Tỉnh Bạc Liêu đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để thực hiện thắng lợi mục tiêu xóa bỏ hoàn toàn nhà tạm, nhà dột nát.
Đa dạng cách làm
Thị xã Giá Rai là địa phương tiêu biểu thực hiện Đề án "Hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo" của tỉnh Bạc Liêu. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, cấp ủy, chính quyền huyện xác định việc xóa nhà tạm, nhà dột nát là nhiệm vụ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đồng thời là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong công tác giảm nghèo. Thị xã tập trung tối đa nguồn lực giúp đỡ các hộ có hoàn cảnh khó khăn đảm bảo điều kiện về nhà ở, đảm bảo công khai, minh bạch. Các cấp ủy, chính quyền trong huyện đã tổ chức rà soát tình hình nhà ở, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của hộ nghèo để tìm giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người dân.
Những ngày này, gia đình chị Nguyễn Ngọc Hiệp ở ấp Khúc Tréo (xã Tân Phong, thị xã Giá Rai) tất bật xây dựng nhà mới. Nay đã 50 tuổi, nhưng chưa bao giờ chị Hiệp nghĩ có thể xây dựng được căn nhà để ở. Đã hàng chục năm từ khi lấy chồng, chị và gia đình đều phải ở nhà trọ. Chồng chị, anh Trần Văn Hiền, làm công nhân ở một công ty chế biến thủy sản. Dù anh có thu nhập tương đối ổn định, nhưng gia đình có 6 người nên cũng chỉ đủ lo cho các con ăn, học, không có tích lũy. Bản thân chị Hiệp hay đau yếu, bệnh tật nên chỉ có thể làm thuê những việc lặt vặt như phụ rửa chén bát, lau dọn tại các đám tiệc, thu nhập không ổn định.
Người dân trong xóm cũng mừng, chia vui với gia đình chị bằng nhiều việc làm thiết thực. Có người cho tấm tôn, có người góp ngày công để gia đình chị sớm hoàn thiện. “Có được căn nhà mới, từ nay, gia đình tôi không chỉ còn phải thuê nhà, yên tâm làm ăn. Tết Ất Tỵ 2025 sẽ là cái Tết hạnh phúc nhất với tôi. Gia đình chúng tôi cảm ơn chính quyền địa phương đã hỗ trợ để người nghèo như tôi có được nhà ở kiên cố” - chị Hiệp chia sẻ.
Không riêng chị Hiệp, hơn 80 hộ gia đình khó khăn về nhà ở thị xã Giá Rai cũng được xét duyệt xây dựng nhà mới đợt 1. Các hộ gia đình được hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát lần này đều thuộc diện hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, đang sống trong ngôi nhà đã xuống cấp nghiêm trọng. Mỗi hộ gia đình được hỗ trợ 60 triệu đồng tiền mặt. Cấp ủy, chính quyền địa phương, lực lượng vũ trang, đoàn thanh niên cùng người dân tham gia giúp đỡ ngày công xây dựng.
Cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc
Thực hiện phong trào thi đua “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025” của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Bạc Liêu đang huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng các tầng lớp nhân dân hoàn thành gần 800 căn nhà để người nghèo có nhà mới, kiên cố kịp đón Xuân Ất Tỵ 2025.
Ông Lê Minh Hải - Bí thư Thị ủy Giá Rai cho biết, qua rà soát, ở địa phương còn hơn 300 căn nhà thuộc diện cần xây dựng trong Chương trình nhà tạm, nhà dột nát. Trước mắt, trong đợt 1, thị xã phấn đấu hoàn thành bàn giao trên 80 căn nhà trước Tết Ất Tỵ. Thị xã còn có nhiều trường hợp người nghèo không có đất để xây dựng nhà. Chính quyền địa phương phải đứng ra vận động thân nhân cho, tặng hoặc hỗ trợ tiền để người nghèo mua đất. Các hộ dân cũng được hỗ trợ, tạo việc làm theo từng trường hợp cụ thể để có thu nhập ổn định, đảm bảo cuộc sống.
Tại huyện Hồng Dân, qua rà soát có 926 hộ nghèo, trong đó 257 hộ nghèo sống trong nhà tạm, nhà dột nát. Ông Nguyễn Văn Chung - Bí thư Huyện ủy Hồng Dân cho biết, trong đợt 1/2024, huyện hỗ trợ xây dựng 230 căn nhà cho hộ nghèo không có khả năng tự lực xây dựng nhà để ở, với tổng kinh phí 11,5 tỷ đồng từ nguồn Quỹ an sinh xã hội của tỉnh. Các công trình đều đảm bảo tiêu chí "3 cứng" (nền cứng, mái cứng và khung cứng). Huyện quyết tâm triển khai thực hiện, phấn đấu hoàn thành các nhà trước Tết Ất Tỵ 2025.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Ngô Vũ Thăng cho biết, tỉnh còn 1.643 hộ nghèo, cận nghèo phải sống trong nhà tạm, nhà dột nát cần được xây dựng. Qua rà soát đợt 1, tỉnh có 779 căn nhà tạm, nhà dột nát cần được sửa chữa, xây mới. Tỉnh phấn đấu đến hết tháng 12/2024 sẽ hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát đợt 1.
Để đảm bảo nguồn lực thực hiện Chương trình, tỉnh Bạc Liêu tập trung bố trí ngân sách tỉnh, nguồn vận động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, Quỹ An sinh xã hội, nguồn kinh phí hỗ trợ nhà ở thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nguồn xã hội hóa...
Tỉnh ủy, UBND tỉnh yêu cầu cấp ủy, chính quyền địa phương huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc thực hiện hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát; đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân, các địa phương chủ động ứng trước kinh phí và huy động, vận động xã hội hóa nhằm có thêm nguồn kinh phí hỗ trợ để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, đảm bảo hoàn thành trong năm 2024.
Các địa phương đôn đốc, hỗ trợ, giám sát các hộ gia đình thực hiện xây mới, sửa chữa nhà ở phải đảm bảo yêu cầu “3 cứng”; huy động cán bộ, hội viên, chiến sĩ lực lượng vũ trang, người dân chung tay hỗ trợ vật chất, ngày công để tiết kiệm thời gian, chi phí xây dựng nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; thành lập đoàn kiểm tra, giám sát đối với việc huy động, hỗ trợ và thực hiện, đảm bảo chính sách đến từng hộ nghèo, hộ cận nghèo có khó khăn về nhà ở thuộc diện được hỗ trợ…