Trước thông tin Thủ tướng Chính phủ cho mở cửa thị trường du lịch từ 15/3, nhiều khu di tích, khách sạn nổi tiếng tại tỉnh Bắc Ninh đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án để đón du khách trong và ngoài nước, trên phương châm tuyệt đối tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch Covid – 19.
Chủ động mọi phương án để đón khách
Đền Bà Chúa Kho (phường Vũ Ninh, TP Bắc Ninh) là một trong những di tích nổi tiếng gắn liền với hàng ngàn năm lịch sử của xứ Kinh Bắc. Hằng năm, du khách thập phương đổ dồn về đây đi lễ vào hai dịp đầu năm và cuối năm theo quan niệm "đầu năm đi vay - cuối năm đi trả".
Ông Nguyễn Văn Trường, Trưởng Ban Di tích đền Bà Chúa Kho cho biết, từ khi được mở cửa trở lại từ 9/2/2022, BQL đền đã chỉ đạo đội an ninh phối hợp cùng công an phường đảm bảo công tác an ninh trật tự, hướng dẫn phân luồng người dân theo 2 chiều ra vào, đặt các biển khuyến cáo tuân thủ 5k. Đặc biệt, thực hiện nhắc nhở du khách lễ xong phải di chuyển ra xe, không tập trung quá đông người.
“Sau khi nắm thông tin mở cửa du lịch từ 15/3 tới đây, BQL đền đã xây dựng phương án tăng cường lực lượng phục vụ từ 30% như hiện nay lên 50% để đảm bảo an toàn cho du khách khi ghé thăm đền. BQL đền cũng đã trang bị máy khử khuẩn, có thành viên túc trực nhắc nhở du khách thực hiện khử khuẩn, quét mã QR tại khu vực ra vào đền, chủ động ứng phó trong trường hợp du khách đổ về quá đông”, ông Trường nhấn mạnh.
Cũng theo ông Trường, thời gian quy định du khách được phép vào trong đền khi lễ được thực hiện nghiêm, việc tổ chức “khấn thuê, lễ mướn” chèo kéo du khách… được nghiêm cấm tuyệt đối dưới mọi hình thức tại đền.
Một điểm du lịch nổi tiếng khác là Di tích quốc gia đặc biệt Đền Đô (phường Đình Bảng, TP Từ Sơn), nơi thờ tự 8 vị Vua triều Lí, những vị Vua có công khai sáng nền văn minh Đại Việt, mở đầu giai đoạn xây dựng nhà nước phong kiến độc lập tự chủ và phát triển cường thịnh nhất trong lịch sử dân tộc.
Đền Đô có tổng diện tích 31.250 m2 với 21 hạng mục, chia thành 2 khu vực: nội thành và ngoại thành. Với nhiều công trình kiến trúc như Nhà Văn Chỉ, Nhà Võ Chỉ, Hậu Cung, Nhà Tiền Tế, Nhà Thủy đình, Hồ Bán nguyệt, Khu nhà bia, Bức Thiên đô chiếu (Chiếu dời đô)…, các công trình nằm trong Khu Di tích lịch sử văn hóa Đền Đô đều được xây dựng công phu, đắp vẽ chạm khắc kỳ công, độc đáo.
Ông Nguyễn Tiến Chiến, Trưởng Ban quản lí (BQL) di tích quốc gia đặc biệt Đền Đô chia sẻ, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên lượng du khách tới đền giảm mạnh so với mọi năm, chỉ khoảng 1 – 200 lượt/ ngày. Công tác phòng, chống dịch tại Đền Đô vẫn được đặt lên hàng đầu. BLQ thường xuyên tuyên truyền cho du khách tuân thủ các biện pháp phòng dịch trên loa phát thanh, đặt biển khuyến cáo, phun khử khuẩn hằng ngày…
“Đền Đô là nơi du khách trong và ngoài nước thường xuyên lui tới nên để chuẩn bị cho sự trở lại của ngành du lịch, BQL đã tập trung gìn giữ, bảo vệ các công trình kiến trúc tại đền, cải tạo một số hạng mục như lắp đặt hệ thống phun lọc nước tại hồ Bán Nguyệt, chăm sóc kĩ càng hệ thống cây xanh… tập huấn hằng tuần cho bộ phận an ninh, phục vụ về công tác phòng chống dịch, phòng cháy chữa cháy… đảm bảo an toàn cho mọi tình huống có thể xảy ra” ông Chiến thông tin.
