Một năm qua, như nhiều đồng nghiệp khác, anh trụ ở tuyến đầu chăm sóc các bệnh nhân Covid-19, và khi thành phố tạm kiểm soát được dịch, nhân dịp năm mới, bác sĩ Lê Văn Đạt Nhân kịp ra mắt cuốn sách “Phương pháp học tuyệt chiêu”.
Tốt nghiệp Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP HCM), từng tu nghiệp chuyên khoa Chăm sóc giảm nhẹ tại Đại học Y khoa Harvard (Mỹ), bác sĩ Lê Văn Đạt Nhân trở về nước, làm Phó trưởng khoa Chăm sóc giảm nhẹ Bệnh viện Ung bướu TP HCM và giảng viên Anh văn Y khoa Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Một năm qua, như nhiều đồng nghiệp khác, anh trụ ở tuyến đầu chăm sóc các bệnh nhân Covid-19, và khi thành phố tạm kiểm soát được dịch, nhân dịp năm mới, bác sĩ Lê Văn Đạt Nhân kịp ra mắt cuốn sách “Phương pháp học tuyệt chiêu”.
“Với góc nhìn của một bác sĩ chuyên khoa ung bướu, những đau khổ gây ra do đại dịch Covid-19 không hề thua kém bệnh ung thư, thậm chí khủng hoảng hơn do số lượng người mắc, tử vong quá lớn chỉ trong một thời gian rất ngắn. Cũng như bao nhân viên y tế khác, tôi cũng không thể ngồi yên, mà lao vào “tham chiến” ngay khi có thể: Trực tiếp điều trị bệnh nhân Covid-19 tại khoa, tại nhà, hỗ trợ tiêm vaccine, cung cấp vật tư y tế cho các bệnh viện dã chiến…”, bác sĩ Lê Văn Đạt Nhân chia sẻ.
Trong thời gian này, khi những bệnh nhân ung thư và nhiều bệnh nhân mắc các bệnh lý khác đang phải ở nhà, việc đến bệnh viện bị hạn chế, nên bệnh trở nặng, bác sĩ Lê Văn Đạt Nhân đang tham gia vào việc hỗ trợ tư vấn và đến nhà chăm sóc, giúp đỡ các bệnh nhân vượt qua giai đoạn khó khăn này: “Đó cũng là niềm vui vì giúp được rất nhiều người, nhưng cũng là nỗi lo khi nguy cơ lây nhiễm Covid -19 tăng lên rất cao”, bác sĩ Nhân tâm sự.
“Thật rõ ràng trong những ngày giãn cách, người ta cảm thấy cuộc sống mong manh. Tin tức về người thân, bạn bè mắc Covid-19 rồi ra đi làm con người lo sợ về việc một ngày nào đó đến lượt mình và người thân trong gia đình. Nhân viên y tế thì quay cuồng trong công việc. Thực tế là khi chọn lựa đi vào con đường bác sĩ chuyên khoa ung bướu nói chung, chuyên khoa chăm sóc giảm nhẹ nói riêng, tôi đã chuẩn bị cho mình quan niệm về sự sống, cái chết…
Vạn vật của vũ trụ đều lưu chuyển biến dịch, không có gì là thường trụ bất biến. Có sinh ắt có diệt, có thành ắt có bại. Quy luật vô thường, nhân quả hiện hữu muôn nơi. Sinh-lão-bệnh-tử khó tránh. Do tiếp xúc và trải nghiệm rất nhiều sự đau khổ, mất mát của bệnh nhân và gia đình, nếu không vững vàng với xác tín của mình, rất khó trụ lại với nghề. Thực tế thì bao nhiêu năm nay tôi đã dấn thân với bệnh ung thư”.
Trải nghiệm một năm qua của bác sĩ Nhân, đó là tình yêu. Tình yêu từ những người thân, đồng nghiệp, của những con người xa lạ không hề biết nhau, nhưng sẵn sàng hỗ trợ hết sức hết mình, có khi đến kiệt sức. Bác sĩ Nhân và một số bác sĩ khác cũng bỏ tiền túi và vận động bạn bè, người thân mua máy đo SpO2, khẩu trang… cung cấp cho các bệnh viện dã chiến khắp thành phố. Khi nghe tin một số nơi người bệnh thiếu thuốc, các anh chị đi mua và mang đến nhà cho họ. Trên app Zalo có chương trình “Hỗ trợ quanh đây”, anh mua thực phẩm hỗ trợ cho những người đang cần xuất hiện mỗi ngày xung quanh. Với bác sĩ Nhân, đây là những trải nghiệm rất đáng có của một nhân viên y tế, khó có thể có lần thứ hai trong cuộc đời.
Sinh ra trong gia đình trí thức với bố mẹ đều là giáo viên nên bác sĩ Nhân thừa hưởng “gen học”. Tại trường, anh luôn suy nghĩ làm sao thầy cô có thể giỏi đến thế? Làm sao có thể trả lời hết các câu hỏi do thầy cô đề ra? Làm sao có thể suy luận, tư duy như thầy cô? Anh tìm tòi, sưu tầm và sáng tạo rất nhiều phương pháp học hiệu quả và độc đáo, ghi hết vào một quyển sổ. Cho đến một ngày, bác sĩ Nhân tự hỏi, sao không chia sẻ những phương pháp tuyệt vời này với mọi người, để việc học là niềm vui, chứ không phải là những áp lực, đấu tranh… như chính bản thân anh đã tận hưởng niềm vui đó. Cuốn sách “Phương pháp học tuyệt chiêu” cũng trong tình hình chung của thị trường xuất bản và phát hành chung, ra mắt bị muộn so với dự kiến, và cũng bởi anh đã vất vả để chỉnh sửa kỹ càng hơn vào thời gian cách ly xã hội.
Sau dịch, có rất nhiều bệnh nhân bị tăng giai đoạn do ở nhà. Số bệnh nhân giai đoạn cuối tăng rõ rệt. Và lúc này họ sẽ cần anh nhất. “Nhiều ngày qua, tôi nhận hàng chục cuộc gọi yêu cầu hỗ trợ bệnh nhân ung thư nặng, đang được bệnh viện cho về nhà”, bác sĩ Nhân chia sẻ... “Chắc chắn là khủng hoảng tinh thần, lo sợ nhiều thứ làm ảnh hưởng chất lượng sống và giấc ngủ của bệnh nhân. Sợ chết là tâm lý chung ngoài những nỗi đau khổ về thể xác. Cô đơn (đau khổ về mặt xã hội) cũng thường có vì bị cách ly và phải rời bỏ những hoạt động ngày thường như công việc, sinh hoạt cộng đồng… Gia đình là nguồn hỗ trợ lớn nhất lúc này bên cạnh sự hỗ trợ chuyên môn của nhân viên y tế”.
“Bước sang năm 2022, có nhiều thông tin về chủng Omicron, người dân vẫn phải tuân thủ 5K, tiêm vaccine đầy đủ và có thuốc điều trị đúng lúc. Hy vọng năm 2022, thế giới sẽ sống chung hòa bình với các chủng Covid-19”.