Tổ công tác của Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp trong ngành Hàng không cần tránh tư tưởng ỷ lại, bao cấp, phải đẩy mạnh thu hút đầu tư tư nhân, “đừng đặt vấn đề Tổng công ty đầu tư rồi Nhà nước hoàn vốn lại”.
Như tin đã đưa, ngày 16/8, Tổ công tác của Thủ tướng do Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng dẫn đầu đã kiểm tra 3 Tổng công ty thuộc ngành hàng không, gồm: Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines-VNA), Quản lý bay Việt Nam và Cảng hàng không Việt Nam (ACV).
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng phát biểu tại buổi kiểm tra. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc).
Hai vấn đề được trao đi đổi lại nhiều nhất tại buổi kiểm tra là yêu cầu đổi mới quản trị, tăng sức cạnh tranh của các doanh nghiệp này và thu hút các nguồn lực đầu tư tư nhân, bởi “có tư nhân tham gia thì chất lượng dịch vụ sẽ khác rất nhiều”, theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng.
Nhiều vướng mắc về thể chế
Theo ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch Tổng công ty Cảng hàng không, có một số vướng mắc, khó khăn trong hoạt động. Trong đó, đáng chú ý, theo Luật Hàng không dân dụng, Tổng công ty chỉ là đơn vị thuê đất trong các cảng hàng không, còn quyền sử dụng đất thuộc về cảng vụ. Ông Thanh khẳng định điều này ảnh hưởng tới tính chủ động của Tổng công ty và không phù hợp với thông lệ thế giới.
Còn Tổng Giám đốc Tổng công ty Quản lý bay Phạm Việt Dũng đề nghị có quy chế sử dụng vùng trời linh hoạt giữa hàng không dân dụng và quân sự để tăng hiệu quả kinh tế, giảm bớt quá tải trên các đường bay.
VNA cũng đưa ra hàng loạt kiến nghị, như kiểm soát việc tăng giá dịch vụ tại các cảng hàng không, tách bạch và thực hiện đấu thầu cung cấp dịch vụ công ích như khai thác các đường bay tới vùng sâu, vùng xa…
Tuy nhiên, nhiều kiến nghị của VNA được cho là có thể khiến nhiều hãng hàng không giá rẻ không vừa lòng, như cần kiểm soát giá dịch vụ hàng không nội địa. Theo ông Dương Trí Thành, điều này nhằm “tránh hiện tượng giá vé thấp hơn giá thành, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp”.
Trả lời câu hỏi của Thủ tướng về tần suất cất, hạ cánh tại Việt Nam thấp hơn nhiều nước là do hạ tầng hay con người, ông Dương Trí Thành cho biết trong khi hạ tầng chưa thể nâng cấp ngay thì các giải pháp quản trị, phối hợp, điều hành là quyết định. Trong 7 tháng qua, tỷ lệ chuyến bay đúng giờ của VNA đạt trên 90%.
Phát biểu tại buổi kiểm tra, các chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung, Trần Đình Thiên và ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) – những thành viên mới của Tổ công tác - nhấn mạnh đến yêu cầu đổi mới quản trị tại các doanh nghiệp.
“Trong các báo cáo không thấy xuất hiện các chỉ số rất căn bản cho thấy chất lượng hoạt động của các công ty, như ROA (tỷ số lợi nhuận ròng trên tài sản) hay ROE (tỷ số lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu). Riêng VNA chịu sự cạnh tranh rất khốc liệt, đáng lẽ báo cáo nên so sánh với các doanh nghiệp khác trong và ngoài nước, khoảng cách ra sao, nguyên nhân do đâu?”, ông Cung phân tích.
Cũng theo vị chuyên gia, đối với quản lý bay hiện là độc quyền Nhà nước nhưng tiến tới không nên giữ thêm độc quyền nữa, cần tạo cơ chế để huy động các nguồn lực xã hội. Ở nhiều nước sân bay tư nhân rất nhiều, chúng ta cũng nên nghiên cứu việc này.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn, tại nhiều sân bay, các hoạt động mua sắm mới là nguồn thu chính, như sân bay Incheon (Hàn Quốc) thu mỗi năm tới 18 tỷ USD từ nguồn này. Thứ trưởng cũng hoan nghênh việc tách bạch nhiệm vụ kinh doanh và nhiệm vụ công ích trong hoạt động của các doanh nghiệp.
Doanh nghiệp chủ lực nộp ngân sách 600 tỷ là 'quá thấp'
Phát biểu kết luận buổi kiểm tra khi kim đồng hồ đã chỉ quá 12h, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác đánh giá cao nỗ lực của 3 Tổng công ty khi trong 84 nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng giao từ đầu năm 2016 tới nay, 80 nhiệm vụ đã hoàn thành, chỉ còn 4 nhiệm vụ trong hạn đang được tiếp tục thực hiện.
Các doanh nghiệp và Bộ GTVT cũng đã có báo cáo khá chi tiết, song cần tiếp tục có kế hoạch triển khai cụ thể 6 nội dung mà Thủ tướng đã gợi ý liên quan tới công tác bảo đảm an toàn an ninh; nâng tần suất cất, hạ cánh; tình hình hủy, hoãn chuyến bay; chủ trương xã hội hóa; công tác cổ phần hóa, thoái vốn và hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.