Đảm bảo tốt nhất các dịch vụ du lịch
Ông Nguyễn Thái Học, giám đốc điều hành khách sạn Mường Thanh Luxury Bắc Ninh cho biết, khách sạn Mường Thanh Bắc Ninh là một trong những điểm lưu trú thường xuyên của khách công vụ trong và ngoài nước khi đến Bắc Ninh. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, doanh thu năm 2021 sụt giảm đến 70%. Tuy nhiên, sau Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19", tạo sự thông thoáng cho người dân thì lượng khách đã dần ổn định hơn.
“Dịch bệnh có thể vẫn còn phức tạp nên ngành du lịch sẽ còn nhiều khó khăn, trong đợt mở cửa du lịch trở lại ngày 15/3 tới đây là tín hiệu phấn khởi cho ngành du lịch, là sự kì vọng lớn lao cho các dịch vụ lưu trú phục hồi sau đại dịch. Khách sạn Mường Thanh Luxury Bắc Ninh với 168 phòng sẽ đáp ứng cho khoảng 300 khách hàng, cố gắng đảm bảo tốt nhất các dịch vụ, phục vụ cho du khách trên tinh thần thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch”, ông Học chia sẻ.
Còn ông Lê Thanh Tùng – Giám đốc công ty CP Văn hóa và Du lịch Kinh Bắc cho cho hay, dịch bệnh ảnh hưởng tới toàn bộ nền kinh tế đặc biệt là ngành du lịch, 100% hoạt động công ty bị đóng băng, các bạn nhân viên phải nghỉ việc, công ty phải bù lỗ các chi phí trong đó có cả chi phí hỗ trợ người lao động.
“Việc Chính phủ cho phép mở cửa du lịch trở lại từ 15/3 là một tín hiệu tốt cho toàn ngành du lịch, bản thân tôi rất vui mừng và công ty cũng đã có phương án chuẩn bị để đón khách tới đây như cho nhân viên đi làm trở lại, xây dựng các tour, tuyến quảng cáo tới khách hàng; xây dựng các phương án phòng dịch và thích ứng an toàn cho khách hàng; phối hợp và liên hệ với cơ quan quản lý du lịch của địa phương để xin chính sách hỗ trợ”, ông Tùng thông tin.
Theo ông Tùng, ngành du lịch phía trước sẽ còn nhiều khó khăn, nên rất mong dịch bệnh sớm ổn định, đặc biệt các chính sách của Chính phủ hiệu quả để doanh nghiệp phục hồi, sớm thoát cảnh khó khăn nhất kể từ khi thành lập.
Ông Nguyễn Xuân Côn, Trưởng Phòng Du lịch – Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh cho biết, để chuẩn bị cho công tác mở cửa du lịch tới đây, lãnh đạo Sở đã có những chỉ đạo thiết thực đến các điểm, tuyến, các cơ sở phục vụ du lịch.
Trước hết, đối với các điểm du lịch vẫn giữ hình ảnh một điểm đến an toàn, tạo sự yên tâm cho du khách khi đến với Bắc Ninh. Đối với các điểm dịch vụ tiếp tục nghiên cứu để tạo ra những sản phẩm du lịch mới, đồng thời, kết hợp công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, tăng cường chất lượng phục vụ được tốt hơn.
Cuối cùng, các khu, điểm và những dịch vụ du lịch phải có sự liên kết với nhau, tạo sự đồng bộ trong việc phục vụ du lịch. Hiện tại, phòng Du lịch đã hoàn thành dự thảo kế hoạch phục hồi phát triển du lịch một cách tổng thể để trình lãnh đạo phê duyệt triển khai trong thời gian tới.
“Trong thời gian ngắn, lượng khách chưa thể phục hồi được như cũ, nhất là lượng khách quốc tế do tâm lý còn e ngại tình hình dịch bệnh còn phức tạp, chúng tôi cho rằng cần điều chỉnh lại chiến lược thị trường và xây dựng sản phẩm phù hợp với các xu hướng mới về nhu cầu du lịch; tăng cường xúc tiến quảng bá kết hợp hiệu quả giữa cách thức tuyên truyền, quảng bá du lịch số, truyền hình và các ấn phẩm truyền thông; mở rộng liên kết, tìm kiếm thị trường khách du lịch, ưu tiên kết nối với các địa phương lân cận như thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh…”, ông Côn nhận định.