Chiều ngày 5/7, UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức buổi họp báo để cung cấp thông tin đến báo chí liên quan đến công tác tổ chức Festival Nghề Muối Việt Nam-Bạc Liêu năm 2024.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bạc Liêu, Festival nghề Muối Việt Nam - Bạc Liêu năm 2024 nhằm tôn vinh nghề muối truyền thống, nâng cao giá trị nghề muối của Việt Nam nói chung và Bạc Liêu nói riêng, khơi dậy tình yêu nghề truyền thống của thế hệ trẻ có trình độ tham gia vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh, khởi nghiệp từ nghề muối. Đồng thời, tăng cường mối liên kết các sản phẩm muối của người làm muối đến với thị trường, quảng bá nghề muối và các giá trị nghề muối, nâng cao giá trị kinh tế từ nghề muối cho người làm muối…
Với chủ đề “Nâng tầm giá trị hạt muối Việt Nam”, Festival nghề Muối Việt Nam - Bạc Liêu năm 2024 dự kiến sẽ có 30 nội dung chính, (trong đó có 25 nội dung do tỉnh thực hiện và 5 nội dung phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện) và 10 hoạt động chính của Festival nghề Muối Việt Nam - Bạc Liêu năm 2024.
Theo đó, hoạt động chính diễn ra trong khôn khổ Festival nghề Muối Việt Nam - Bạc Liêu năm 2024 (dự kiến từ ngày 26-28/12/2024) sẽ bao gồm lễ khai mạc Festival nghề Muối Việt Nam - Bạc Liêu năm 2024 và Bế mạc Festival nghề Muối Việt Nam – Bạc Liêu năm 2024; chương trình khảo sát thực tế cánh đồng muối tỉnh Bạc Liêu và lễ khánh thành dự án nâng cấp cơ sở hạ tầng đồng muối Đông Hải (huyện Đông Hải); Hội chợ trưng bày, giới thiệu sản phẩm và triển lãm thương mại các tỉnh, thành phố, doanh nghiệp, hợp tác xã; Hội nghị xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; Hội thảo “Ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất muối, thích ứng với biến đổi khí hậu”…
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh, muối Bạc Liêu (còn gọi là Muối Ba Thắc) là thương hiệu dân gian nổi tiếng rất lâu đời, gắn liền với người làm muối tỉnh Bạc Liêu và trở thành nghề truyền thống của người dân xứ biển. Nghề muối tỉnh Bạc Liêu được hình thành và phát triển hơn 100 năm. Với gần 1.500 ha, Bạc Liêu là một trong những địa phương có diện tích sản xuất muối lớn của cả nước
Trong niên vụ năm 2023, sản lượng muối toàn tỉnh đạt trên 27.000 tấn, trong đó muối trắng trải bạt là hơn 7.300 tấn, còn lại là muối sản xuất truyền thống. Năng suất trung bình đạt gần 17 tấn/ha (đối với sản xuất muối truyền thống) và trên 37 tấn/ha (đối với muối trải bạt).
Tổng số hộ sản xuất muối năm 2023 trên địa bàn tỉnh là 767 hộ, với 1.520 lao động. Năm 2024, việc sản xuất muối của các hộ dân trên địa bàn tỉnh tiếp tục thuận lợi nhờ nắng nóng kéo dài, qua đó, giúp cho người làm muối gia tăng thu nhập từ nghề làm muối truyền thống.
Theo UBND tỉnh Bạc Liêu, nghề làm muối ở Bạc Liêu đã trải qua nhiều thăng trầm, hạt muối gắn bó với đời sống lao động sản xuất đã ăn sâu vào tâm thức và lưu truyền qua nhiều thế hệ.
Dù còn nhiều khó khăn, nhưng người làm muối Bạc Liêu luôn quyết tâm bám trụ lấy nghề với niềm hi vọng, nghề muối sẽ khởi sắc. Theo đó, chủ trương của tỉnh là phải giữ cho được nghề muối truyền thống. Điều này được khẳng định thông qua việc phê duyệt đề án nâng cao giá trị sản xuất và chế biến muối giai đoạn 2021 – 2030.
Sản phẩm muối ăn Bạc Liêu được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ công nhận chỉ dẫn địa lý năm 2013. Cuối năm 2020, nghề muối tỉnh Bạc Liêu được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều, để nâng tầm sản phẩm, khai thác có hiệu quả chứng nhận chỉ dẫn địa lý, UBND tỉnh đã quan tâm chỉ đạo hỗ trợ các công ty muối quy trình công nghệ để chế biến các sản phẩm có giá trị gia tăng cao từ hạt muối, phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong nước và định hướng xuất khẩu.
Cùng với những thuận lợi thì nghề muối tại Bạc Liêu cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: sản xuất muối phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết, năng suất không ổn định, đầu ra sản phẩm còn lệ thuộc phần lớn vào thương lái, người làm muối có thu nhập thấp, bấp bênh nên đời sống không ổn định; nhiều hộ làm muối đã chuyển đổi mô hình sản xuất để có thu nhập cao hơn…
Đặc biệt, mô hình hợp tác, liên kết sản xuất giữa nông dân với doanh nghiệp bước đầu được triển khai nhưng còn bất cập về phương thức đầu tư, liên kết bao tiêu sản phẩm dẫn đến phát triển chưa bền vững nên hiệu quả kinh tế trung bình nhiều năm qua còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của tỉnh.