Trong đó, theo Bộ trưởng, có nhiều vướng mắc mà các doanh nghiệp nêu “lẽ ra Bộ GTVT phải báo cáo sớm” như liên quan tới việc sử dụng vùng trời linh hoạt, quyền sử dụng đất tại các sân bay… Bộ GTVT cần rà soát lại cơ chế, chính sách, kể cả Luật Hàng không dân dụng, đề xuất sửa đổi cho phù hợp.
Ông khẳng định điều Thủ tướng cực kỳ quan tâm, đầu tiên là các doanh nghiệp phải đổi mới quản trị, công nghệ, tư duy, nâng cao chất lượng nhân lực, thực sự cạnh tranh theo cơ chế thị trường trong bối cảnh ngành hàng không có dư địa phát triển, có lợi thế rất lớn.
“Khi hàng không có Vietjet vào là khác ngay. Lượng khách của VNA tăng 7,3% trong 7 tháng, nhưng năm nay khách quốc tế dự kiến tăng gần 30%, tức là thị phần VNA tăng không tương xứng”, Tổ trưởng Tổ công tác phân tích.
VNA phải xem xét lại hiệu quả sản xuất kinh doanh, bởi với một doanh nghiệp chủ lực trong ngành kinh tế mũi nhọn, quan trọng, đang tăng trưởng mạnh thì nộp ngân sách 600 tỷ trong 7 tháng là thấp. Điều này liên quan tới chi phí, phải tính toán rất căn cơ các vấn đề như số cán bộ văn phòng liệu có quá đông…
Vấn đề lớn thứ hai được Tổ công tác nhấn mạnh với Bộ GTVT và 3 Tổng công ty là quan tâm kêu gọi các nguồn lực đầu tư tư nhân.
“Tôi thấy vẫn còn tư tưởng gì đấy vướng mắc. Trước đây khi triển khai thu phí BOT điện tử không dừng, có người cũng đặt vấn đề là phải nhà nước làm. Nhưng quan điểm của Thủ tướng là đẩy mạnh thu hút tư nhân trong đầu tư, khai thác, ngay cả đường băng sân bay cũng cần mạnh dạn có cơ chế cùng khai thác, chúng ta chỉ bảo đảm an ninh, an toàn”, ông nói và nhắc tới dự án sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh) do một doanh nghiệp tư nhân đầu tư.
“Đừng đặt vấn đề Tổng công ty đầu tư rồi Nhà nước hoàn vốn lại, không thể có chuyện đó trong bối cảnh ngân sách khó khăn. Hơn nữa, có tư nhân vào là chất lượng dịch vụ khác rất nhiều. Phải tránh tư tưởng bao cấp, ỷ lại. Khối tài sản nhà nước khổng lồ tại doanh nghiệp chưa mang lại hiệu quả như mong đợi, chưa tạo cú hích mạnh, nên quan trọng là vấn đề xã hội hóa”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.
“Nếu cứ đặt vấn đề đầu tư từ ngân sách nhà nước mà không dám kêu gọi xã hội hóa thì phải xem xét lại quan điểm, chủ trương. Thủ tướng đề nghị các anh hết sức tạo điều kiện, có cơ chế thu hút đầu tư trong bối cảnh ngân sách nhà nước rất khó khăn” - Bộ trưởng truyền đạt ý kiến của Thủ tướng.
Kết quả kiểm tra và các kiến nghị của 3 Tổng công ty và Bộ GTVT sẽ được Tổ công tác tổng hợp, báo cáo đầy đủ tại phiên họp Chính phủ thường kỳ sắp tới.
Theo ông Dương Trí Thành, Tổng Giám đốc VNA, trong thời gian qua VNA luôn khẳng định vị trí, vai trò của hãng hàng không quốc gia, 7 tháng đầu năm đạt 49.000 tỷ đồng doanh thu và lợi nhuận trước thuế hơn 2.000 tỷ đồng. Hãng cũng theo dõi sát nhu cầu thị trường và tình hình cạnh tranh, chủ động tăng, giảm tải hợp lý trên các đường bay… Tình hình tài chính của VNA luôn duy trì lành mạnh, đặc biệt Tổng công ty đã hoàn toàn chủ động và hiện nay không phải sử dụng bảo lãnh vay vốn của Chính phủ. Còn Tổng Giám đốc Phạm Việt Dũng cho hay hệ thống quản lý an toàn của Tổng công ty Quản lý bay được Tổ chức Hàng không dân dụng thế giới (ICAO) đạt 81% các nội dung yêu cầu. Để tăng cường năng lực khai thác các sân bay, Tổng công ty cũng đưa ra nhiều giải pháp, đặc biệt đã áp dụng phương thức cất cánh mới tại Nội Bài, Tân Sơn Nhất và từ ngày mai, sẽ bắt đầu thực hiện ở sân bay Đà Nẵng. Trong khi đó, lãnh đạo Tổng công ty Cảng hàng không khẳng định sản lượng hành khách tiếp tục tăng trưởng 2 con số, 7 tháng đầu năm đạt 56 triệu, tăng 17%. Doanh thu cũng tăng trưởng bình quân 20% mỗi năm. |