sử dụng đất.

Ghi nhận của phóng viên, khu đất của bà Thuận không tiếp giáp mặt tiền đường hiện hữu, để đi vào, chủ đất đã triển khai mở một lối đi tạm từ trục đường Lê Văn Một hiện hữu. Khu đất được chủ đất tự mở đường giao thông, hiện đã tiến hành rải thảm, đá mi, tạo thành 3 con đường trên đất.

Được biết, bà Thuận đã xin chủ trương tách thửa, phân lô cho khu đất, và đã được bà Nguyễn Thị Hoàng Oanh - Phó Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai (thuộc Sở Tài nguyên - Môi trường (TNMT) tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) cấp hơn 60 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sau đây gọi là sổ đỏ) diện tích từ 500m2 trở lên.

Tương tự, một khu đất khác thuộc sở hữu của ông Nguyễn Công Khanh, thửa đất số 187, tờ bản đồ số 9 tại xã Phước Long Thọ, huyện Đất Đỏ là đất trồng cây hằng năm. Hiện thửa đất này cũng được chủ đất tiến hành làm đường giao thông và xin tách thửa, phân lô.

Thửa đất của ông Khanh cũng được bà Nguyễn Thị Hoàng Oanh, Phó Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai (thuộc Sở TNMT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) ký cấp hơn 25 sổ đỏ nhỏ có diện tích từ 1.000 m2 trở lên.

Luật sư Nguyễn Đăng Tư (Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh):

Việc làm đường trên đất nông nghiệp có dấu hiệu để tách thửa, phân lô bán nhằm trục lợi. Tình trạng này gây “méo mó” thị trường bất động sản, băm nát quy hoạch. Để làm đường, người dân có thể gửi đơn xin hiến đất mở đường nộp cho UBND xã, phường, thị trấn. Sau khi nhận đơn UBND xã, phường, thị trấn làm tờ trình gửi UBND quận, huyện xem xét ra quyết định thu hồi đất, sau đó người dân tự làm đường. Tuy vậy, chính quyền địa phương cần xem xét mục đích của việc làm đường trên đất này. Bởi nếu không phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh, mà để tách thửa, phân lô rồi bán bất động sản, sẽ gây ra nhiều hệ lụy về quy hoạch đất, quy hoạch giao thông.

Theo ghi nhận, trên địa bàn huyện Đất Đỏ có rất nhiều khu đất trồng cây hàng năm, đất nông nghiệp khác đang được chủ đất xin chủ trương tách thửa, phân lô để bán kiếm lời. Điều đáng nói, các khu đất đều có điểm chung là chủ đất tự tiến hành mở đường giao thông trên đất nông nghiệp.

Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết về “phong trào” làm đường giao thông trên nhiều khu đất nông nghiệp ở huyện Đất Đỏ, ông Nguyễn Huỳnh Trung, Chánh văn phòng UBND huyện Đất Đỏ cho biết, hiện đang tham mưu cho lãnh đạo huyện có văn bản giao cho các ngành có liên quan tới nội dung mà phóng viên Báo Đại Đoàn Kết phản ánh, làm báo cáo cho huyện và sẽ có văn bản trả lời.

Thu lợi tiền tỷ bằng cam kết miệng

Tại khu đất của bà Thuận, chúng tôi gặp một người môi giới tên Mao, cho biết mình là người của Công ty Thương gia Land và được chủ đất giao nhiệm vụ bán đất. Người môi giới này khẳng định, hiện các lô đất tại đây đã được bán hết, chỉ còn 1-2 lô đất chưa bán được.

Chúng tôi hỏi về quy trình mua bán, được biết, nếu đồng ý thì có thể chuyển tiền 200 triệu đồng để ký hợp đồng cọc, sau 30 ngày sẽ tiến hành công chứng sang tên sổ đỏ. Hoặc nếu đủ tiền thì có thể ngay lập tức ra phòng công chứng sang tên.

“Đất này hiện nay không xây dựng được, nhưng bên em cam kết năm sau là lên thổ cư và cho xây dựng. Khoảng tháng 1 năm sau là xây dựng được” - người môi giới cam kết.

Trên khu đất nông nghiệp để hoang hóa, chúng tôi gặp một số người đi thăm đất họ đã mua. Một người dân tên T. nói: “Tôi mua lô đất này diện tích 17x27m với số tiền là 1,75 tỷ đồng”. Nhưng khi chúng tôi hỏi, mua đất này có được xây dựng hay không, thì ông T. “mù mờ” nói rằng “môi giới nói chắc chắn sẽ lên được thổ cư và xây nhà nên cứ mua”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hàng chục lô đất tại đây đã được những người môi giới bán cho người dân với giá từ 1,7 tỷ đồng tùy vị trí và diện tích. Với hơn 60 sổ đỏ, nếu bán hết khu đất, bà Thuận sẽ thu về hàng trăm tỷ đồng.

Trong khi đó, chuyên gia bất động sản Trần Khánh Quang khuyến cáo: Người dân khi mua bất động sản cần quan tâm kỹ tới tính pháp lý. Đó là sổ đỏ chính danh và pháp lý về quy hoạch. Cũng không nên cứ thấy có sổ đỏ là mua mà không xét kỹ tới pháp lý quy hoạch.

Vì quy hoạch quyết định tới giá trị của lô đất. Bất động sản là loại hàng hoá giá trị cao, nếu không nắm rõ quy hoạch mà mua đất nông nghiệp thì không nên, rất rủi ro.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bà Rịa - Vũng Tàu: Lộn xộn bất động sản: Bài 1: 'Loạn' làm đường trên đất nông nghiệp