Thông qua phát triển chuyển đổi số, tỉnh Bạc Liêu hy vọng sẽ kéo gần khoảng cách với các địa phương khác về hành chính, kinh tế...
Tại lễ công bố ngày chuyển đổi số tỉnh Bạc Liêu 10/10/2022, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cho biết, xác định được tầm quan trọng của chuyển đổi số, thời gian qua tỉnh đã ban hành nhiều văn bản để cụ thể hóa và tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện nhiều giải pháp đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số, như: Chỉ thị của Tỉnh ủy Bạc Liêu về “Chuyển đổi số tỉnh Bạc Liêu từ nay đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030”; UBND tỉnh ban hành “Đề án phát triển đô thị thông minh tỉnh Bạc Liêu, giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030” và nhiều văn bản chỉ đạo triển khai tổ chức thực hiện.
Từ đó, đã tạo được một số kết quả tích cực, đóng góp quan trọng vào việc cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp, cụ thể: Cơ sở hạ tầng thông tin và truyền thông được tăng cường đầu tư và hoạt động ổn định, hiệu quả; các hệ thống thông tin quan trọng được triển khai đồng bộ, kết nối liên thông 4 cấp. Đặc biệt, trong năm 2022, tỉnh đã thành lập gần 450 Tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã và khóm ấp với gần 3.000 thành viên. Bước đầu triển khai các hoạt động tuyên truyền, phổ cập kỹ năng số đến cán bộ, công chức, viên chức và người dân trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên theo Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều, nhìn nhận khách quan về Chính quyền số chưa triển khai Trung tâm dữ liệu sử dụng công nghệ điện toán đám mây; việc triển khai các nền tảng số và đầu tư trang thiết bị bảo mật an toàn an ninh mạng chưa đạt yêu cầu, nguồn nhân lực cho lĩnh vực này còn nhiều yếu kém. Mặc dù đã thành lập các Tổ công nghệ số cộng đồng nhưng triển khai thực hiện còn chậm (đến nay chỉ đạt 50% số lượng); tỷ lệ người dân và doanh nghiệp nộp hồ sơ trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 qua Cổng dịch vụ công của tỉnh còn rất thấp so với cả nước (đến nay chỉ đạt khoảng 4%, trong khi trung bình cả nước là 38%).
Đại đa số doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh chưa theo kịp với xu hướng chuyển đổi số hiện nay (tuy đạt 59% nhưng chủ yếu chỉ sử dụng hóa đơn điện tử, nộp thuế điện tử, chưa sử dụng chữ ký số, ít sử dụng hợp đồng điện tử và chưa số hóa dữ liệu của doanh nghiệp); tỷ lệ hộ nông dân tham gia vào các sàn thương mại điện tử còn thấp (chỉ đạt 0,03% so với yêu cầu phải đạt từ 5% trở lên)…
Để gấp rút thực hiện chuyển đổi số, tỉnh đã Ban hành Đề án chuyển đổi số tỉnh Bạc Liêu đến năm 2025, định hướng đến 2030. Thông qua việc phát triển chuyển đổi số, Bạc Liêu có thể kéo gần khoảng cách của mình hơn với các địa phương khác, đi nhanh hơn, để phát triển bứt phá trong thời gian tới
Với tinh thần đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều yêu cầu các cấp, ngành của địa phương xác định trách nhiệm, công việc gắn với mình, xác định cụ thể hơn những công việc cụ thể phải làm; phải chọn việc, việc gì làm trước, việc gì làm sau, làm có tính hệ thống và chọn những việc mang tính chất gỡ nút thắt làm trước.
“Quá trình thực hiện các nhiệm vụ hết sức quan trọng, cấp bách nêu trên, ngoài sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân. Tuy nhiên, chắc chắn không thể thiếu vai trò của cộng đồng doanh nghiệp, không ai đứng ngoài được”, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu yêu các Sở, Ban, Ngành, địa phương cần rà soát những công việc chưa triển khai hoặc triển khai còn chậm, để từ đó chấn chỉnh và phải triển khai ngay bằng chương trình hành động cụ thể. Trước mắt từ nay đến cuối năm cần tập trung đẩy nhanh việc thực hiện Đề án Đô thị thông minh. Đồng thời, Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch chủ động đề xuất các nhiệm vụ Chuyển đổi số của tỉnh cần làm ngay từ nay đến cuối năm nhằm nâng cao chỉ số DTI của tỉnh.
Cùng với đó phải thành lập 100% Tổ công nghệ số cộng đồng trên toàn tỉnh, tổ chức tuyên truyền và trực tiếp hướng dẫn người dân sử dụng các nền tảng số, nộp hồ sơ trực tuyến trên Cổng dịch vụ công (đến cùng kỳ năm 2023 phải đạt tỷ lệ 40% hồ sơ trực tuyến). Đồng thời thực hiện nhanh công tác đầu tư trang thiết bị bảo mật, an toàn an ninh mạng đảm bảo kết nối với các cơ sở dữ liệu Quốc gia, ưu tiên kết nối với Cơ sở dữ liệu về dân cư, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, hộ tịch, tư pháp....