Để góp phần chấm dứt tình trạng tàu cá địa phương vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài, gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC), Bạc Liêu đã và đang nỗ lực cùng với các tỉnh, thành ven biển triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm phát triển nghề biển một cách an toàn, bền vững và ổn định sinh kế cho ngư dân.
Nhiều chuyển biến tích cực
Thời gian qua, việc chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đã có nhiều chuyển biến tích cực. Các đơn vị chức năng thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp chặt chẽ với các đồn biên phòng, UBND các xã tiếp giáp biển tổ chức tuyên truyền về Luật Thủy sản cùng các văn bản thi hành luật, nhất là những quy định về chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định cho bà con ngư dân bằng nhiều hình thức như: phát tờ rơi, đối thoại trực tiếp với ngư dân, hướng dẫn trực tiếp các chủ tàu cá và thuyền trưởng tàu cá ghi, nộp nhật ký khai thác đạt 100% kế hoạch.
Ông Tô Minh Đương, Chủ tịch UBND huyện Đông Hải cho biết, huyện có số tàu đánh bắt thủy sản trên 550 tàu với tổng công suất hơn 130.100CV, trong đó tàu đánh bắt xa bờ công suất trên 90 CV 300 tàu. Thời gian qua UBND huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động đối với bà con ngư dân, nắm rõ các quy định về phân định vùng biển không vi phạm qua vùng biển các nước bạn lân cận. Cùng với đó thực hiện các giải pháp ngăn chặn và chấm dứt tình trạng tàu cá và ngư dân của huyện khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài. Thực hiện quy định về kiểm tra, kiểm soát tàu cá cập cảng, giám sát sản lượng thủy sản qua cảng, xác nhận nguyên liệu, chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác đáp ứng yêu cầu về truy xuất nguồn gốc theo chuỗi. Từ năm 2020 đến nay ở huyện Đông Hải chưa ghi nhận trường hợp vi phạm đánh bắt vào vùng biển các nước bạn lân cận.
Ông Đặng Văn Hòa, ngư dân tại ấp cảng, thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải chia sẻ: Ở đây các cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Gành Hào thường xuyên tuyên truyền cho bà con ngư dân nên chúng tôi đã hiểu sâu hơn về các luật định, không xâm phạm lãnh hải của nước ngoài, chấp hành nghiêm luật pháp quốc tế và mong muốn EC sớm gỡ bỏ “thẻ vàng” đối với ngành thủy sản Việt Nam.
Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm
Để tạo chuyển biến tích cực trong phòng, chống khai thác IUU và sớm gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của EC, Bạc Liêu đã thực hiện nhiều giải pháp, đặc biệt là kiểm tra thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS); điều tra, xử lý, xử phạt nghiêm các vụ việc vi phạm.
Ông Trần Xí Khuôl, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Bạc Liêu cho biết, từ năm 2020 đến nay, tỉnh có 5 trường hợp tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Bên cạnh việc ra quyết định xử phạt, đơn vị cũng đã tuyên truyền đến ngư dân và chủ tàu về việc lắp thiết bị VMS, không vi phạm vùng biển nước bạn khi khai thác, đánh bắt.
Nghề khai thác biển ở Bạc Liêu không chỉ mang lại nguồn thu nhập ổn định cho bà con ngư dân, mà còn tạo nguồn nguyên liệu dồi dào, phục vụ chuỗi ngành hàng sản xuất, chế biến thủy hải sản trên địa bàn. Với việc thực hiện đồng bộ hàng loạt giải pháp, Bạc Liêu đã chấm dứt tình trạng khai thác hải sản bất hợp pháp, lập lại trật tự trong công tác quản lý khai thác biển, góp phần cùng các địa phương trên cả nước tháo gỡ “thẻ vàng” của EC trong thời gian tới.
Bạc Liêu có đường bờ biển dài 56 km và vùng đặc quyền kinh tế rộng hơn 20.700 km vuông gắn với 3 cửa biển lớn là Gành Hào, Cái Cùng và Chùa Phật. Đây được xem là một lợi thế giúp cho hoạt động khai thác và đánh bắt thủy sản phát triển trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.