Với việc Thủ tướng Chính phủ chọn Bạc Liêu làm thủ phủ cho phát triển con tôm Việt Nam, đến nay Bạc Liêu đã và đang xây dựng nhiều mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao và trở thành địa phương đi đầu trong cả nước về lĩnh vực này.
Bạc Liêu là một tỉnh ven biển thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tổng diện tích tự nhiên 2.669 km 2, có 3 tiểu vùng sinh thái (mặn, ngọt, lợ). Thế mạnh lớn nhất của tỉnh là phát triển nuôi tôm, với diện tích nuôi trên 135.000 ha (chiếm hơn 50% tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh).
Thời gian qua, mặc dù sản xuất nông nghiệp gặp những khó khăn do ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn, dịch bệnh Covid-19, nhưng toàn ngành nông nghiệp đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp, cơ bản bảo vệ được diện tích sản xuất nuôi trồng thủy sản nói chung, nuôi tôm nói riêng.
Hiện nay, Bạc Liêu đang đẩy mạnh phát triển nhiều mô hình nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao. Nếu như năm 2015 - thời điểm Bạc Liêu bắt đầu áp dụng mô hình nuôi tôm công nghệ cao với diện tích toàn tỉnh hơn 70 ha thì đến năm 2020 số diện tích này tăng lên hơn 2.250 ha.
Đến năm 2021, toàn tỉnh có 23 công ty tham gia và 650 hộ dân, với diện tích thả giống hơn 3.730 ha, sản lượng trên 72.960 tấn. Điểm nổi bật của mô hình này là tính hiệu quả về năng suất và chất lượng tôm, mô hình nuôi tôm siêu thâm canh công nghệ cao cho năng suất từ 10 đến 15 lần so với nuôi tôm thông thường.
Anh Long Văn Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH MTV Long Mạnh ở xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình cho biết, hiện nay, công ty áp dụng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ siêu thâm canh 2 giai đoạn hồ nổi và áp dụng kỹ thuật tách chất thải rắn, tái sử dụng nước. Đây được đánh giá là một trong những mô hình nuôi tôm công nghệ cao ưu việt nhất hiện nay.
Công ty xây dựng 20 hồ tròn nổi, mỗi hồ có diện tích từ 500 đến 800 mét vuông được làm từ khung sắt tròn, phủ bạt và hệ thống xử lý nước thái theo quy trình Biofloc đã mang lại hiệu quả cao.
Kết quả giai đoạn ương cho tỷ lệ sống đạt trên 75% và hoàn toàn không thay nước, không siphon chỉ bổ sung mật đường và vi sinh mỗi ngày để tạo floc, các hạt floc cũng là thức ăn bổ sung làm giảm lượng thúc ăn hơn 1/3 so với các quy trình khác.
Kết quả sau 15 ngày ương trọng lượng tôm thu được trung bình là 2500 con/kg, sau 60 ngày nuôi là 70-80 con/kg và sau 100 ngày nuôi trung bình là 30 con/kg.
Chi phí đầu tư cho khoáng bổ sung giảm 70% so với mô hình thay nước, quan trọng hơn cả là sẽ nâng cao mức độ an toàn sinh học, giảm rủi ro lây nhiễm bệnh do không hoặc ít phải thay nước trong các ao nuôi ra môi trường bên ngoài.
Trao đổi với phóng viên Báo Đại đoàn kết Online, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bạc Liêu Lê Tấn Cận cho biết, mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao đã chứng minh được hiệu quả và tính bền vững.
Tỉnh đã chỉ đạo ngành Nông nghiệp và các ngành cần tập trung làm tốt công tác vận động, chuyển giao để các mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao được lan tỏa trong dân.
Hiện nay, cùng với việc liên kết sản xuất và tiêu thụ tôm đã mở ra hướng sản xuất và tiêu thụ bền vững, tỉnh đã đầu tư xây dựng hoàn thành hạ tầng kỹ thuật giai đoạn 1 của dự án “Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu” với tổng vốn đầu tư 176 tỷ đồng, chuẩn bị đầu tư giai đoạn 2 đi liền với triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước”.
Hiện nay tỉnh Bạc Liêu đã chọn được 9 doanh nghiệp đầu tư vào Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu, năng suất trung bình đạt 21,73 tấn/ha (năng suất cao hơn so với mô hình nuôi tôm khác từ 10 đến 15 lần) và hiện nay tỉnh có 4 doanh nghiệp được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân tỉnh cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, 1 doanh nghiệp đã nộp hồ sơ đăng ký cấp giấy chứng nhận (ngành nông nghiệp đang thẩm định hồ sơ) và 7 đơn vị được chứng nhận các tiêu chuẩn quốc tế trong nuôi trồng thủy sản.
Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bạc Liêu Lê Tấn Cận cho biết thêm, trong giai đoạn tới, tỉnh Bạc Liêu xác định Ngành nông nghiệp tiếp tục giữ vai trò là “trụ đỡ” quan trọng trong phát triển kinh tế chung của tỉnh, xác định mô hình nuôi tôm siêu thâm canh, ứng dụng công nghệ cao là điểm nhấn, tạo bước đột phá trong nghề nuôi trồng thủy sản của tỉnh và định hướng, giải pháp phát triển mô hình nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao trong thời gian tới.
Trong đó, tập trung triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước”, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tỉnh sẽ ưu tiên đầu tư ngân sách nhà nước cho phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội, phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực để tập trung đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng (hệ thống thủy lợi, ô đê bao, trạm bơm, điện, giao thông,...) phục vụ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Kế hoạch của tỉnh Bạc Liêu thực hiện mô hình nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh năm 2022 là 26.300 ha, trong đó sản lượng tôm siêu thâm canh là 76.400 tấn. Mục tiêu của tỉnh trong tương lai gần là đưa kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 1 tỷ USD.
Để hoàn thành các mục tiêu này, Bạc Liêu sẽ khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thực hiện liên kết, tiêu thụ sản phẩm với người dân được hưởng chính sách theo quy định hiện hành.
Khuyến khích, tạo điều kiện cho các hộ dân tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã, hiệp hội nuôi tôm công nghệ cao được hỗ trợ 100% chi phí xét nghiệm. Tiếp tục thực hiện và triển khai có hiệu quả các chương trình, chính sách tín dụng hiện hành đối với lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn, giúp các doanh nghiệp, người dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh; tham gia bảo hiểm tôm nuôi.
Cùng với đó, tỉnh sẻ huy động thêm nguồn lực xã hội để tập trung đầu tư nâng cấp hoàn thiện kết cấu hạ tầng (hệ thống thủy lợi, ô đê bao, trạm bơm, điện, giao thông,...), nghiên cứu khoa học, xây dựng chuỗi liên kết… phục vụ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Xây dựng hoàn thành đưa vào sử dụng một số dự án, công trình trọng tâm thích ứng với biến đổi khí hậu như: Các dự án đê, kè, công trình ven biển cấp bách để phòng chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; Đẩy nhanh Dự án Hệ thống công trình điều tiết, bổ sung nước ngọt tại vùng Bắc Quốc lộ 1A sang phục vụ nuôi trồng thủy sản vùng phía Nam QL1A tỉnh Bạc Liêu.
Đồng thời triển khai công nghệ mới, tiên tiến, thân thiện để xử lý môi trường trong quá trình sản xuất; khuyến khích ứng dụng công nghệ tái chế các phụ phẩm từ hoạt động sản xuất nông nghiệp nhằm giảm lượng chất thải ra môi trường.